Cách nào để tôm “sạch”?

Chưa có đánh giá về bài viết

Các hiệp định thương mại tự do mở rộng cơ hội để tôm Việt tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, sản phẩm tôm cũng đứng trước những thách thức, trước tiên là yêu cầu nâng cao chất lượng, đáp ứng quy tắc xuất xứ, trong đó, tôm phải đảm bảo không hóa chất, kháng sinh.

Báo động

Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, thực hiện chương trình giám sát và hoạt động kiểm tra chứng nhận lô hàng xuất khẩu, năm 2014, phát hiện gần 1,19% mẫu vi phạm. Cụ thể, phân tích 2.104 mẫu, phát hiện 25 mẫu có dư lượng vượt mức tối đa cho phép. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ 0,78% của năm 2013.

Số lô hàng bị cảnh báo các chỉ tiêu về hóa chất kháng sinh ở Mỹ và EU năm 2014 đã tăng hơn rất nhiều lần so với năm 2013, theo thứ tự là 44 và 26 so với 2 và 1. Thị trường Nhật Bản, năm 2014 có giảm so với năm 2013 nhưng vẫn còn cao với 22 lô hàng. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2015, số lô hàng bị cảnh báo ở Mỹ lại rất cao là 25 so với 44 lô hàng của cả năm 2014.

Thị trường Nhật Bản, năm 2014 cảnh báo chỉ tiêu Oxytetracycline 10 lô hàng và AOZ 4 lô hàng, tăng đột biến so với năm 2013 không có lô hàng nào. Trong 4 tháng đầu năm 2015, chỉ tiêu Enrofloxacin cũng đáng báo động. Còn thị trường Mỹ, 44 lô hàng bị cảnh báo năm 2014 đều tồn dư hóa chất cấm và thuốc thú y; các  lô hàng bị cảnh báo đầu năm 2015 cũng không đảm bảo an toàn thực phẩm liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh.

 

Cảnh báo kháng sinh trong tôm xuất khẩu là vấn đề lo ngại của nhiều doanh nghiệp Việt Nam – Ảnh: Duy Khương

Đánh giá của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản: “Trong năm 2014, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm đã mất kiểm soát và cơ quan thẩm quyền của các thị trường cũng tập trung kiểm tra các chỉ tiêu về hóa chất kháng sinh đối với các lô hàng tôm và thủy sản nuôi nói chung. Sau khi Bộ NN&PTNT triển khai các biện pháp đồng bộ vào cuối năm 2014, tình hình cảnh báo hóa chất kháng sinh đối với lô hàng tôm của Việt Nam tại thị trường EU có xu hướng giảm trong 4 tháng đầu năm 2015, tuy nhiên tại thị trường Mỹ còn rất cao so với cả năm 2014”.

 

Hành động ngay

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tính đến cuối năm 2014, Việt Nam xuất khẩu tôm đứng thứ nhất vào Nhật Bản, thứ ba vào Mỹ, thứ tư vào EU. Thực tế, nước ta vẫn phải nhập một lượng lớn tôm nguyên liệu để chế biến, chủ yếu từ Ecuador và Ấn Độ. Giá trị tôm nhập khẩu chiếm 80% trong tổng số khoảng 800 triệu USD thủy sản nguyên liêu nhập khẩu năm 2014.

Tôm nước ta đang có giá thành cao hơn so với các nước khác 1 – 2 USD/kg. Tuy nhiên, rào cản kháng sinh là trở ngại lớn nhất đối với tôm Việt Nam, đặc biệt trên thị trường Nhật Bản. Để ngăn chặn tình trạng tôm xuất khẩu tồn dư hóa chất kháng sinh, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản áp dụng cơ chế kiểm tra từng lô đối với chỉ tiêu bị cảnh báo trước khi xuất khẩu sang các thị trường. Bộ NN&PTNT đã ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện các biện pháp đồng bộ, cấp bách kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản.

Cục Thú y đang tập trung hướng dẫn người nuôi không sử dụng hóa chất kháng sinh cấm, tuân thủ thời gian sử dụng thuốc thú y trước khi thu hoạch. Tổng cục Thủy sản tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về sử dụng hóa chất kháng sinh cấm trong nuôi trồng. Còn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, rà soát chế độ tự kiểm tra với các lô nguyên liệu tiếp nhận chế biến, nhất là giám sát được những cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

>> Tại thị trường EU, năm 2014, số lô hàng bị cảnh báo các chỉ tiêu vi sinh vật rất thấp trong năm 2012, 2013 hoặc không có trong năm 2014, thì chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, đã bị cảnh báo 5 lô hàng (chủ yếu Vibrio, Salmonela).

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!