Cải tiến kỹ thuật sản xuất tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất tôm giống, trong những năm gần đây nhiều công ty, trạm, trại đã nghiên cứu và có nhiều cải tiến trong kỹ thuật sản xuất.

Áp dụng công nghệ cao

Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung đã có hệ thống cơ sở sản xuất được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế, an toàn sinh học cao, tôm bố mẹ chất lượng đảm bảo. Nguồn nước đưa vào sản xuất được lấy từ vùng biển không bị ô nhiễm và cách bờ tối thiểu 10 km, định kỳ 3 tháng khảo sát một lần. Sau đó, đưa vào hệ thống xử lý lọc cơ học, lọc tinh bằng Chlorine và được xét nghiệm chất lượng trước khi sử dụng.

Cùng đó, giữ nhiệt độ ở mức tối ưu trong quá trình nuôi tôm bố mẹ và ương nuôi tôm giống bằng hệ thống bơm nhiệt tự động. Nhiệt độ trong bể nuôi tôm bố mẹ luôn đảm bảo 27 – 280C, nhiệt độ tại bể ương ấu trùng 30 – 320C. Toàn bộ hệ thống bơm nhiệt được vận hành tự động bằng nguồn điện 3 pha, có thể điều chỉnh hai chiều (nóng và lạnh); hệ thống bơm nhiệt tự động có công suất nâng, hạ nhiệt 50C, với lưu lượng 15 m3 nước/giờ.

Bên cạnh đó, trong suốt quá trình ương tôm từ giai đoạn Nauplius đến khi xuất bán, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học chất lượng tốt, hạn chế sử dụng hóa chất và không sử dụng kháng sinh.

Trong giai đoạn Zoea, sử dụng hoàn toàn tảo tươi (Chaetoceros và Thalassiosira sp) được nhập từ Hawaii. Tảo được nuôi theo công nghệ được chuyển giao từ các chuyên gia Mỹ và Trường Đại học Nha Trang, có kích thước phù hợp và đáp ứng tối đa nhu cầu dinh dưỡng cho ấu trùng tôm thẻ chân trắng.

 

Sử dụng luân trùng

Artemia hiện vẫn là thức ăn chủ yếu được sử dụng trong sản xuất tôm giống trên toàn thế giới, tuy nhiên sử dụng các nguồn luân trùng phong phú như thực phẩm thay thế trong giai đoạn đầu ương nuôi ấu trùng tôm được chứng minh hiệu quả tại nhiều nghiên cứu khác nhau ở các điều kiện nhất định. Hơn nữa, nguồn luân trùng có chất lượng đảm bảo và giá thành rẻ hơn rất nhiều so với Artemia.

Chế độ cho ăn luân trùng tốt nhất đối với hậu ấu trùng tôm là bổ sung các loại luân trùng khác nhau cho từng giai đoạn. Tetraselmis và Nannochloropsis kết hợp có hàm lượng dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu bổ sung protein và DHA cho luân trùng trước khi cho ăn ở giai đoạn Mysis 1 và 2. Giai đoạn Mysis 3 đến PL5 cần luân trùng được bổ sung dầu gan cá tuyết và với nhũ tương dầu cá trích.

Tiếp cận phòng chống Vibrio

Thức ăn tươi sống, đặc biệt là giun nhiều tơ là nguồn thức ăn rất tốt cung cấp dinh dưỡng cho tôm bố mẹ. Tuy nhiên, nguồn thức ăn này cũng trở thành mối nguy, bởi đây là con đường trung gian mang vi khuẩn Vibrio vào trong trại sản xuất giống. Theo Ông Aedrian Ortiz Johnson, Giám đốc hỗ trợ kỹ thuật thức ăn cho trại giống Tập đoàn Skretting, tiếp cận phòng chống và kiểm soát bệnh do Vibrio trong nuôi tôm giống cần phải có quy trình kiểm soát chặt chẽ từ các thức ăn tươi sống. Theo Aedrian Ortiz Johnson, sử dụng công nghệ cấp đông và công nghệ bảo ôn Artemia sẽ là biện pháp hạn chế được mầm mống vi khuẩn gây bệnh trong quá trình sản xuất và giúp tạo ra con giống có chất lượng cao.

Nhật Minh (tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!