Cam Ranh: Sẽ di dời vùng nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo quy hoạch tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên vịnh Cam Ranh, hơn 20.000 lồng nuôi tôm, cá ở các phường trung tâm thành phố phải di dời về vùng nuôi Cam Bình và Cam Lập. Hiện nay, Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh thuê tư vấn cắm mốc, đồng thời vận động người dân chấp hành.

Nuôi cá bớp ở hộ ông Nguyễn Ngọc Thịnh.

Nuôi cá bớp ở hộ ông Nguyễn Ngọc Thịnh.

Người dân lo lắng

Theo thống kê năm 2017, toàn thành phố có khoảng 35.000 lồng NTTS, trong đó ở xã Cam Bình có hơn 8.000 lồng, một số ít ở xã Cam Lập, còn lại chủ yếu tập trung ở các phường: Cam Linh, Cam Thuận, Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc… Việc NTTS tại các phường phát triển theo kiểu tự phát, trong đó có nhiều người ở TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm, thậm chí ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến nuôi. Các lồng nuôi nằm san sát nhau, dày đặc, không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh môi trường không đảm bảo nên nguồn nước ngày càng ô nhiễm, năng suất không cao.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh (phường Cam Phúc Nam) cho biết, ông nuôi cá 10 năm nay nhưng chưa bao giờ nguồn nước ô nhiễm và cá đạt năng suất thấp như bây giờ. Trước kia, mỗi vụ ông thả đến 15.000 con cá bớp, tỷ lệ sống đến khi thu hoạch đạt đến 80%. Năm ngoái, ông thả 8.000 con, khi thu hoạch chỉ còn 800 con. Cách đây 10 ngày, ông Thịnh thả 6.000 con giống nhưng đang lo lắng vì “nhìn thấy nước không được đẹp”. Khi được hỏi về kế hoạch di chuyển đến vùng nuôi theo quy hoạch, ông Thịnh cho biết: “Ngư dân NTTS luôn mong muốn có một vùng nuôi ổn định, môi trường tốt để có kế hoạch phát triển lâu dài. Nguồn nước ở vùng Cam Lập hoặc Cam Bình đều rất tốt, phù hợp để nuôi cá bớp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là đường quá xa. Nếu chạy ghe từ Cam Phúc Nam đi Cam Bình thì mất gần 2 giờ, đi Cam Lập mất hơn 1 giờ. Đường xa sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí nhân công, bảo vệ lồng bè…”. Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Cường (phường Cam Phúc Nam) cho rằng: “Vùng nuôi Cam Bình quá xa, còn vùng nuôi Cam Lập không phù hợp với nuôi tôm. Ở Cam Lập mỗi khi có mưa lớn thì nước bị nhiễm ngọt rất nặng. Nuôi tôm hùm ở đó rất dễ bị chết”.

Ông Lê Minh Hải – Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, đa số người NTTS không đồng tình với việc di chuyển về vùng nuôi theo quy hoạch vì quá xa và bất tiện. Hiện nay, UBND TP. Cam Ranh đã giao cho Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, quán triệt và vận động người dân thực hiện nghiêm theo quy hoạch.

Sẽ cắm mốc, phân lô

Theo quy định tạm thời vùng NTTS trên địa bàn tỉnh, ở vịnh Cam Ranh có 3 vùng nuôi. Vùng nước đảo Bình Ba (Cam Bình) giữ nguyên khoảng 100ha hiện tại với khoảng 8.000 ô lồng, đồng thời định hướng phát triển thêm khoảng 80ha phía tây đảo với khoảng 320 lồng nuôi công nghiệp (kiểu Na Uy). Vùng nuôi Cam Lập với khoảng 500ha, có thể nuôi được 25.000 ô lồng, mục đích để di dời, sắp xếp lại vùng NTTS trong vịnh Cam Ranh. Vùng nuôi Bình Hưng (Cam Bình) giữ nguyên với khoảng 30ha, nuôi khoảng 1.000 lồng, chủ yếu là tôm hùm.

Lãnh đạo UBND phường Cam Phúc Nam cho biết, đa số người dân khi được hỏi đều không muốn di dời về vùng nuôi Cam Lập. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển nghề NTTS bền vững, phường đang tiến hành vận động người dân, yêu cầu người dân đăng ký kê khai số lượng nuôi trồng. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người không phối hợp kê khai, gây khó khăn cho công tác quản lý. Trong khi đó, số lượng lồng nuôi trên địa bàn phường cứ tăng dần theo các năm. Năm 2016, toàn phường có khoảng 5.000 lồng nuôi, năm 2017 tăng lên hơn 6.000 lồng, năm 2018 chưa thống kê nhưng qua quan sát đã tăng hơn so với năm 2017.

Theo ông Hải, hiện nay, 3 vùng nuôi của Cam Ranh mới chỉ nằm trên quy hoạch. Muốn di dời lồng bè về phải cắm mốc, phân lô như trên đất liền. Hiện nay, UBND TP. Cam Ranh đã đồng ý cho Phòng Kinh tế hợp đồng với Viện NTTS thuộc Trường Đại học Nha Trang tiến hành khảo sát, thiết kế và thi công cắm mốc tại 3 vùng nuôi này. “Ngày 10-5, phòng sẽ làm việc với viện để thống nhất các nội dung thực hiện. Việc thiết kế thi công sẽ được thực hiện song song với công tác tuyên truyền chủ trương cho người dân. Dự kiến cuối năm 2018 sẽ thực hiện xong phần cắm mốc, thi công phân lô để kịp di dời lồng bè về vùng quy hoạch trong năm 2019”, ông Hải cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho rằng, khi bị đưa đến vùng xa nuôi chắc chắn người dân sẽ phản ứng mạnh. Tuy nhiên về lâu dài, để phát triển TP. Cam Ranh đúng tầm thì không thể cho NTTS ở ven vịnh. Việc phát triển NTTS tự phát đã để lại những hệ lụy lớn về môi trường, cảnh quan. Thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành cắm mốc, thả phao ở 500ha thuộc vùng nuôi Cam Lập để cương quyết di dời lồng nuôi về đây.

Văn Kỳ

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!