T2, 06/07/2020 12:33

Cấm thúng chai – Liệu làng chài có mất?

Chưa có đánh giá về bài viết

Tròn 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương gượng mình phát triển trở thành trung tâm trên mọi lĩnh vực của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, thế nhưng sâu thẳm trong ký ức người dân, TP. Đà Nẵng vẫn là vùng đất được khai sinh từ những làng chài ven biển. Nơi có những người dân tối ra khơi, sáng về tôm cá đầy khoang. Thế nhưng, chẳng bao lâu nữa những làng chài ven biển Nam Ô, Thọ Quang, Mân Thái sẽ gần như sạch bóng thuyền thúng – thứ lưu giữ ký ức miền biển. Liệu làng chài có lùi vào ký ức!

Chiếc thuyền thúng - trí khôn biển Việt, nơi mỗi ngày vẫn đang lưu giữ những kí ức miền biển Việt   Ảnh: CTV

Chiếc thuyền thúng – trí khôn biển Việt, nơi mỗi ngày vẫn đang lưu giữ những kí ức miền biển Việt Ảnh: CTV

Khi ngư dân gác thúng, nằm bờ

Đến thăm ngư dân vào những ngày cuối năm, câu hỏi “Biết làm gì để sống?” khiến nhiều người im lặng. Họ nay phải nghĩ đến việc có lúc sẽ gác thúng, nằm bờ nhìn biển. Toàn TP. Đà Nẵng có khoảng 1.000 thuyền thúng, tàu có công suất nhỏ dưới 20 CV, giải quyết việc làm cho ít nhất 1.500 lao động. Thế nhưng khi chủ trương của thành phố được ban hành, không chỉ từng ấy ngư dân lao đao mà phía sau đó là hàng nghìn gia đình thấp thỏm câu chuyện mưa sinh.

Ghé thăm biển Thọ Quang, dù mưa gió nhưng hàng trăm thuyền thúng máy vẫn đang ra khơi mỗi ngày. “Mấy tháng nay đang là mùa đánh bắt chính khi tôm hùm giống vào mùa. Giá trị kinh tế cao nên nhiều ngày qua chúng tôi vẫn tranh thủ đi biển. Người ít người nhiều cũng được vài trăm ngàn tiền chợ. Có hôm bạc triệu ấy chứ”, anh Dũng, một ngư dân làng biển Thọ Quang cười khoe mùa biển giáp Tết. Vậy nhưng nhắc đến chuyện thành phố sắp cho ngừng hoạt động thuyền thúng, tiếng cười anh gượng đi. “Chúng tôi đã nghe tin, phường có mời lên họp nhưng anh em lắc đầu. Đời cha rồi đến đời tôi sống nhờ vào nghề biển. Tôi hành nghề đã hơn chục năm nay, gia đình, con cái đều nương nhờ vào cái thuyền, cái thúng. Nghe người ta nói có thể đổi nghề, làm ăn cách khác nhưng thử hỏi nếu có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng nghề khác thì đâu phải đến hôm nay hay cần ai nói chúng tôi. Bám biển là có lý do của hàng nghìn người”.

Anh Hoàng, một ngư dân khác đang sửa thúng gần đó cũng tặc lưỡi lắc đầu: “Mà lạ thiệt, thành phố biển lại đi vận động người dân bỏ biển? Rồi thì lấy chi sống đây?”. Anh Dũng tiếp lời hỏi, nghe người ta nói đánh bắt gần bờ làm cạn kiệt nguồn hải sản. “Vậy còn tàu lớn, đánh bắt xa bờ, chẳng lẽ nguồn hải sản ngoài đó vô tận! Lạ thật!”.

Suốt mạch câu chuyện với các ngư dân là những câu hỏi. Họ như đang cố tìm ra một cái lý nào đó cho việc rời bỏ nghề biển của mình. Thế nhưng câu nói của anh Dũng khiến ai cũng chựng lại: “Cầm mấy mươi triệu đó rồi cũng tiêu hết. Chúng tôi bám lấy nghề này mấy mươi năm không giàu có nhưng cuộc sống tự do. Chừ nói đi làm thuê, có nhiều tiền hơn cũng không sướng bằng cái nghề mình sống với nó bao nhiêu năm”.

Anh Dũng chỉ tay về hướng cuối bãi: “Những người dân làm biển, không bằng cấp, không chữ nghĩa, lại ở cái tuổi 50, 60, có người 70 tuổi vẫn đang cáng đáng 2, 3 miệng ăn thì biết chuyển qua làm gì? Nếu có nghề khác làm được thì họ đâu phải ở cái tuổi đó còn ra với sóng gió?”. Đó hẳn là câu hỏi rất khó cho bất kỳ ai khi cùng ngồi lắng nghe câu chuyện của những người ngư dân cả đời sống nhờ chiếc thúng, nhờ lộc biển. Thế nhưng có một điều mà qua câu chuyện đó, hẳn ai cũng vỡ lẽ ra nhiều điều. Hóa ra người miền biển phải là vậy. Họ sống tự do, làm nghề bằng kinh nghiệm của người đời trước, rồi trải qua bao sóng gió mà đắp đổi cuộc sống. Với họ, không cần quá giàu có, chỉ cần được sống như hiện tại là đủ. Giờ bắt họ bỏ, mấy ai chấp nhận được ngay!

Gặp anh Lang, một ngư dân phường Hòa Minh, tôi gượng hỏi, “Hay là đóng máy lớn đi khơi” thì anh Lang lắc đầu: “Đâu phải chuyện dễ. Biển giả mà. Rồi lỡ sa cơ thì chắc siết nhà siết cửa mà trả nợ. Chúng tôi dân nghèo, không dám liều làm lớn. Chuyển đổi ngành nghề, người chữ nghĩa đi làm lương đủ sống đã khó huống gì mấy người già như chúng tôi”.

Vướng vào tình thế còn khó khăn hơn những ngư dân khác, anh Cư, phường Hòa Minh cùng bạn góp chung 1 thúng máy. Tháng rồi nghe tin từ phường, anh Cư lo lắng bởi con thuyền thúng không đăng ký, đến giá đền bù cũng không được như người ta. “Cứ nghĩ là nhỏ, sắm sửa ra rồi mấy anh em cùng nhau làm chứ có nghĩ chuyện đăng ký hay hợp pháp gì. Chắc nay mai tôi phải đi hỏi để còn liệu tính”. Nghe vậy, người bạn ở cạnh anh gạt: “Thôi đi được ngày nào hay ngày đó chứ dù có đền bù thì cũng chỉ bằng chúng tôi làm lụng 3, 4 tháng. Cầm từng đó tiền về ăn rồi thì cũng hết chứ sống răng cho được”. Nói rồi anh kia cũng hạ giọng, “Rồi chuyện đáng lo nhất là mấy đứa nhỏ chứ đâu xa. Cuộc sống của chúng tôi là cơm ăn mỗi ngày, gom được ít tiền cho con học hành. Cha không đi biển, mẹ không đi chợ thì con cái cũng khổ theo!”. Câu nói của anh khiến những người ngồi xung quanh cũng lặng thinh.

Lo sinh thái, vậy còn dân sinh?

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng chia sẻ, ngay khi thông tin việc xóa bỏ tàu cá, thuyền thúng nhỏ được ban hành đã vấp phải sự phản ứng của ngư dân mà theo ông Lĩnh là hoàn toàn dễ hiểu. “Chúng ta không chỉ đang mua thuyền mà là mua công cụ làm ăn của người dân. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang lấy đi cơ hội làm ăn của họ, một công việc mà họ đã sinh tồn với nó không chỉ một thế hệ mà là nhiều đời người dân tại đây, mà đó là chưa kể, đây là nghề tổ của vùng đất này”, ông Lĩnh chia sẻ. Nói vậy để hiểu, dù là hoạt động nhỏ nhưng ngành nghề này vẫn đang giúp duy trì cuộc sống cho hàng nghìn người. Vì vậy không thể nói thu mua, đền bù xong là thôi.

“Nếu ngư dân không đồng thuận, không ổn định được cho họ về cả tư tưởng và kế sinh nhai về sau, cuộc sống của khoảng 2.000 người dân sẽ không ổn định và trở thành vấn đề an sinh lớn của thành phố. Chúng ta đang bàn về việc bảo vệ hệ sinh thái, môi trường tự nhiên, nhưng chớ có bỏ qua cuộc sống của người dân mình”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nói việc hạn chế khai thác ven bờ để bảo vệ nguồn lợi hải sản theo ông Lĩnh “cũng chỉ là định tính chứ chưa định lượng”. “Chúng ta chưa có bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào từ trước đến nay về điều này. Đây là cách làm thiếu khoa học trong công tác khai thác tài nguyên biển của nước ta chứ không riêng gì TP. Đà Nẵng. Trong khi đó biển là một hệ sinh thái rất đa dạng về giống loài động vật cũng như thực vật thủy sinh. Các ngành nghề đi khơi, đi gần bờ nảy sinh từ đó. Việc khai thác quá nhiều làm cạn kiệt một vài loài sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nhưng nếu không khai thác, một thời gian sau, một số loài sinh sản quá nhiều, điều này cũng làm mất cân bằng. Vì vậy, để tránh tác động tiêu cực thực sự, cần phải nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng để có phương án khai thác hợp lý, chứ không nên cấm hẳn”, ông Lĩnh nhận định.

Thúng chai lưu giữ ký ức miền biển

Người miền biển có câu nhắc, chưa có thúng thì chẳng ai đi biển. Ý chỉ, chiếc thúng chai như là “cánh tay” của ngư dân, là vật bất ly thân của những con tàu lớn nhỏ. Và chính vì vậy, hàng trăm năm qua khi người dân Việt còn gắn mình với biển cũng là từng ấy thời gian, chiếc thúng nhỏ bé luôn ở bên, đồng hành trên hành trình chinh phục và lưu giữ những ký ức của biển cả.

Vậy nên, nói xóa bỏ 1.000 thuyền thúng nghe chừng chắc nhỏ, nhưng nếu nhìn về tương lai của những bãi biển Nam Ô, Mân Thái, Thọ Quang sạch bóng thuyền thúng thì hóa chẳng phải chúng ta đã xóa bỏ hết những câu chuyện văn hóa miền biển!

TP. Đà Nẵng, một trong những vùng đất phát triển từ biển, bóng những thúng bao năm qua vẫn trải dài từ trên bờ cát đến mặt nước. Cái thứ tròn xoay, nhỏ bé ấy với ngư dân như người bạn. Bạn đưa họ ra biển rồi lại vào bờ, khi lại cùng nhau cưỡi lên sóng, vượt qua gió giữa biển khơi. Sóng dù đánh ngược xuôi, thúng và người cứ gật gù, nhấp nhô mà ngồi vững trên mặt biển. Người ta ví “trí khôn biển Việt”. Vậy nên, thuyền thúng không chỉ là phương tiện mà còn là nét văn hóa rất đặc sắc của các làng chài ven biển Việt Nam. Để đến nay, chúng đã có mặt ở châu Âu, châu Úc như một đại diện của văn hóa Việt, không gian làng chài Việt. Thế nhưng, với chính người Việt, chúng ta dường như chưa nghĩ đến việc gìn giữ nét văn hóa ấy!

Tự nhận là người ít chữ nhưng câu nói của anh Dũng lại khiến nhiều người giật mình: “Chẳng biết mấy tòa nhà cao tầng thế nào chứ thuyền thúng, lưới mủng rồi cả dân chài lưới chúng tôi đều đã lên khung hình của du khách mà đi khắp các nước. Hỏi thử dẹp chúng tôi rồi, khách đến đây còn gì để ngắm, để biết về làng chài này?”.

Những bụng thúng đầy ắp tôm cá mang theo bao vui buồn ngư dân   Ảnh Lê Tuấn

Những bụng thúng đầy ắp tôm cá mang theo bao vui buồn ngư dân Ảnh Lê Tuấn

Rồi ngay trong những buổi chiều mùa đông này, những đoàn du khách vẫn ghé lại các bãi biển Đà Nẵng, nơi người dân đang tập trung bên những chiếc thuyền thúng chuẩn bị ra khơi. Người hướng dẫn viên vẫn mượn hình ảnh ấy mà kể về câu chuyện chài lưới đất Đà thành. Chuyện mà nếu những con tàu lớn vươn khơi bám biển để góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc thì những người ngư dân cùng chiếc thuyền thúng chai ven bờ vẫn đang giữ lại một phần văn hóa biển của vùng đất này.

Những đứa trẻ miền biển hôm nay vẫn lớn lên nhờ những bụng thúng đầy cá tôm. Cuộc sống của ngư dân, văn hóa miền biển vẫn có mặt chiếc thúng chai song hành. Văn hóa miền biển là đó chứ đâu xa và chúng ta vẫn còn cơ hội gìn giữ. Đừng để đến lúc mất đi rồi mới bàn chuyện khôi phục!

>>Giữa năm 2016, TP Đà Nẵng có kế hoạch giảm số lượng tàu công suất nhỏ hơn 20 CV. Điều này đồng nghĩa với việc những câu chuyện về biển, về những người ngư dân bên chiếc thuyền thúng trong nay mai cũng sẽ trở thành ký ức ngay giữa vùng đất biển.

Nguyễn Thùy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!