Cần đầu tư căn cơ cho nghề nuôi nghêu

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghêu là một trong 4 thủy sản nuôi trồng chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm, cá tra, cá rô phi) và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt ở EU. Tuy nhiên, nghêu nhạy cảm với môi trường nên có nhiều rủi ro cho người nuôi trong tình hình biến đổi khí hậu.

Diện tích nuôi nghêu (cùng một ít sò và hàu) cả nước từ 28.133 ha năm 2011 lên hiện nay 40.685 ha và sản lượng tăng từ 157.000 tấn lên gần 300.000 tấn. Mục tiêu năm 2020, diện tích nuôi tăng lên 48.370 ha, năng suất trung bình 8,27 tấn/ha.

Vùng ĐBSCL nuôi nghêu đã phát triển ở tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh với diện tích năm 2019 là 5.283 ha; trong đó, Bến Tre 2.873 ha, Tiền Giang 1.950 ha, Trà Vinh 460 ha. Tổng diện tích bãi biển có thể phát triển nuôi nghêu ở ba tỉnh lên đến 9.770 ha. Ở tỉnh Bến Tre và Trà Vinh còn có 274 ha nghêu bố mẹ và 550 ha nghêu giống chất lượng cao.

Ở phía Bắc, tỉnh Nam Định là điển hình khai thác nghêu tại các vùng đất ngập nước ven biển. Đến nay có diện tích khoảng 1.700 ha, sản lượng hàng năm từ 17.000 đến 25.000 tấn. 

Việc đầu tư phát triển bền vững nghề nuôi nghêu là vô cùng cần thiết

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, giai đoạn 2010 – 2019, hầu hết bãi nghêu tại 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh thể hiện xu hướng thu hẹp về diện tích và thay đổi vị trí phân bố theo hướng ra xa bờ hơn; tỷ lệ giảm diện tích trung bình tại 3 tỉnh là 21,7%; mật độ và sinh lượng cũng giảm. Nguyên nhân chính là do xói lở và bồi tụ diễn ra liên tục, xen kẽ tại các vùng ven biển, trong lúc nghêu phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên.

Cùng đó, hiện tượng nghêu chết hàng loạt cũng đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng”. Từ đầu năm đến tháng 6/2019, hơn 300 ha nghêu ở tỉnh Trà Vinh bị chết 3 đợt sau khi thả 95 tấn con giống, gây thiệt hại trên 300 tấn trong năm nay và theo chu kỳ thu hoạch kéo dài sang năm 2020 mất khoảng 700 tấn nữa. Các nghiên cứu chuyên sâu xác định, vi khuẩn giống Vibrio gây chết nghêu ở giai đoạn ấu trùng và hậu ấu trùng; vi khuẩn nội bào Ricketsia gây chết nghêu nuôi thương phẩm. Các yếu tố độ mặn, nhiệt độ, thời gian phơi bãi có liên quan nghêu chết hàng loạt.

Theo các chuyên gia, để nghề nuôi nghêu phát triển bền vững, cần đầu tư căn cơ hơn. Trước tiên, xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo môi trường và dịch bệnh. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi ở các vùng đặc trưng của ĐBSCL và các địa phương khác… 

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!