T2, 06/07/2020 12:33

Cần liên kết, ổn định đầu ra cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang thu hoạch cá để đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu dịp cuối năm. So với cách đây 3 tháng, giá cá tra nguyên liệu tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện tăng ít nhất khoảng 1.000 đồng/kg.

Nuôi cá tra ở DBSCL

Nuôi cá tra ở DBSCL

Thống kê của Bộ NN&PTNT, 11 tháng năm 2016, diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL tăng 1% so cùng kỳ năm 2015, diện tích thả nuôi khoảng 5.531 ha; sản lượng thu hoạch hơn 1,14 triệu tấn, tăng 1,9%. Những địa phương có sản lượng tăng gồm: tỉnh Đồng Tháp tăng 5,6% (đạt 361.238 tấn), TP Cần Thơ tăng 7,8% (152.406 tấn), Bến Tre tăng 5,9% (162.630 tấn).

Giá cá tra nguyên liệu loại 1 (thịt trắng, cỡ 700 – 900 g/con) tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… ở mức 21.500 – 22.000 đồng/kg; cá tra thịt trắng loại 2 khoảng 20.800 – 21.000 đồng/kg. Theo nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL, giá cá nguyên liệu hiện tại, nhiều hộ nuôi cá mới phá huề vốn hoặc còn bị lỗ trên dưới 1.000 đồng/kg do giá thành nuôi cá tra ở mức khá cao 21.000 – 22.000 đồng/kg. Còn những hộ nuôi liên kết và được doanh  nghiệp đầu tư đầu vào có thể lời 500 – 1.000 đồng/kg. Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua cá tra nguyên liệu của nông dân không trả tiền ngay mà phải sau một vài tuần mới thanh toán. Do vậy, những nông dân vay vốn ngân hàng để nuôi cá cũng phải gánh thêm phần lãi vốn vay.

Trong quá trình sản xuất, người nuôi đã thực hiện liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp thu mua và chế biến cá tra, tạo sự ổn định hơn trong nuôi trồng, hiệu quả cũng bền vững hơn. Ghi nhận tại một số địa phương vùng ĐBSCL, mối liên kết ngành dọc giữa người nuôi và doanh nghiệp được hình thành khá chặt chẽ. Người nuôi gần như đều gắn đầu ra với doanh nghiệp chế biến cụ thể cũng như áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến. Mặt khác, các địa phương đều chú trọng quy hoạch vùng nuôi và khuyến cáo liên kết nuôi giữa doanh nghiệp và nông dân.

Thống kê của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đến 16/11, diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn đạt 686 ha, bằng 94% kế hoạch và 82% so cùng kỳ năm 2015, đã thu hoạch 530 ha. Thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương tích cực hỗ trợ và khuyến khích nông dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị. Theo đó, đã mở rộng diện tích nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn được 178 ha, trong đó 174 ha cá tra (gồm: 17,5 ha nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP, 10 ha BAP, 10 ha ASC, 15 ha BMP, 121,5 ha VietGAP). Tỉnh Hậu Giang cũng vừa công bố “Quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; dự kiến diện tích nuôi cá tra đạt 340 ha vào năm 2020 và giữ ổn định đến năm 2030, sản lượng ước đạt 82.000 tấn. Định hướng phát triển vùng nuôi gắn với chế biến cá tra theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Là một trong những hợp tác xã hình thành và phát triển nghề cá tra sớm tại Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết, năm qua, Hợp tác xã đăng ký hợp đồng nuôi cá với doanh nghiệp khoảng 4.000 tấn, đến nay đã giao khoảng 3.000 tấn, với giá cá doanh nghiệp thu mua, người nuôi lời khoảng 1.000 đồng/kg. Các thành viên Hợp tác xã yên tâm sản xuất khi không còn quá lo ngại về đầu ra sản phẩm…

Đại diện Hội Nghề nuôi chế biến thủy sản TP Cần Thơ chia sẻ, dịp Noel và Tết Dương lịch tới đây, các thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam tăng, không riêng gì thị trường Trung Quốc, nên người nuôi và cả doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường để không bị thiệt thòi. 

Bảo Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!