Cần quy hoạch nuôi tôm siêu thâm canh

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh bởi ưu thế năng suất cao, yếu tố môi trường và dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn so với nuôi truyền thống, đầu ra đảm bảo… Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh diện tích nuôi tôm siêu thâm canh dẫn đến nhiều bất cập.

Ông Thái Minh Thức, xã Hoà Tân, TP Cà Mau đang chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh.

Ông Thái Minh Thức, xã Hoà Tân, TP Cà Mau đang chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh.

Những bất cập đó là vùng nuôi chưa được quy hoạch cụ thể, chủ yếu mang tính tự phát, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, việc xả thải đang là vấn đề gây quan ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Hiện, toàn tỉnh có hơn 600 ha nuôi tôm siêu thâm canh với hàng trăm hộ nuôi.

Hiệu quả bước đầu

Hợp tác xã (HTX) nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng, huyện Cái Nước là một trong những HTX triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc đạt hiệu quả cao, tạo được niềm tin ở người nuôi, qua đó số lượng xã viên ngày càng phát triển, đến nay có hơn 30 xã viên.

Khi áp dụng mô hình này thì tôm nuôi được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu dèo 1 tháng, sau đó chuyển xuống ao nuôi. Mật độ thả nuôi khoảng 100-150 con/m2, cao hơn nhiều lần so ao đất, tỷ lệ thành công hơn 80%. Ông Huỳnh Diện, Giám đốc HTX, cho biết: “Áp dụng mô hình này trong 1 năm có thể nuôi được nhiều vụ mà vẫn kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí so với sử dụng bạt”.

Hiện tại có nhiều công ty tham gia đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh. Ông Hoàng Văn Hoan, Giám đốc dự án của Công ty N.G Việt Nam, cho biết: “Công ty đầu tư phát triển các mô hình tại một số huyện. Ưu điểm là có thể thả nuôi nhiều vụ, thậm chí 4 vụ trong năm. Qua thực tế cho thấy, năng suất đạt khoảng 6 tấn/vụ nếu nuôi diện tích 1.600 m2. Không cần diện tích nuôi quá lớn, không đòi hỏi kỹ thuật quá cao nhưng hiệu quả kinh tế cao, quy trình xử lý môi trường đảm bảo”.

Ông Thái Minh Thức, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, một trong những người nuôi tôm thâm canh công nghệ cao nhiều năm nay, cho biết: “Nuôi tôm siêu thâm canh đạt năng suất cao, sản phẩm đảm bảo sạch bệnh, tỷ lệ thành công cao nên hiện nay mô hình này được đông đảo bà con trong ấp áp dụng. Ưu thế hiện nay là người dân có thể liên kết với nhà đầu tư, tư vấn quy trình kỹ thuật cũng như được cung cấp nguồn giống, thức ăn chất lượng”.

Cẩn trọng trong mở rộng, phát triển

Mặc dù mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bước đầu chứng minh tính hiệu quả, tuy nhiên, với việc phát triển quá nhanh hình thức nuôi này có thể dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh. Khi thấy lợi nhuận cao, nhiều hộ dân đã thả nuôi khi chưa nắm kỹ quy trình kỹ thật, xử lý môi trường không đảm bảo đúng quy trình, thậm chí nhiều hộ dân xả thải thẳng ra môi trường, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao.

Ông Thái Minh Thức, ấp Cái Nai, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, cho biết: “Để áp dụng thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, yếu tố quan trọng nhất là người nuôi phải nắm vững và tuân thủ triệt để quy trình kỹ thuật. Thực tế tham quan nhiều nơi cho thấy, một số hộ vì kinh phí hoặc lợi nhuận đã không tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, chưa quan tâm đúng mức việc xử lý nước thải, thậm chí có hộ không có ao xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường. Điều này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ về dịch bệnh sau này”.

Ngoài yếu tố về kỹ thuật, vấn đề nổi cộm hiện nay là các khu vực nuôi tôm công nghệ cao thường nhỏ lẻ, không nằm trong vùng quy hoạch của địa phương, do đó thiếu nguồn điện 3 pha. Trước thực tế đó, tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với điều kiện tái cơ cấu để khắc phục tình trạng sản xuất tự phát ngoài quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như hạn chế rủi ro khi phát triển “nóng” hình thức nuôi tôm siêu thâm canh như hiện nay.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Hiện ngành chức năng tập trung thực hiện nhiều giải pháp và đẩy nhanh việc triển khai các quy hoạch, dự án đã được duyệt, khuyến khích mô hình liên kết trong nuôi tôm nhằm phát huy hiệu quả cao nhất hình thức nuôi tôm siêu thâm canh theo hướng ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường”.

Đặng Duẩn

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!