Cần sớm tháo gỡ bất cập trong cấp giấy phép khai thác thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Luật Thủy sản 2017 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, nhưng trong quá trình áp dụng Luật vào thực tế đã xuất hiện nhiều vướng mắc. Trong đó, qui định cấp giấy phép khai thác thủy sản theo vùng đang bộc lộ bất cập khi hàng trăm tàu cá không nằm trong diện sẽ phải nằm bờ hoặc phải đối mặt với thách thức chuyển vùng…


Những chiếc tàu cá này sẽ không đảm bảo an toàn khi phải chuyển sang khai thác ở vùng khơi theo đúng qui định của Luật Thủy sản 2017.

Tàu nhỏ thì ra vùng khơi, tàu lớn phải vào vùng lộng

Những ngày này ông Nguyễn Văn Thịnh ở thôn Quy Hà, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong đứng ngồi không yên khi chiếc tàu cá số hiệu QT 23040TS công suất 30 CV của ông không còn được cấp giấy phép khai thác thủy sản ở vùng lộng nữa. Nguyên nhân là do theo qui định mới, một trong những điều kiện để tàu cá được cấp giấy phép khai thác ở vùng lộng là phải có chiều dài nhỏ hơn 15 m, trong khi chiếc tàu cá của ông mặc dù chỉ có công suất 30 CV nhưng lại có chiều dài 16 m. Theo ông Thịnh, từ trước đến nay ông chỉ quen với nghề vó và giã lộng khai thác mực, ruốc, tôm ở ven vùng lộng; tàu cá có công suất nhỏ, chiều cao mạn thấp nên nếu không được cấp giấy phép khai thác vùng lộng mà buộc phải ra khai thác vùng khơi thì ông đành phải cho tàu nằm bờ chứ không thể vươn khơi do không đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. “Tôi cũng đã nghĩ đến phương án lắp thêm máy để ra vùng khơi nhưng thấy không khả thi. Do tàu cá của tôi chỉ có chiều cao mạn chưa đầy 1 m, với gió Tây Nam như những ngày qua thì chỉ cần ra cách bờ khoảng 7 – 10 hải lí là sóng biển đã phủ qua tàu rồi. Nếu phải ra vùng khơi để khai thác thì rất nguy hiểm, còn phải đóng tàu mới thì lại không có tiền, mà cũng không có kinh nghiệm để khai thác vùng khơi”, ông Thịnh nói.

Trao đổi với chúng tôi khi đang sắp xếp lại ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới, anh Nguyễn Công Lường ở tại thôn Quy Hà, chủ tàu cá QT 23033TS công suất 60 CV cho biết, anh cùng với 3 bạn thuyền chuyên khai thác nghề vó và giã ruốc, mực ở vùng lộng, nơi có chiều sâu khoảng 20 m nước. Tuy nhiên do tàu cá của anh có chiều dài 15 m nên hiện giờ anh đang rất băn khoăn, không biết có còn được khai thác ở vùng lộng hay không, còn nếu buộc phải ra vùng khơi thì không biết xoay xở thế nào. “Bình thường nếu biển thật êm thì tàu cá của tôi mới có thể ra khai thác xung quanh ngư trường đảo Cồn Cỏ. Còn ra xa hơn nữa thì tôi không dám do không đảm bảo an toàn”, anh Lường cho hay.

Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Độ Nguyễn Chơn Hòa, toàn xã hiện có 21 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên nhưng có chiều cao mạn và chiều ngang nhỏ, công suất lắp máy chỉ từ 24 – 60 CV, chỉ phù hợp khai thác ven bờ và vùng lộng, thu nhập bấp bênh. Nếu bây giờ thực hiện theo đúng Luật Thủy sản 2017, các tàu cá này phải chuyển ra khai thác vùng khơi thì không thể được do không đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Còn để nâng cấp, đóng mới tàu có công suất lớn, trang thiết bị ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi xa thì họ lại không đủ lực. “UBND xã đã có văn bản đề nghị ngành Nông nghiệp và PTNT nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo sinh kế cho ngư dân”, ông Hòa cho biết.

Tại xã biển Gio Việt, huyện Gio Linh, trao đổi với chúng tôi khi đang bốc xếp nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày, ngư dân Trần Hồng Lĩnh, thuyền trưởng tàu cá QT 93599TS công suất 430 CV cho biết, tàu cá của anh được mua mới năm 2011 và thường xuyên tham gia khai thác ở vùng biển xa. Tuy nhiên do chỉ có chiều dài 14,7 m nên từ khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, tàu cá của anh sẽ phải chuyển hoạt động từ vùng khơi sang vùng lộng nếu không nâng cấp chiều dài tàu cá từ 15 m trở lên. Để có thể tiếp tục khai thác ở vùng khơi anh đã phải đầu tư thêm gần 170 triệu đồng để cải hoán, nâng chiều dài tàu cá của mình lên 16,2 m. Theo anh Lĩnh, lâu nay tàu cá của anh vẫn khai thác nghề lưới vây rút chì và pha xúc ở vùng khơi, trên các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, do vậy nếu bây giờ phải chuyển vào khai thác ở vùng lộng thì các loại máy móc, ngư lưới cụ đã đầu tư sẽ không phù hợp, sản lượng cũng không đạt. “Trên địa bàn xã Gio Việt hiện có một số tàu cá có công suất máy từ 90 CV trở lên đã gắn bó lâu năm với nghề khai thác thủy sản ở vùng khơi, đã quen với từng dòng chảy, từng luồng cá. Bây giờ, theo qui định mới, các tàu cá này sẽ không đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi nếu không nâng cấp chiều dài từ 15 m trở lên. Nếu buộc phải chuyển sang khai thác thủy sản ở vùng lộng thì không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt mà còn liên quan đến vấn đề hỗ trợ tiền dầu cho các tàu cá khai thác ở vùng biển xa theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Những vướng mắc này rất cần sự hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời của cơ quan chức năng”, anh Lĩnh bộc bạch.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam: trước đây, theo Luật Thủy sản 2003 tàu cá được phân cấp theo dải công suất. Cụ thể, đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng; từ 20 đến dưới 90 CV khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả; dưới 20 CV hoặc không lắp máy khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, không được khai thác tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả. Tuy nhiên, theo Luật Thủy sản 2017 mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 thì không căn cứ vào công suất nữa mà được phân cấp theo chiều dài tàu. Theo đó, các tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng; tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ; tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 m hoạt động tại vùng ven bờ, không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi. Như vậy, với các tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên nhưng công suất máy tàu chỉ từ 24 – 45 CV khi thực hiện theo qui định mới thì sẽ phải chuyển ra khai thác vùng khơi; nếu cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng lộng thì không đúng với Luật Thủy sản 2017, còn nếu cấp giấy phép khai thác vùng khơi thì không đảm bảo an toàn kĩ thuật tàu cá, không những vậy ngư dân của khối tàu này cũng không có nhu cầu cấp phép khai thác vùng khơi.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, trong tổng số 2.308 tàu cá toàn tỉnh thì hiện có 200 tàu cá có chiều dài trên 15 m nhưng lắp máy dưới 90 CV chỉ phù hợp hoạt động ở vùng lộng; 43 tàu cá có công suất từ 90 – 550 CV lâu nay thường xuyên hoạt động ở vùng khơi nhưng có chiều dài tàu dưới 15 m. Theo qui định mới, các tàu cá mặc dù có công suất nhỏ dưới 90 CV nhưng có chiều dài từ 15 m trở lên bắt buộc phải chuyển sang khai thác ở vùng khơi; còn các tàu cá mặc dù có công suất lớn nhưng chiều dài dưới 15 m sẽ không được cấp giấy phép khai thác ở vùng khơi mà buộc phải chuyển sang vùng lộng. Trong những ngày qua, các ngư dân đều có chung băn khoăn, đó là họ xoay xở thế nào khi không được cấp giấy phép khai thác phù hợp với tàu cá của mình. Theo các ngư dân, với các tàu cá vốn chỉ phù hợp khai thác ở vùng lộng thì khi ra vùng khơi sẽ không đảm bảo an toàn; còn các tàu khai thác ở vùng khơi khi chuyển vào vùng lộng, dù tay nghề đánh bắt có lão luyện đến đâu cũng không còn hi vọng có được thu nhập như trước. Trong khi khung thời gian 2 năm từ khi ban hành luật (năm 2017) đến khi luật có hiệu lực thi hành (năm 2019) là quá ít để ngư dân có thể xoay xở khi trước đó căn cứ theo luật cũ, ngư dân đã đầu tư vốn đóng tàu từ vài tỉ đồng đến hàng chục tỉ đồng với thiết kế tập trung vào công suất chứ chưa tính đến chiều dài.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết:  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS về phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các địa phương, trong đó Quảng Trị được giao hạn ngạch 400 giấy phép cho tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. UBND tỉnh cũng đã có Quyết định 1584/QĐ-UBND công bố hạn ngạch 873 giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và 300 giấy phép khai thác thủy sản vùng lộng. Việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản sẽ giúp quản lí việc phát triển số lượng tàu thuyền, tránh hiện tượng có quá nhiều tàu hoạt động ở một vùng, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời cũng sẽ đảm bảo giữ ổn định số lượng tàu cá, phù hợp với định hướng phát triển khai thác thủy sản của tỉnh.

Theo ông Nam, với các tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên nhưng chiều dài tàu nhỏ hơn 15 m hầu hết các chủ tàu đều có mong muốn được sửa chữa, cải hoán phương tiện để nâng chiều dài lên theo đúng qui định, đủ điều kiện tiếp tục tham gia khai thác tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Riêng với khối tàu có công suất dưới 90 CV nhưng có chiều dài từ 15 m trở lên hiện việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Cần có qui định chuyển tiếp hoặc cơ chế riêng để giải quyết cho khối tàu này, vì tại thời điểm ngư dân đóng những con tàu này theo Luật Thủy sản 2003 họ thực hiện đúng luật, cộng với nhu cầu hoạt động ở vùng lộng nên họ chỉ đóng tàu hẹp, máy nhỏ. Bây giờ, nếu như bắt buộc phải nằm bờ thì sẽ không đảm bảo sinh kế cho ngư dân, còn nếu nhà nước thu mua lại thì chưa có kế hoạch. “Hiện tại Chi cục Thủy sản vẫn tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục khai thác trong vùng lộng và vùng ven bờ để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Đồng thời tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản hướng dẫn hướng giải quyết cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho ngư dân”, ông Nam chia sẻ.

Luật Thủy sản 2017 ra đời là bước ngoặt quan trọng chuyển đổi từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá có trách nhiệm”, đáp ứng yêu cầu hội nhập, góp phần khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, theo quy định (IUU). Do vậy, việc sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng luật vào thực tế sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh, bảo đảm nghề cá phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững, góp phần nâng cao đời sống của ngư dân.

Đạo Thiện

Theo Quảng Trị TV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!