Cần thay đổi giáo dục giới tính trong nhà trường

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngoài tăng cường hoạt động tuyên truyền, giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính, xử lý vi phạm, cần thay đổi giáo dục giới tính trong nhà trường. Ông Tôn Thất Khoa (ảnh), Chi cục trưởng DS – KHHGĐ Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ với Tạp chí TSVN.

Để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có giải pháp gì?

Để triển khai kịp thời các hoạt động nhằm giải thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3091/QĐ-UBND 30/12/2011 phê duyệt Đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011 – 2015. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, dần xóa bỏ quan niệm cũ phải có con trai. Cung cấp thông tin về tình hình, hậu quả và giải pháp khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đến mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp dân cư. Từ nguồn kinh phí của Trung ương cấp và hỗ trợ của địa phương, Chi cục đã cùng các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt hằng năm, Chi cục đã cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động thực hiện truyền thông, giáo dục về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh như: tổ chức các lớp truyền thông, tư vấn, tổ chức sinh hoạt định kỳ trong câu lạc bộ cho hội viên, đoàn viên, công nhân trong khu công nghiệp và người dân trong cộng đồng. Trong những nội dung tuyên truyền, chú trọng giáo dục SKSS/KHHGĐ về giới tính, bình đẳng giới cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn và thanh niên trong các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Chi cục đã chỉ đạo Trung tâm DS – KHHGĐ tuyến huyện tập trung tổ chức các lớp truyền thông, tư vấn về hệ quả của tình trạng mất mất cân bằng giới tính tại một số địa bàn như vùng biển, gia đình sinh con một bề là gái…

 

Thuận lợi và khó khăn của địa phương trong quá trình tuyên truyền thực hiện các biện pháp về mất cân bằng giới tính khi sinh là gì?

Chi cục nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, đồng thời có sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể liên quan để triển khai tốt Đề án. Hằng năm, việc chỉ đạo triển khai Đề án đã được Trung ương, UBND tỉnh triển khai sớm ngay từ đầu năm. Ngoài kinh phí của Đề án, tỉnh đã tận dụng lồng ghép một số hoạt động triển khai, tuyên truyền nguyên nhân và những hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua kinh phí truyền thông thường xuyên năm. Bên cạnh đó, những khó khăn trong quá trình triển khai như: Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có nhiều huyện vùng biển, đảo nên tâm lý của người dân vùng biển là thích sinh con trai để có người đi biển. Do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động vì vậy gặp khó khăn trong việc tuyên truyền cho người dân. Phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên ăn sâu vào tiềm thức người dân. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có phần xử phạt các hình thức lựa chọn giới tính khi sinh nhưng trên thực tế rất khó xử phạt. Các hoạt động chẩn đoán giới tính, lựa chọn giới tính thường không để lại chứng cứ. Chính sách đối với nữ giới chưa thoả đáng, bình đẳng giới có mặt chưa được quan tâm đầy đủ.

Giáo dục giới tính cần bắt đầu từ lúc học sinh ngồi trên ghế nhà trường – Ảnh: Ngọc Thọ

 

Năm 2015, định hướng thực hiện công tác này sẽ được triển khai thế nào, thưa ông?

Chi cục tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thực hiện truyền thông, tư vấn về DS – KHHGĐ lồng ghép truyền thông về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về truyền thông cho các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và duy trì các hoạt động tuyên truyền, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng; truyền thông qua hệ thống loa đài phát thanh; cung cấp các sản phẩm truyền thông về các biện pháp tránh thai, chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên, mất cân bằng giới tính khi sinh. Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra giám sát việc sử dụng công nghệ cao để lựa chọn giới tính thai nhi cũng như xử lý triệt để các ấn phẩm liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi trên địa bàn tỉnh.

 

Ông đánh giá thế nào về cách thức giáo dục giới tính như thời gian qua?

Từ năm 2010 – 2014, Chi cục cùng Sở GD&ĐT tổ chức 9 lớp tập huấn cho giáo viên và cán bộ Đoàn thanh niên 30 trường THPT, tổ chức 2 lớp đào tạo về kỹ năng điều hành sinh hoạt cho Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ, 2 hội thi tìm hiểu kiến thức về SKSS cho học sinh; Phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương xây dựng 29 góc tư vấn tiền hôn nhân; Phối hợp với Trung tâm SKSS tỉnh tổ chức 2 đợt khám kiểm tra và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho 1.400 thanh niên, tổ chức các đợt sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh tại 30 trường THPT và THCS vào dịp hè; Phối hợp Đài PT – TH tỉnh và Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh thực hiện 2 phóng sự và 3 tọa đàm về “Chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân” phát sóng trên đài PT – TH tỉnh. Tuy nhiên, theo tôi, đã đến lúc cần thay đổi giáo dục giới tính trong nhà trường. Bởi với sự phát triển vượt trội về tâm sinh lý của trẻ như hiện nay, công tác quản lý và các mối quan hệ tương hữu giữa cha mẹ và con cái ít nhiều bị lơi lỏng, suy nghĩ, hành vi của trẻ sẽ chịu tác động không nhỏ. Các em sẽ rất dễ đi theo những chỉ dẫn, bị dụ dỗ hay đơn giản là chỉ muốn khám phá và thể hiện bản thân từ những điều mình học hỏi được thông qua sách báo, internet, các trang giáo dục giới tính không lành mạnh…

>> Gần 5 năm qua, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh tăng 1% điểm (nếu theo tính toán mỗi năm tỉnh sẽ tăng 0,4% điểm).

Thảo Dương (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!