Cần Thơ: Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị tháo gỡ vướng mắc

Chưa có đánh giá về bài viết

Đầu năm 2019, UBND TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm lắng nghe doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, trong 9 nội dung đặt ra, các doanh nghiệp thủy sản tham gia 7 nội dung. Qua đây, phần nào cho thấy những khó khăn của ngành thủy sản.


Quang cảnh buổi tọa đàm

1. Về vốn

Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị chính quyền hỗ trợ để có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp cho việc mở rộng đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng và công nghệ mới. Ngân hàng Nhà nước trả lời, theo quy định hiện hành, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay nên đề nghị doanh nghiệp trực tiếp liên hệ với các ngân hàng thương mại để thỏa thuận, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

2. Về nguồn nguyên liệu

Doanh nghiệp nuôi cá tra gặp khó trong việc mua cá giống có quy cách, chất lượng nên bị thiệt hại nhiều, hiệu quả không cao, đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ giới thiệu nơi cung cấp con giống uy tín. Doanh nghiệp chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu cá, tôm, ghẹ không đủ số lượng cung cấp cho thị trường hoặc giá cao ảnh hưởng đến kinh doanh.

Sở NN&PTNT trả lời, đề xuất doanh nghiệp mua cá tra giống với Cơ sở Quốc Vinh (liên hệ Trần Văn Đáp, ĐT 0939.937699), Công ty TNHH Biển Đông (liên hệ Nguyễn Văn Toàn, ĐT 0937.2227338), Cơ sở giống Dương Tấn Tài (liên hệ Dương Tấn Tài, ĐT 0949.088689).

Vấn đề thiếu nguyên liệu, báo cáo năm 2018 của VASEP, một số doanh nghiệp chế biến hải sản có lúc thiếu 60 – 80% nguyên liệu hải sản. Do hải sản đánh bắt gần bờ cạn kiệt, việc thu gom nguyên liệu trên biển và bán trực tiếp cho thương nhân nước ngoài. Sở NN&PTNT sẽ phối hợp Sở NN&PTNT các tỉnh có biển để cung cấp thông tin những các tổ chức thu gom hải sản trên biển cho doanh nghiệp ký kết hợp tác. Về lâu dài, doanh nghiệp chế biến hải sản nên hợp tác đầu tư đội tàu thu gom hải sản trên các vùng biển để chủ động nguồn nguyên liệu và đầu tư kho lạnh để dự trữ nguyên liệu.

Bên hành lang tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (thứ hai từ phải) trò chuyện với các đại biểu và PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam   Ảnh: THANH HẢI

3. Về lao động

Doanh nghiệp thủy sản sử dụng nhiều lao động phổ thông, thời vụ và đang rất khó tuyển dụng vì người lao động ở ĐBSCL bỏ đi nơi khác, đề nghị hỗ trợ nhập khẩu lao động từ các nước lân cận. Sở LĐTB&XH trả lời, xin ghi nhận để kiến nghị về Bộ LĐTB&XH, còn trước mắt đề nghị doanh nghiệp liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ để được cung ứng lao động hoặc giới thiệu cho người lao động.

4. Về đất đai, tài nguyên và môi trường

Doanh nghiệp thủy sản phản ánh tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu công nghiệp, ảnh hưởng đến chế biến thủy sản và sức khỏe lao động. Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ giải đáp, vấn đề mùi hôi từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH CL; Nhà máy giết mổ trâu, bò thịt của Công ty Cổ phần Seavina…, trong năm 2018, liên ngành đã kiểm tra, yêu cầu chuyển khu vực nuôi tập trung súc vật ra ngoài khu công nghiệp. Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ gây mùi hôi, ngày 4/11/2018 và 6/12/2018, Cảnh sát Môi trường đã kiểm tra đột xuất để xử lý theo quy định.

5. Về thuế

Doanh nghiệp thủy sản đề nghị mức thuế suất tính theo lợi nhuận, lĩnh vực doanh nghiệp kinh doanh, ưu đãi cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, sử dụng nhiều lao động. Cục Thuế giải đáp, hiện không quy định ưu đãi thuế với doanh nghiệp gặp khó khăn. Với doanh nghiệp sử dụng thường xuyên trên 3.000 lao động, thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn 4 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; tính thuế chậm nhất sau 3 năm kể từ năm dự án đầu tư đi vào hoạt động, có doanh thu.

6. Về thủ tục hành chính, luật

Công ty CP Chế biến Thủy sản Hiệp Thanh gặp khó về thay đổi cập nhật thông tin giấy phép đăng ký kinh doanh số 9851121410-KD, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 21 và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần 2 không trùng khớp ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Sở Công thương trả lời, ngày 20/6/2018, đã hướng dẫn nhưng Công ty làm hồ sơ chưa đầy đủ. Đến nay, Sở Công thương chưa tiếp nhận được hồ sơ đầy đủ nên đề nghị Công ty gửi hồ sơ để được xem xét ghi nhận điều chỉnh các nội dung tại giấy phép kinh doanh.

Doanh nghiệp thủy sản gặp khó trong đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động, nộp hồ sơ bằng đường bưu điện nên khi có sửa đổi điều chỉnh thì rất lâu, mất nhiều thời gian, hướng dẫn không cụ thể khó thực hiện. Bảo hiểm Xã hội trả lời, Bảo hiểm Xã hội sẽ phối hợp với bưu điện để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

7. Về giao thông vận tải

Doanh nghiệp thủy sản phản ánh, giao thông đường thủy chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển công suất lớn đi nước ngoài và nhập nguyên liệu. Sở GT&VT trả lời, về đường hàng hải, các cảng biển trên địa bàn Cần Thơ mới đạt 43 – 65% công suất thiết kế. UBND TP Cần Thơ đang phối hợp với Bộ GT&VT chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác cảng triển khai biện pháp thu hút nguồn hàng, cải thiện năng lực quản trị, đồng thời sớm ban hành giá tối thiểu xếp dỡ thấp hơn so với cảng biển TP Hồ Chí Minh. Về đường thủy nội địa, các tuyến quốc gia do Bộ GT&VT quản lý đảm bảo cho phương tiện đi lại 24/24 giờ, tải trọng > 50 tấn, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Còn các tuyến đường thủy nội địa trục chính do thành phố quản lý, đã phê duyệt quy hoạch, thời gian tới sẽ huy động kinh phí để đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu vận tải.

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!