Cần tổ chức lại sản xuất

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 23/6, tại Tiền Giang, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 55 của Chính phủ và bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra.

Con giống là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cá tra Ảnh: PTC

Con giống là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cá tra Ảnh: PTC

Thị trường nhiều rào cản

Số liệu của Tổng cục Thủy sản, tổng kim ngạch xuất khẩu đến 15/6 đạt hơn 582 triệu USD, tăng 2,7% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sụt giảm mạnh ở hai thị trường chính là EU (giảm 24,8%), Mỹ (giảm 19,8%); nhưng tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc – Hồng Kông và hiện thị trường này đứng đầu về kim ngạch nhập khẩu cá tra, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phân tích những rào cản tại ba thị trường hàng đầu của cá tra. Thị trường Trung Quốc – Hồng Kông “giàu tiềm năng nhưng đang là điểm nóng thế giới về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, kiểm soát hàng qua đường tiểu ngạch là một vấn đề đang đặt ra”. Thị trường EU “cá tra đang phải cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng bản địa, cá biển khác. Bị truyền thông một số nước bôi xấu, ảnh hưởng tới doanh số tiêu thụ”. Thị trường Mỹ “cá tra xuất khẩu khó khăn vì thuế chống bán phá giá cao và Đạo luật Nông trại (Farmbill) 2014”.

Hội nghị bàn nhiều về việc triển khai thực hiện tốt Nghị định 55 của Chính phủ về “Quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” để nâng cao chất lượng, vượt qua những rào cản của các thị trường. Nếu thực hiện tốt Nghị định 55, sẽ có thêm năng lực chủ động ứng phó với Farmbill, không làm gián đoạn cá tra xuất khẩu sang thị trường này. Kể từ 1/9/2017, Mỹ sẽ thực thi đầy đủ Đạo luật, theo đó, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ sẽ kiểm tra lấy mẫu 100% lô hàng sản phẩm cá tra nhập khẩu.

Nâng cao chất lượng giống

Một vấn đề cơ bản phát triển bền vững ngành hàng cá tra là đảm bảo giống có chất lượng. Bộ NN&PTNT cho biết, đang hỗ trợ UBND tỉnh An Giang xây dựng trung tâm giống thủy sản công nghệ cao với quy mô là trại giống cấp vùng, chuyên cung cấp con giống chất lượng cao cho cả ĐBSCL.

Một thỏa thuận hợp tác 4 bên về chuỗi liên kết cung cấp cá tra giống có chất lượng đã được ký kết, gồm có Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Giống thủy sản An Giang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (RIA 2) và Công ty CP Hùng Vương. Trong năm 2017, RIA 2 cung cấp cho An Giang 9.000 con cá tra, gồm 8.000 con cá tra hậu bị có khối lượng 1 kg/con và 1.000 con có khối lượng 3 – 3,5 kg/con. Đây là đàn cá kháng bệnh gan thận mủ để sản xuất giống.

Bộ NN&PTNT cũng giao Dự án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu chọn giống nâng cao chất lượng giống cá tra” cho Tập đoàn Việt – Úc thực hiện. Thành viên của Tập đoàn Việt – Úc là Công ty CP Cá tra Việt – Úc đầu tư Khu sản xuất giống công nghệ cao tại xã Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang).

Phát triển sản phẩm chất lượng cao

Ngày 26/12/2016, Bộ NN&PTNT giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, tham mưu trình Bộ phê duyệt lại đề án. Từ đó, Dự án khoa học và công nghệ “Phát triển sản phẩm fillet cá tra chất lượng cao” đã ra đời.

Dự án này do Công ty CP Vĩnh Hoàn chủ trì thực hiện, gồm 2 đề tài và 2 dự án sản xuất thử nghiệm. Đó là đề tài “Nghiên cứu sản xuất thức ăn chất lượng cao giúp nâng cao hiệu quả nuôi và chất lượng fillet cá tra” và “Nghiên cứu công nghệ giết cá nhân đạo đảm bảo an sinh vật nuôi, chất lượng fillet”. Còn 2 dự án sản xuất thử nghiệm là “Hoàn thiện công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá tra chất lượng cao” và “Hoàn thiện công nghệ thu hoạch, vận chuyển và sản xuất thử nghiệm 1.000 tấn fillet cá tra chất lượng cao”. Kỳ vọng, sẽ có 1.000 tấn fillet cá tra chất lượng cao, khác biệt với sản phẩm fillet thông thường, giá bán cao hơn 50% hiện nay.

Bộ NN&PTNT cũng khuyến khích doanh nghiệp phát triển dòng sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm chế biến sâu. Bên cạnh, tận dụng hiệu quả sản phẩm phụ để khai thác hiệu quả sản xuất của ngành, gắn với phát triển thị trường.

 Với thị trường Mỹ, để chủ động thích ứng Farmbill của nước này, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ phê duyệt “Dự án nâng cao năng lực”. Bao gồm duy trì hoạt động Nhóm công tác chung Việt Nam – Mỹ về Chương trình thanh tra cá da trơn và triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các khâu trong chuỗi cũng như hệ thống giám sát. Tất cả nhằm đảm bảo sản phẩm cá tra có chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

>> Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Để cá tra phát triển bền vững, ngành chức năng cần tháo gỡ rào cản thị trường Mỹ, EU; vận động hành lang và đấu tranh pháp lý, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kiện Mỹ ra WTO. Trước những khó khăn về tình hình xuất khẩu cũng như các rào cản kỹ thuật, ngành cá tra cần chấn chỉnh và tổ chức lại sản xuất trong nước.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!