T2, 06/07/2020 11:32

Cấp bách bảo vệ tài nguyên hải sản ven bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, việc khai thác thủy hải sản, đặc biệt là nguồn lợi ven bờ đang vượt quá trữ lượng cho phép. Điều này ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của người dân ven biển, đồng thời liên quan đến việc quản lý, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản. Giải quyết bài toán này đang là vấn đề cấp bách.

Những bất cập

Trữ lượng hải sản vùng biển Việt Nam ước tính có thể khai thác khoảng 4,25 triệu tấn/năm. Từ năm 1990, cả nước sản lượng khai thác chỉ đạt 672.000 tấn hải sản thì đến năm 2014 là 2,6 triệu tấn. Tuy nhiên, khai thác hải sản ở nước ta bộc lộ những hạn chế.

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Số lượng tàu khai thác hải sản tăng, nhưng năng suất theo tàu thuyền và công suất lại có xu hướng giảm dần, từ 0,49 tấn/CV năm 2001 xuống 0,37 tấn/CV năm 2014 (tương đương 3,1%/năm). Điều này chứng tỏ, sự gia tăng số lượng tàu khai thác không tương xứng với nguồn lợi hải sản có thể khai thác.

Khai thác thủy sản ven bờ đang vượt quá khả năng trữ lượng cho phép – Ảnh: Huy Hùng

Việc khai thác hải sản ven bờ quá mức, tiềm năng khai thác xa bờ chưa đạt hiệu quả cao. Tàu cá có đến 99% là tàu vỏ gỗ, công suất nhỏ; 85 – 90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ, thiết bị giao thông đường bộ; trang thiết bị bảo quản thô sơ khiến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao, ước tính khoảng 20%. Việc nghiên cứu hạn chế khiến khó khăn trong dự báo ngư trường. Việc tuân thủ truy xuất nguồn gốc thủy sản (IUU) tại một số địa phương được thực hiện chưa nghiêm. Bên cạnh đó là rủi ro cao trong xuất khẩu hải sản và thiếu bền vững trong bảo vệ nguồn lợi. Ngoài ra, trình độ lao động kém, tính đến hết 2014 mới khoảng 30% tổng số thuyền trưởng, máy trưởng thông qua đào tạo cũng là con số đáng lo ngại.

 

Giải pháp nào?

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2017 bao gồm: Giảm tổn thất sau thu hoạch xuống 10% thông qua ứng dụng công nghệ khai thác, bảo quản mới, tổ chức sản xuất trong khai thác và dịch vụ hậu cần hợp lý. Đầu tư nâng cấp đủ điều kiện đảm bảo an toàn tránh trú bão. 100% tàu khai thác hải sản xa bờ được trang bị hệ thống thông tin quản lý tàu cá. Đánh giá, dự báo ngư trường khai thác. 100% thuyền trưởng, máy trưởng tàu khai thác hải sản xa bờ được đào tạo chuyên môn khai thác hải sản. Tuân thủ nghiêm túc các quy định IUU trong khai thác hải sản… Bên cạnh đó, Chính phủ xác định 16 khu bảo tồn biển quan trọng, ưu tiên cao, trong đó 9 khu đã được quy hoạch và bước đầu đi vào quản lý, bảo vệ.

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (KT&BVNLTS) Ninh Thuận cho rằng: Để  bảo vệ, phát huy nguồn lợi thủy sản cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân ven biển đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý nghề cá.

Còn theo TS Trần Văn Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS Bình Định, Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ khai thác hải sản như đầu tư cơ sở hạ tầng, tái định cư đối với những vùng ven biển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chuyển đổi nghề và sinh kế cho ngư dân nghèo; hỗ trợ con em họ đào tạo ngành nghề thủy sản chính quy. Cần đầu tư mạnh công nghệ khoa học về khai thác, nuôi trồng và chế biến thương mại thủy sản. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa đội tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần. Nâng cao chất lượng, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch…

>> GS. Don Jackson, Đại học bang Mississippi, Mỹ cho rằng: Khi ngư dân có những hành động đánh bắt bất hợp pháp nhưng thường được các ngành chức năng dễ dãi bỏ qua. Tuy nhiên, nếu không nghiêm khắc và có biện pháp xử lý thích hợp thì những hành động hôm nay sẽ góp phần hủy hoại nguồn lợi tương lai.

Quang Đức

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!