Cấp bách xây dựng hình ảnh cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, liên tục xảy ra tình trạng truyền thông nước ngoài “bôi nhọ” cá tra Việt Nam, mới đây nhất là trường hợp các tờ báo mạng của Rumania. Chiến lược xây dựng hình ảnh cá tra tại nước ngoài đang rất bức thiết.

Xây dựng hình ảnh cá tra là vấn đề lâu dài

Thông tin từ VASEP cho biết, vừa qua, trên các tờ báo mạng của Rumania như Realitate.net, Ziuanews.ro, Bzi.ro, Adevarul.ro, Puppe.ro, Secretulsanatatii.net… đã đăng tải những thông tin không chính xác về cá tra Việt Nam, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu vào nước này.

Đầu năm ngoái, kênh truyền hình Cuatro TV ở Tây Ban Nha cũng đã phát sóng một chương trình với thông tin cáo buộc chất lượng nước sông Mê Kông phục vụ nuôi cá tra bị ô nhiễm, cho rằng điều kiện nuôi loại cá này ở Việt Nam không đảm bảo vệ sinh. Chương trình này và những chiến dịch truyền thông sau đó đã khiến tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Âu là Carrefour quyết định không tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam trong toàn hệ thống. Trước đó, vào năm 2011, một kênh truyền hình tại Đức cũng đã phát một bộ phim tài liệu về cá tra Việt Nam với mô tả đây là loại cá rẻ tiền, chất lượng thấp vì được nuôi ở vùng nước bị ô nhiễm của dòng sông Mê Kông.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong hơn 10 năm qua, cá tra Việt Nam luôn phải đấu tranh với những chiêu thức bôi nhọ, cạnh tranh không lành mạnh. Trong số các trang báo đăng tải thông tin bôi xấu tại Rumania có nhiều tờ báo như Adevarul.ro, Realitatea.ro với lượng độc giả lớn khiến thông tin sai lệch này lan truyền nhanh hơn. Hiện, VASEP tiếp tục theo dõi và tìm hiểu thông tin về sự việc thông qua Tham tán thương mại Việt Nam tại Rumania để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng thiệt hại tới hoạt động xuất khẩu và hình ảnh sản phẩm chiến lược của quốc gia.

Rumani là thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam tại phía Đông Nam châu Âu với giá trị trong ba năm trở lại đây đạt dưới 5 triệu USD; riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1,75 triệu USD, trong đó chủ yếu là sản phẩm fillet đông lạnh. Dù thị phần không lớn nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lo ngại những thông tin sai lệch này có thể bị phát tán và lan truyền không kiểm soát thông qua mạng Internet sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mặt hàng cá tra Việt Nam.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng, xây dựng hình ảnh cá tra là vấn đề lâu dài, trong khi phần truyền thông để phản bác những thông tin “bôi nhọ” còn hạn chế vì kinh phí truyền thông ở nước ngoài rất tốn kém. Việc thực hiện hầu như chỉ “chống đỡ” là chính, tức khi bị “bôi nhọ” mới thực hiện truyền thông, còn chiến lược để xây dựng hình ảnh cá tra lâu dài thì có làm nhưng chưa đủ mạnh. Do đó, để đối phó với tình trạng này một cách căn cơ, phải đi bằng con đường xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng cần phải chủ động hơn việc kiểm soát chất lượng thủy sản xuất khẩu, để tránh trường hợp thị trường nhập khẩu lợi dụng “thiếu sót” nhằm đẩy mạnh chiến dịch truyền thông “bôi nhọ”. 

Tiến Thành

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!