T2, 06/07/2020 11:41

Cha đẻ nghề nuôi tôm sú I Chiu Liao

Chưa có đánh giá về bài viết

Ai có cơ hội làm việc và tiếp xúc nhiều với thầy I Chiu Liao cũng cảm thấy tự hào và quý mến, dẫu Thầy được coi là người đặc biệt nghiêm khắc.

Thành công nhờ đam mê

I Chiu Liao sinh ở Tokyo, Nhật Bản năm 1936 nhưng lớn lên và học tập tại Đài Loan (Trung Quốc). Năm 1960, ông tốt nghiệp cử nhân khoa học, Đại học Đài Loan. 7 năm sau ông sang Nhật học thạc sĩ khoa học; đồng thời học tiếp thêm bằng tiến sĩ ngành nông nghiệp năm 1968. Nhật Bản cũng là mảnh đất nuôi dưỡng đam mê nuôi trồng thủy sản của tiến sĩ I Chiu Liao. Sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ, I Chiu Liao công tác tại Viện Nghiên cứu Kurumaebi do tiến sĩ Motosaku Hudinaga đứng đầu. Thời đó, người Nhật vẫn gọi Hudinaga là “cha đẻ nghề nuôi tôm”. Ông cũng là người đầu tiên phát triển kỹ thuật nuôi ấu trùng tôm he Nhật Bản (Marsupenaeus japonicus). Khoảng thời gian này, ông làm việc ở Viện Rurumaebi không dài với vai trò nghiên cứu sinh sau tiến sĩ; nhưng sống cạnh một bậc thầy về nghề nuôi tôm, I Chiu Liao đã lĩnh hội được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu.  Không lâu sau đó, I Chiu Liao quay lại Đài Loan làm nghiên cứu cho Quỹ phi chính phủ của Mỹ – Rockefeller Foundation và Viện Nghiên cứu thủy sản Đài Loan – TRFI từ tháng 7/1968 tới tháng 8/1969.

Người Trung Quốc có câu “Thời điểm thích hợp nhất để làm những thứ mình thích mà không phạm lỗi lầm chính là lúc về hưu”. Nhưng tiến sĩ I Chiu Liao đã không đợi đến lúc về hưu để theo đuổi đam mê riêng. Sau một năm làm việc cho dự án của Rockefeller, tháng 9/1969 Liao được cử sang làm việc cho TFRI. Từ một cơ sở thô sơ, nghèo nàn cơ sở vật chất, ông bắt đầu xây dựng phòng thí nghiệm hải dương học Tungkang (TML) thành một trung tâm nghiên cứu nuôi trồng thủy sản hiện đại và nổi tiếng thế giới. Năm 1987, Liao trở thành Giám đốc quản lý TFRI. Các nhân viên dưới quyền ông vẫn nói, vị lãnh đạo này làm việc với cường độ rất cao bởi cái đích ông hướng tới là đưa ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, hải sản và chế biến tại Đài Loan, Đông Nam Á lên tầm cao mới. Sau hơn 30 năm làm việc tại TFRI, I Chiu Liao nghỉ hưu và chuyển sang nghiên cứu sâu rộng trong lĩnh vực thủy sản, không chỉ ở Đài Loan, châu Á mà ra toàn thế giới.

 

Tiếp tục sứ mệnh

Trong suốt quá trình nghiên cứu, Liao đã tạo ra nhiều bước đột phá được coi là “đòn bẩy” đưa ngành nuôi trồng thủy sản châu Á và thế giới tiến xa; trong đó thành tựu nổi trội nhất là việc phát triển kỹ thuật nuôi ấu trùng tôm và kỹ thuật nuôi tôm sú dựa trên khối kiến thức về vi sinh vật, sinh lý, sinh sản và dinh dưỡng.

Thầy I Chiu Liao đang kiểm tra tôm

Những đột phá này đã tạo bước tiến dài trong ngành công nghiệp nuôi tôm ở Đài Loan và Liao được tôn vinh là cha đẻ của nghề nuôi tôm sú bởi chính những nông dân nuôi tôm và các đồng nghiệp trong ngành. Nuôi trồng thủy sản bùng nổ là kết quả tất yếu của sự ra đời hệ thống nuôi thâm canh. Từ đó, Đài Loan bắt đầu xuất hiện trên bản đồ thế giới như một trung tâm sản xuất tôm hàng đầu thế giới những năm 1980. Từ sản lượng thấp 427 tấn năm 1971, Đài Loan trở thành nhà sản xuất tôm hàng đầu thế giới năm 1987, với tổng sản lượng 88.264 tấn. Đài Loan trở thành hình mẫu lý tưởng mà nhiều nước nuôi tôm ở châu Á muốn hướng tới.

Không chỉ gặt hái thành công khi tiến hành ương nuôi ấu trùng tôm, Liao cũng là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu các loại cá khác. Điển hình là quá trình sinh sản nhân tạo cá đối mục (Mugil cephalus). Thành công này tạo tiền đề cho hàng loạt quá trình sinh sản nhân tạo nhiều loại cá biển khác. Năm 1978, Liao bắt đầu cho sinh sản nhân tạo cá măng biển (Chanos chanos), khơi thông những vướng mắc tồn tại bấy lâu về giai đoạn phát triển sớm của loài cá này. Từ đó, ông khởi xướng luôn dự án nghiên cứu nuôi mở rộng ấu trùng cá măng biển để cung cấp con giống cho nông dân Đài Loan và xuất khẩu sang Đông Nam Á. Nhiều loại cá khác sau đó cũng được nghiên cứu và sinh sản nhân tạo thành công như cá giò, cá đù đỏ… Liao cũng theo đuổi việc nghiên cứu cải tạo cá bố mẹ và thực hiện các chương trình nuôi trên biển với nhiều loại cá biển, giáp xác và thân mềm.

Ngành nuôi tôm ở Đài Loan đã suy giảm nhưng sau nó là sự phát triển, chuyển giao kỹ thuật mạnh mẽ cùng nhiều thành công ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Với Liao, nghề nuôi tôm không bao giờ ngủ yên, đồng nghĩa sứ mệnh của ông là phải tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn nữa vì sự phát triển nghề nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung của toàn thế giới.

Năm 1968, Liao đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực phát triển kỹ thuật nuôi tôm sú tại Đài Loan. Hiện nay, ông là Giám đốc Học viện Academia Sinica, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu Đài Loan. 

Năm 2012, ông cũng được Liên minh Nuôi trồng thủy sản Toàn cầu trao Giải thưởng Thành tựu trọn đời.

Ngày 9/6/2014, Liao I – Chiu được nhận huân chương “Cha đẻ nghề nuôi tôm sú Đài Loan”, tôn vinh đóng góp to lớn của ông trong công cuộc hợp tác chuyển giao công nghệ nuôi tôm sú giữa Đài Loan và Nhật Bản.

Đan Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!