Chăm sóc SKSS trong tình huống thiên tai: Không để bị động

Chưa có đánh giá về bài viết

“Đào tạo nâng cao năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ cán bộ các cấp làm công tác dân số, chuẩn bị hậu cần ứng phó tình huống này, chuẩn bị những gói chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tối thiểu cho phụ nữ, trẻ em gái, đặt ra mọi tình huống, đảm bảo nguồn cung cấp không bị ngắt quãng…” – Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Tân (ảnh), Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS – KHHGĐ với Tạp chí Thủy sản Việt Nam nhân ngày Dân số Thế giới 11/7/2015.

Ông có thể cho biết vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện hoạt động hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai nhân ngày Dân số Thế giới năm nay?

Chủ đề ngày Dân số Thế giới năm nay là chăm sóc SKSS cho mọi đối tượng, nhất là nhóm người yếu thế trong khủng hoảng. Tại Việt Nam, chủ đề thực hiện là hỗ trợ chăm sóc SKSS cho người dễ bị tổn thương trong thiên tai. Chủ đề này được thực hiện bởi hiện nay, khủng hoảng đã được xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau, có thể xem xét ở những vấn đề như: Chiến tranh, thiên tai… nhưng Việt Nam không có tình huống tương tự như tình hình chung của thế giới khi mà chúng ta có nền hòa bình ổn định hàng chục năm nay. Do đó, Tổng cục DS – KHHGĐ chọn chủ đề theo tinh thần chung, phù hợp với tình hình trong nước. Đây là chủ đề nhân văn bởi trong khủng hoảng, con người có rất nhiều nhu cầu khác nhau, xã hội mới đáp ứng những nhu cầu mang tính sống còn như nhu cầu về chỗ ở, thuốc men, quần áo, nước sạch… Mặc dù tất cả những nhu cầu trên đều cần thiết nhưng có những nhu cầu không thể bỏ qua, nếu bỏ qua sẽ ảnh hưởng lớn đến những đối tượng dễ bị tổn thương, như nhu cầu chăm sóc SKSS – KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái. Chúng ta chỉ quan tâm tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men, quần áo… Có những nhu cầu nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến đối tượng này, vậy làm thế nào để những đối tượng này dù trong bối cảnh khó khăn vẫn được chăm lo, đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKSS. Theo kinh nghiệm trên thế giới, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc đã chuẩn bị gói dịch vụ chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ em gái, những gói này đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về chăm sóc SKSS – KHHGĐ.

 

Liệu có khó khăn khi thực hiện chủ đề này, thưa ông?

Chủ đề năm nay hoàn toàn hợp với hoàn cảnh, tình hình tại Việt Nam. Quá trình thực hiện, Việt Nam không gặp nhiều khó khăn trong việc truyền tải thông điệp đến mọi người dân, các cấp chính quyền vì Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai (hàng năm có hàng chục cơn bão, lũ quét), do Việt Nam sống trong vùng rốn bão, khí hậu nhiệt đới gió mùa, khi có bão lụt, thiên tai… người dân ở những vùng này bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có những người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em gái, do đó cần đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKSS cho họ.

Trẻ em vùng cao là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất từ thiên tai – Ảnh: Ngọc Thọ

 

Theo ông, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm ứng phó với thiên tai từ các quốc gia khác như thế nào để việc tuyên truyền đạt hiệu quả?

Việt Nam đã chủ động xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần khá hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở, sự phân công chặt chẽ đến các tuyến, và chủ yếu vẫn tập trung xử lý tại chỗ. Theo quyết định của Bộ Y tế, dịch vụ hậu cần được thiết kế từ Trung ương đến cấp xã, trong đó có nguồn dự trữ của từng tuyến, cụ thể là tuyến huyện, tuyến gần cơ sở nhất để có thể đảm bảo việc cung ứng trong thời gian 1 tháng. Tuy nhiên trong tình huống có lũ bão, với những nơi bị ảnh hưởng nặng như bị chia cắt bởi thiên tai, vùng biển… sẽ cần thêm kinh nghiệm để đáp ứng cho người dân ở vùng khó khăn này. Từ kinh nghiệm của thế giới, cần nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai ngoài việc đáp ứng nhu cầu tối thiểu, cần đáp ứng nhu cầu nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn như chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho những đối tượng này. Cần đào tạo nâng cao năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ cán bộ các cấp, chuẩn bị hậu cần ứng phó với tình huống này, chuẩn bị những gói chăm sóc SKSS tối thiểu nhất cho phụ nữ, trẻ em gái, đảm bảo nguồn cung cấp không bị ngắt quãng.

 

Bám sát chủ đề đó, Tổng cục DS – KHHGĐ có những hoạt động gì triển khai hưởng ứng, tuyên truyền, thưa ông?

Tổng cục đã phổ biến những thông điệp, nội dung của thông điệp đến các cấp ngành trên toàn quốc, truyền bá để các cấp ngành hiểu rõ tính nhân văn và thực hiện tốt trong cuộc sống. Đồng thời, xây dựng lớp tập huấn để nâng cao năng lực ứng phó trong tình huống thiên tai, đảm bảo nguồn cung cấp dịch vụ cho mọi đối tượng, đặc biệt là phụ nữ trẻ em gái. Xây dựng những mô hình tương tự trong lũ bão để luyện tập, thích ứng với những mô hình luyện tập này để kịp thời ứng phó trong tình huống xấu xảy ra, đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ này cho tất cả người dân cũng như những người dễ bị ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai.

 

Cá nhân ông kỳ vọng gì về việc thực hiện chủ đề ngày Dân số Thế giới tại Việt Nam?

Chủ đề này sẽ thực hiện tốt tại Việt Nam vì thực tế Việt Nam đang diễn ra cũng giống như những tình huống mà chúng ta đặt ra. Việt Nam hay chịu ảnh hưởng từ thiên tai, do đó cần có kỹ năng thực hành và tổ chức tốt mọi việc, có hệ thống tổ chức cung ứng dịch vụ được thiết kế chặt chẽ qua tất cả các tuyến, từ Trung ương đến cơ sở, tạo nền tảng để có thể cung ứng được trong những tình huống tương tự.

>> Trong quá trình triển khai hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai, chúng ta phải tính đến yếu tố có tính địa lý, những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như vùng núi cao, khu vực Tây Nguyên, khu vực miền Trung, khu vực ven biển, hải đảo.

Dương Thảo (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!