Chấn chỉnh sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngay sau vụ việc 802 sản phẩm cho nuôi tôm được đưa vào danh mục trái luật, yêu cầu rà soát, chấn chỉnh thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản đặt ra cấp thiết. Cùng đó, là nhu cầu đơn giản thủ tục quản lý.

“Ma trận”

Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay, khoảng 8.000 sản phẩm thức ăn thủy sản đang được lưu hành (khoảng 3.000 sản phẩm thức ăn hỗn hợp, 5.000 sản phẩm thức ăn bổ sung và nguyên liệu thức ăn). Cả nước có 404 cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn thủy sản (thức ăn hỗn hợp, thức ăn bổ sung và nguyên liệu sản xuất thức ăn). Số lượng cơ sở chủ yếu tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội và các tỉnh Đồng Tháp, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An.

Người dân nên cân nhắc sử dụng các sản phẩm xử lý môi trường để đạt hiệu quả

Người dân nên cân nhắc sử dụng các sản phẩm xử lý môi trường để đạt hiệu quả – Ảnh: Minh Triết

Còn sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản có khoảng 3.000 sản phẩm đang được lưu hành (khoảng 2.500 sản phẩm sản xuất trong nước, 500 sản phẩm nhập khẩu). Chế phẩm sinh học chiếm khoảng 40%, số còn lại là hóa chất và một số loại khoáng chất. Cả nước có 402 cơ sở sản xuất, nhập khẩu sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản (chế phẩm sinh học, hóa chất, khoáng chất). Số lượng cơ sở chủ yếu tập trung tại các thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, các tỉnh Phú Yên, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An.

Để quản lý “rừng” sản phẩm trên cũng có một “rừng” văn bản từ luật đến nghị định, thông tư và quy định thủ tục hành chính. Qua rà soát, đã hủy bỏ và sửa đổi nhiều thông tư, đề nghị hủy bỏ và sửa đổi một số nghị định; ngay cả Luật Thủy sản cũng được dự thảo sửa đổi, đang lấy ý kiến rộng rãi để trình Quốc hội thông qua, theo kế hoạch vào tháng 10/2017.

Nhiều quy định đã được hủy bỏ trong năm 2016. Ngày 22/6/2016, Bộ NN&PTNT có quyết định số 2519/QĐ-BNN-PC, bãi bỏ 33 văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 29/6/2016, Bộ NN&PTNT lại có quyết định số 2655/QĐ-BNN-PC bãi bỏ 20 nội dung về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Ngày 29/8/2016, Bộ NN&PTNT tiếp tục có quyết định số 3548/QĐ-BNN-TCTS, đưa ra một danh mục thủ tục hành chính chuẩn hóa và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thủy sản, bị hủy bỏ. Bao gồm, danh mục và nội dung chi tiết thủ tục hành chính chuẩn hóa bị hủy bỏ có 31 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, 28 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương; danh mục thủ tục hành chính bị hủy bỏ với 22 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, 4 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Song song, nhiều văn bản quy định mới được ban hành từ “cấp bách kiểm soát sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm và cá tra; rà soát các văn bản quản lý về vật tư thủy sản và an toàn thực phẩm” đến “các quy định mới, quy định chuyển tiếp quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản”.  

Đơn giản hóa hành chính

Mục tiêu của việc rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính để đạt hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng sản phẩm trên thị trường, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, phát triển ngành thủy sản. Các thủ tục hành chính quy định từ nuôi trồng, khai thác, nhập khẩu nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu sản phẩm thủy sản. Ngoài giải quyết theo thẩm quyền, Bộ NN&PTNT cũng đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính: đề nghị giữ nguyên 37 thủ tục, bãi bỏ và hủy bỏ 16 thủ tục, sửa đổi và bổ sung 52 thủ tục.

Trong hoạt động thực tế, đến ngày 30/11/2016, Tổng cục Thủy sản tiếp nhận 919 hồ sơ chứng nhận lưu hành sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường; đã thẩm định và cấp phép 611 sản phẩm (gia hạn 523 sản phẩm, đăng ký mới 89 sản phẩm). Về công nhận lưu hành thức ăn thủy sản, tiếp nhận 1305 hồ sơ; đã ban hành quyết định lưu hành 976 sản phẩm (143 sản phẩm chuyển hồ sơ từ năm 2015), gồm 835 sản phẩm trong nước và 141 sản phẩm nhập khẩu. Tổng cục Thủy sản cũng đã cấp giấy chứng nhận lưu hành cho 56 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản của 14 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và đã phát sinh một số khiếu nại, kiến nghị. Điển hình là ngày 29/11/2016, có 13 doanh nghiệp ký đơn tập thể kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT “xem xét lại thủ tục cấp giấy phép lưu hành sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản”. Nội dung kiến nghị thuộc Thông tư số 13 ngày 2/6/2016 và Thông tư số 23 ngày 20/6/2015 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Theo Thông tư số 13, các sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản nếu được cấp phép lưu hành trước ngày 30/6/2011 thì được tiếp tục lưu hành đến ngày 30/6/2016; còn được cấp phép lưu hành từ ngày 30/6/2011 thì được phép lưu hành đủ 5 năm. Hết hạn, muốn tiếp tục lưu hành phải đăng ký lại. Thông tư 13 quy định, các sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được chia làm hai nhóm: thuốc thú y do Cục Thú y xem xét cấp phép, còn nhóm thức ăn chăn nuôi do Tổng cục Thủy sản xem xét cấp phép.

Các doanh nghiệp cho biết, do nhiều lý do khách quan thuộc về cơ quan quản lý, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp được cấp phép lưu hành trước ngày 30/6/2011 nhưng không biết để làm thủ tục tiếp tục lưu hành, nên bị cấm, phải ngừng sản xuất. Ngưng trệ này ảnh hưởng tới các doanh nghiệp và cả người nuôi trồng thủy sản vì đã quen sử dụng sản phẩm. Nhất là nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn GMP/WHO, sự ngưng trệ gây thiệt hại lớn.

Kiến nghị của các doanh nghiệp: cho tiếp tục lưu hành sản phẩm đến ngày 31/12/2017, thay vì 30/6/2016. Sản phẩm không chia thành hai nhóm mà vẫn để một nhóm, do Tổng cục Thủy sản kiểm tra quá trình sản xuất và cấp phép lưu hành. Bên cạnh, không coi sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản là “thức ăn chăn nuôi”, để “hội nhập với thế giới”.

 

Kiến nghị của 13 doanh nghiệp: “Trong thời gian các kiến nghị nêu trên chưa được Bộ trưởng trả lời, đề nghị Bộ trưởng, Tổng cục Thủy sản thông báo cho các cơ quan quản lý thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành không xử phạt các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản đã được cấp phép trước ngày 30/6/2011 nhưng chưa xin được giấy phép gia hạn lưu hành”.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!