Chàng kỹ sư thủy sản có duyên với “sáng chế”

Chưa có đánh giá về bài viết

Không chỉ là tấm gương sáng về tính cần cù, chịu khó học hỏi; anh Hoàng Văn Hợi, 34 tuổi, hiện là Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản (Nghệ An) còn được đồng nghiệp, bạn bè biết đến là “cây sáng kiến” với nhiều phát minh về công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản.


Áp dụng công nghệ lọc nước mới cho hiệu quả bền vững Ảnh: Hồng Thắm

Khát vọng vươn lên

Gặp lại anh trong lễ vinh danh các đơn vị khởi nghiệp sở hữu những ý tưởng, sản phẩm xuất sắc nhất trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu tại Thủ đô Hà Nội sau hơn 10 năm khi anh Hoàng Văn Hợi mới “chân ướt chân ráo” ra trường; vẫn nụ cười hiền hậu và ánh mắt chân thành, dường như không có nhiều thay đổi về ngoại hình, có chắc cũng chỉ là sự trưởng thành hơn cùng với thời gian và những thành công mà anh gặt hái được trong hiện tại. Nhưng ít ai biết được rằng, để có được huy hoàng của ngày hôm nay, anh đã phải trải qua bao nhiêu gian khó, nếm mùi thất bại không biết bao nhiêu lần.

Sinh ra ở vùng quê nghèo Nghi Lộc, Nghệ An, từ nhỏ đã được rèn luyện rất nhiều về lòng nhẫn nại, tính chịu khó nên lớn lên khi thực hiện một công việc dù lớn hay bé, anh đều quyết tâm làm bằng được. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Trường ĐH Vinh, anh về làm việc tại Phân Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Bắc Trung bộ (thị xã Cửa Lò, Nghệ An), trực thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I.

Mặc dù, có một công việc khá ổn định nhưng với mong muốn giúp bà con nuôi trồng thủy sản tiếp cận nhiều hơn với những công nghệ mới, cũng như ước mơ làm giàu chính đáng đã thôi thúc chàng trai trẻ từ bỏ tất cả để bắt đầu một hành trình thử thách mới. Năm 2008, anh quyết định tự mình đứng ra và thành lập Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản với lĩnh vực hoạt động trọng tâm, gồm: Cung cấp, lắp đặt hệ thống lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE với chất lượng cao, an toàn và hiệu quả; Cung cấp máy móc trang thiết bị thủy sản; Cung cấp nguyên liệu thủy hải sản; Cung cấp thức ăn và thuốc thú y thủy sản; Cung cấp con giống thủy sản; Tư vấn miễn phí cho khách hàng về lĩnh vực thủy sản…

Giai đoạn đầu khi mới thành lập, Công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn; song với lòng quyết tâm, sự đam mê, năng động, không ngừng học hỏi, đến nay Công ty và bản thân anh Hợi bước đầu đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực.

Có duyên với sáng chế

Có thời điểm, anh cùng vài người bạn chung vốn đầu tư nuôi tôm tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lúc đó, anh gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là về nguồn nước dẫn vào ao. Dù ao nuôi chỉ cách nước biển chưa đầy 200 m nhưng lại không có cách nào để dẫn nước vào, nước ven bờ rất đục, nhiều tạp và phải chờ thủy triều lên cao mới bơm được. Không chịu khuất phục trước bất lợi này, anh đã tự mình nghiên cứu, mày mò và thật may mắn khi tìm ra được nguyên lý để tạo ra “Hệ thống bơm lọc nước dùng cho nuôi tôm tự làm sạch trên vùng đất cát mịn”. Đây là phương pháp bơm lọc nước, nguồn nước từ biển dẫn về đầm nuôi sạch hơn thông qua một dàn lọc. Dàn lọc cùng toàn bộ ống dẫn đều được chôn dưới lòng đất. Khi nước biển dâng ngập bề mặt sẽ thẩm thấu vào các ống lọc để bơm về ao nuôi, các chất bẩn bám trên bề mặt lọc được sóng biển rửa trôi.

Anh Hợi lý giải: “Hệ thống lọc nước này được thiết kế bằng các ống nhựa PVC phi 90 – 140 ráp vào nhau, trên thân ống rạch nhiều khe hở nhỏ. Sau khi đào hố dùng loại cát thô phủ dưới đáy, rồi đặt dàn lọc lên, tiếp tục phủ cát thô lấp đầy. Khi nước dâng sẽ thấm vào cát thô, rồi theo khe hở nhỏ trên bề mặt ống lọc thấm vào ruột ống. Quá trình này hạn chế các sinh vật nhỏ, ấu trùng phù du, tôm, cua, còng… là những thứ thường gây ra dịch bệnh ở ao nuôi khi chúng ta bơm nước thẳng trực tiếp từ biển về”.

Được biết, hiện 90% người nuôi ở hai xã Diễn Trung, Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu) đang sử dụng hệ thống lọc này. Anh Nguyễn Cường, hộ nuôi tôm xã Diễn Trung cho hay: “Chúng tôi thấy phương pháp lọc nước này khá thuận lợi, nhiều hộ ở xã đã sử dụng. Việc lắp đặt dễ dàng mà lại có nước sạch để nuôi tôm, ít phải xử lý ao đầm, hạn chế sử dụng hóa chất khử trùng”.

Với những đóng góp tích cực, “Hệ thống bơm lọc nước dùng cho nuôi tôm tự làm sạch trên vùng đất cát mịn” của anh Hoàng Văn Hợi đã được UBND tỉnh Nghệ An trao giải Ba “Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An; Gần đây là “Giải thưởng khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.

Bên cạnh “Hệ thống bơm lọc nước dùng cho nuôi tôm tự làm sạch trên vùng đất cát mịn”, anh Hoàng Văn Hợi còn tích cực tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác như “Hệ thống lồng nuôi cá bằng nhựa”. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã có 4 đề tài, dự án cấp tỉnh về nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đánh giá cao. 

>> Anh Hoàng Văn Hợi: “Bên cạnh nguồn nước được lọc sạch, ưu điểm của hệ thống lọc này là không bị sóng biển đánh trôi do toàn bộ được chôn dưới lòng đất; Thời gian lấy nước cả ngày vì không phụ thuộc vào thủy triều; Lưu lượng nước lớn do lọc nước bằng trọng lực và áp suất bơm; Không mất diện tích trong trại nuôi do hệ thống lọc được lắp đặt ngoài bờ biển.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!