Chất lượng tôm giống nước lợ: Vẫn nhiều bất cập

Chưa có đánh giá về bài viết

Ai cũng biết chất lượng tôm giống quyết định đến 50% thành công vụ nuôi, nhưng đến nay, sau nhiều nghiên cứu, nhiều hội thảo và sự vào cuộc mạnh của các cơ quan chức năng, chất lượng tôm giống nước lợ vẫn là thách thức lớn.

Nhiều lỗ hổng

Theo Tổng cục Thủy sản, hoạt động kiểm tra chất lượng giống tôm nhập khẩu chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, gây khó cho việc quản lý, chỉ đạo sản xuất. Vẫn đang tồn tại một số cơ sở ương dưỡng, mua giống của đơn vị có uy tín rồi trộn với tôm không rõ nguồn gốc cung cấp ra thị trường, gây khó cho người nuôi.

Một thực tế khác cũng rất đáng kể, như tại Bình Thuận. Hiệp hội Tôm tỉnh này cho biết: Diện tích nuôi tôm giống ngày càng bị thu hẹp, không đủ cung cấp cho thị trường. Giải pháp duy trì lợi thế, tăng nguồn thu từ tôm giống chính là cần hình thành vùng sản xuất tôm giống tập trung, vùng nuôi công nghiệp cho các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, việc quy hoạch vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa biết nên sản xuất tôm giống hay làm du lịch…

Cùng đó, các hộ nuôi tôm cho biết: Mỗi khi vào vụ nuôi, người nuôi liên hệ với trại giống, nhưng phải 10 – 15 ngày mới có để nhận; đường vận chuyển xa, thất thoát trong quá trình thả rất lớn, chi phí theo đó tăng cao. Lại nữa, tôm giống chất lượng có khi đắt gấp 2 – 3 lần so với tôm đại trà. Tôm giống thả nuôi bị dịch bệnh, chết dần trong quá trình nuôi; mua bổ sung quá khó…

Người nuôi tôm rất cần con giống sạch bệnh – Ảnh: Nguyễn Minh Quảng

Làm sao thay đổi?

Đây là vấn đề được bàn luận nhiều nhất tại Hội nghị giao ban sản xuất và quản lý chất lượng giống tôm nước lợ, theo Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: Để giải quyết bài toán chất lượng tôm giống nước lợ, cần đầu tư đồng bộ hạ tầng cho vùng sản xuất giống tập trung, sau đó giao đất cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Cùng đó, thông qua hình thức sản xuất và lực lượng sản xuất để có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi; tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ khâu sản xuất giống đến nuôi trồng. Mặt khác, cấp tỉnh cần tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất giống tiếp cận vốn vay ngân hàng, tạo mối liên liên kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong ngoài nước, cùng sản xuất con giống ổn định, đạt yêu cầu chất lượng.

Cùng đó, nhiều ý kiến cho rằng, xử phạt nghiêm các cơ sở không tuân thủ quy định hiện hành, tập trung nguồn lực cho công tác nghiên cứu cũng như hợp tác quốc tế với các đơn vị có năng lực, nhằm chủ động nguồn tôm bố mẹ trong nước chất lượng cao, sạch bệnh, đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nuôi tôm bền vững; đầu tư xây dựng và hoàn thiện khu sản xuất giống tập trung, trung tâm giống thủy sản của các tỉnh…

>> Hiện nay, tiêu chuẩn chất lượng giống còn bất cập; trong khi đó, việc phân loại, đánh giá các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản còn hạn chế.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!