T2, 06/07/2020 01:32

Chị phải đóng tàu

Chưa có đánh giá về bài viết

Đứng bên bờ cửa sông Nhật Lệ, nơi đổ ra biển, chị Hoàng Thị Sửu (ở Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình) nhìn những con tàu lớn đang rướn mình đè lên sóng ra khơi rồi bộc bạch: “Giữ được biển, cho ngư dân cơ hội làm giàu thì phải có những con tàu lớn, đủ sức vươn đến ngư trường xa. Khi còn ở tuổi thanh xuân, chị đã nuôi ước mơ mình sẽ đóng được những con tàu lớn đó. Ngay cả trong giấc mơ, chị phải đóng tàu”.

Xưởng đóng tàu của chị Hoàng Thị Sửu (ở  Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình)

Long đong phận… nữ nhi

“Nói rộng ra thì xưởng đóng tàu của tôi đi vào hoạt động chưa đến 10 năm”, chị Sửu mở đầu câu chuyện như vậy. Nhưng trong câu chuyện của chị thì 10 năm qua là chặng đường đầy gian nan thử thách của một cô gái làng biển.

Lớn lên, cô thôn nữ làng biển lấy chồng. Không cam chịu cảnh buôn thúng bán mẹt như bao người bạn khác, chị Sửu đi xuất khẩu lao động. Sau gần 7 năm vất vả xứ người, chị trở về làng chài thì cũng là lúc biết chồng bỏ theo người ta. Nhìn con nhỏ theo ông bà ngoại, chị thắt lòng quyết định hủy vé khứ hồi, ở nhà sinh sống nuôi con. Có được chút vốn liếng dành dụm được từ những ngày lao động nơi xứ người, chị tính mở một xưởng sửa chữa tàu nhỏ để thực hiện mơ ước ngày nào. Hay tin, ông… (bố đẻ chị) nhảy lên như bị dẫm gai: “Hỏng việc, hỏng việc. Ai đời con gái , phụ nữ lại đi làm cái nghề sửa tàu khi mô. Ai mà dám tới đà của con đó”. Bấy giờ thì chị mới biết, đàn ông làng biển trước khi ra khơi cũng kiêng cữ nhiều điều. Ngay cả lúc xuống tàu họ cũng tránh gặp đám bà con gái chứ đừng nói đến chuyện lớn. Rồi tàu có hỏng hóc, hay gặp sự cố họ cũng tìm đến xưởng có đàn ông làm chủ để lên đà chứ mấy ai suy tính đưa tàu đến chỗ phụ nữ. Ai cũng nói vậy, làm chị Sửu lung lay lắm. Cả tháng trời không ngủ, trong đầu cứ chia hai phái. Bên làm, bên cản. Rồi chị bật dậy: “Nếu không làm thì sao biết được người ta không đưa tàu tới”.

Vậy rồi, đầu năm 2011, xưởng sửa chữa tàu của chị được hình thành. Cũng đầu tư máy móc, cũng kêu thợ về làm công. Hàng ngày, chị Sửu đi vào, đi ra trước cổng xưởng đến cả trăm vòng. Cứ thấy tàu nào xình xịch đi tới là mong họ tấp vào. Có khi cả tháng chẳng thấy tàu nào ghé lại. Chỉ lâu lâu, bà con mới đưa đến con ghe nhỏ để phá hàu, nêm vá chỗ thủng, thay lại thanh giằng… Một năm, hai năm, rồi ba năm… Tính toán lại, xưởng thu không đủ bù chi. Vốn cạn, chị Sửu chạy xuôi ngược vay tiền. Nhiều người lắc đầu chua chát: ‘Cho vay không khác chi thả cá xuống biển rồi thả lưới bắt lại. Mấy đời phụ nữ làm được chuyện tàu thuyền”.

Những người làm công cho chị cũng có người bỏ đi, cũng còn người ở lại. Cùng chia sẽ lo lắng, nhiều anh em thợ động viên chị: “Ai làm ban đầu cũng rứa thôi. Có thất bại mới có thành công. Chị chưa có tiền thì anh em chúng tôi cho chị nợ lương. Nợ 4 – 5 tháng liền cũng được”. Lại thêm nhiều đêm không chợp mắt. Nghĩ lại phận nữ nhi, chị rơi nước mắt. Lắm lúc chị cũng muốn buông bỏ cho nhẹ lòng. Suy tính, chị thấy thất bại là do chưa có kinh nghiệm. Vậy rồi, thân gái dặm trường, chị hết ra Thái Bình lại vào Bình Định, Phú Yên… đến những xưởng đóng tàu xin được… học nghề. Thấy cũng lạ, nhiều người ngạc nhiên. Nhưng khi chị trình bày nguyện vọng, muốn được học nghề để thay đổi phương thức sửa chữa ở tận Quảng Bình thì một chủ xưởng ở Bình Định nhận lời cho chị làm… học trò.

Sau thời gian dài, chị xin ra nghề. Ông chủ xưởng khâm phục ý chí của chị nên cùng ra Quảng Bình để giúp cải tạo lại máy móc, thiết bị cho phù hợp.

“Không đóng được tàu thì… đóng xưởng”

Theo lời thầy, chị Sửu đầu tư hệ thống đà (hệ thống để kéo, tời tàu lên xưởng) ngang chứ không phải đà dọc như những nơi khác. Với thiết bị tốt, hệ thống đà ngang dễ dàng kéo được những con tàu lớn lên xưởng mà không tốn nhiều công sức.

Thiết bị khá hiện đại, thợ thuyền tay nghề cao và giá cả hợp lý khiến nhiều chủ tàu trước đây e ngại thì nay đã bắt đầu để tâm đến xưởng tàu của chị Sửu. Một năm sau đó, xưởng của chị Sửu đã lấy được lòng tin của khách hàng. Không chỉ có khách hàng ở trong xã Bảo Ninh, nhiều tàu lớn ở khắp các địa phương trong tỉnh đã ghé lại xưởng.

Đầu năm 2015, Quảng Bình triển khai dóng tàu mới theo Nghị định 67. Chị Sửu xung phong nhận ngay đợt đầu. Lãnh đạo nhiều ngành e ngại. Tại một hội nghị, chị phát biểu: “Nếu không đóng được tàu thì tôi đóng xưởng”. Sau hội nghị, nhiều ngư dân, đại diện ngân hàng, chính quyền… đến “xem mặt” xưởng của chị. Ai cũng ngạc nhiên trước việc điều hành sản xuất khoa học của chị kết hợp với thiết bị, công nghệ hiện đại của xưởng. Sau đó, xưởng của chị nhận được đơn hàng đóng mới 4 tàu (mỗi tàu có công suất 800 CV)  theo Nghị định 67. Bốn tàu hạ thủy trong sự hò reo của hàng chục người lao động. Tàu được đánh giá đúng thiết kế, chất lượng cao. Nhận lời chúc mừng, chị Sửu trào nước mắt. Cũng chỉ trong năm đó, xưởng của chị nhận sửa chữa cho hơn 400 lượt tàu thuyền. Đóng mới và hạ thủy 13 chiếc tàu công suất lớn.

Chúng tôi gặp ngư dân Nguyễn Trọng Thủy (ở xã Bảo Ninh), người khá nổi tiếng vì có những chuyến tàu ra khơi thu về vài tỷ đồng lợi nhuận. Anh kể lại, hồi đó thấy chị Sửu hạ thủy tàu 67, tui mạnh dạn ký hợp đồng đóng luôn 2 tàu với tổng trị giá 30 tỷ đồng. Có người gặp tôi gàn lại. “Nhưng tui quyết tâm rồi. Tàu đẹp, chất lượng cao, giá cả hợp lý và mình thoải mái đến giám sát thi công thì có chi phải ngại”,  anh Thủy bộc bạch. Cũng theo anh Thủy, tàu sửa chữa hay đóng mới ở xưởng chị Sửu thì ra khơi cũng gặp hên lắm. Tàu qua tay chị Sửu, chuyến biển nào cũng bội thu nên xưởng của chị luôn được ngư dân đặt niềm tin. 

>> “Con tuổi Trâu. Có làm thì mới có ăn. Ngay tàu trong làng mình bị hư, phải đưa đi xa mới có chỗ làm. Có khi cả tháng trời mới lấy được tàu về. Chừ mình làm hợp lý thì không sợ chi lời nói ra mô”, chị Sửu quả quyết với bố mẹ khi quyết định mở xưởng.

Tâm Phùng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!