Chia sẻ bí quyết, gặt hái thành công

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2019, thủy sản được đánh giá là một trong hai trụ cột (cùng với lâm nghiệp) của ngành nông nghiệp. Mặc dù còn những chỉ tiêu chưa đạt, vậy nhưng, ngành hàng này vẫn rất được kỳ vọng trong năm 2020. Làm sao để thủy sản gặt hái thành công? Hãy cùng nghe cao kiến của các “cao nhân”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Cần thêm các giải pháp khả thi hơn

Bộ NN&PTNT cần triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản và quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục cơ cấu lại ngành thủy sản và các hoạt động khai thác, phương tiện đánh bắt phù hợp với sản lượng, ưu tiên cho phương thức nuôi biển, đáp ứng yêu cầu của thị trường, kiểm soát việc đánh bắt xa bờ; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương, đưa việc đánh bắt xa bờ vào nền nếp, đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế; từng bước hiện đại hóa phương tiện khai thác, nhất là phương tiện bảo quản sau thu hoạch, cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cảng cá, khu neo trú tàu thuyền…

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ ngư dân

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 96.000 phương tiện đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản, trong đó có 2.618 phương tiện rất hiện đại, có công suất từ 800 CV trở lên. Tất cả những tàu khai thác hậu cần có công suất lớn, từ chủ trương khuyến khích ngư dân đóng tàu sau này cũng như các ngư dân và địa phương tự bỏ tiền ra đóng là những phương tiện hiện đại, đã được đầu tư trang bị phù hợp với phương thức đánh bắt, có cả máy dò cá. Tuy nhiên, đối với những phương tiện có độ dài dưới 15 m, đặc biệt những phương tiện dưới 12 m và phương tiện 6 m, trang thiết bị của các tàu này còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến năng suất khai thác, hiệu quả kinh tế chưa cao. Theo đó, sẽ dần hiện đại hóa theo từng bước tái cơ cấu ngành thủy, hải sản nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững. Nghị định 67 ra đời với các nhóm nội dung lớn hỗ trợ cho ngư dân, tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, các “tàu 67” này đã có gặp những khó khăn nhất định; theo đó sẽ kiến nghị điều chỉnh những nội dung không phù hợp để giúp ngư dân khai thác hiệu quả.

 

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản: Hướng đến khai thác bền vững

Khai thác bền vững hiểu là bền vững về nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sản. Để làm được điều này, một số nhiệm vụ cần thực hiện như: điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, xác định khả năng cho phép khai thác bền vững tối đa; xây dựng quy hoạch cường lực khai thác phù hợp nguồn lợi thủy sản, cho phép khai thác trong quy hoạch; điều chỉnh cường lực (trước mắt là số lượng tàu khai thác) theo quy hoạch; ban hành các quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái (các khu bảo vệ, bảo tồn, cấm các nghề xâm hại nguồn lợi thủy sản, cấm khai thác các đối tương chưa trưởng thành, cấm khai thác các thủy sản trong danh mục bảo vệ, quý hiếm, CITES…); thực thi pháp luật, quản lý theo quy định, kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm.

 

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản: Nhiều nhiệm vụ trọng tâm về NTTS

Năm 2020, tiếp tục phát triển NTTS trên biển ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, từ đó tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Tập trung phát triển nuôi các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị, hình thành các chuỗi liên kết, bảo toàn về chất lượng và phục vụ chế biến sâu. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng NTTS tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi; đồng thời, phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất NTTS bền vững của Tổng cục Thủy sản và cơ quan quản lý địa phương. Coi trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, ngao, tôm hùm…; trong đó coi phòng bệnh là chính thông qua các mô hình/phương thức nuôi phù hợp từng vùng/từng đối tượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, ATTP…

 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam: Thúc đẩy ứng dụng KHCN trong NTTS

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong NTTS như công nhận các tiến bộ kỹ thuật, tổ chức các diễn đàn giới thiệu phổ biến công nghệ; tuy nhiên, việc đẩy mạnh ứng dụng trong thực tiễn sản xuất còn gặp những khó khăn nhất định; phần lớn việc áp dụng KHCN được triển khai hỗ trợ tại các dự án cấp nhà nước, phía doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, để chính sách dành cho KHCN trong lĩnh vực thủy sản đi vào sản xuất hiệu quả hơn, cần có sự đánh giá toàn diện để lắng nghe chia sẻ từ doanh nghiệp; phát triển sự kết nối giữa các đơn vị hỗ trợ và đơn vị có nhu cầu, để đưa ra giải pháp tạo hiệu quả hơn.

 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP: Tận dụng cơ hội từ các FTA

Với kết quả mà Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, đánh giá sẽ mở ra cơ hội rất lớn để gia tăng xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng như nhiều thị trường khắt khe khác. Ngoài ra, cũng trên đà nhiều FTA được ký kết, trong đó với EVFTA đi vào thực thi sẽ là lực đẩy rất lớn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU; vì có tới 90% số dòng thuế được cam kết cắt giảm về 0% trong khoảng thời gian ngắn. Tình hình tiêu thụ thủy sản của thế giới vẫn có xu hướng tăng, dù tăng mức nhẹ, chỉ vài phần trăm, nhưng mấu chốt ở đây vẫn phụ thuộc vào vấn đề chất lượng sản phẩm, ATTP của Việt Nam. Mặt khác, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng tiêu thụ của người dân sẽ hạn chế, trong xu thế đó, làm sao để thị trường thế giới biết tới thủy sản Việt Nam và chọn thủy sản Việt Nam, đó là sự khéo léo của ngành thủy sản nước ta.

Ngọc Hân – Dương Thảo (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!