T2, 06/07/2020 01:54

Chống khai thác IUU còn gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau hai năm thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, xây dựng nghề biển được quản lý đã đạt không ít kết quả, tuy nhiên thực tế còn nhiều khó khăn, trong lúc hậu quả “thẻ vàng” thì hiện hiển.

Hậu quả nhãn tiền

Tại hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU hôm 25/9 ở TP Hồ Chí Minh, VASEP cho biết, xuất khẩu hải sản sang EU liên tục giảm. Năm 2018 chỉ đạt gần 390 triệu USD, giảm 6,5% so năm 2017; sang 8 tháng đầu năm nay giảm tiếp 0,3% so cùng kỳ, chỉ còn 251 triệu USD. Hải sản của Việt Nam ở EU từ thứ 2 tụt xuống thứ 5 với tỷ trọng thị trường 18% nay còn 13%.

Một trong những nguyên nhân giảm sức cạnh tranh của hải sản Việt là giá cao vì thủ tục thông quan khó khăn làm đội giá. Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifishco) Cao Thị Kim Lan cho biết, từ khi Việt Nam bị “thẻ vàng”, các lô hàng hải sản vào EU bị kiểm tra 70 – 80% với thời gian kéo dài 10 – 20 ngày nên chi phí tăng lên 10 – 20% so trước đây. Hàng giao chậm, nhiều rủi ro khó lường có thể xảy ra, từ đó các nhà nhập khẩu EU cũng e dè. “Xuất khẩu hải sản sang EU hầu như không còn có lời, vì muốn duy trì khách hàng làm ăn lâu dài và giảm áp lực lên thị trường khác mà Bidifishco phải cố gằng duy trì thị trường EU”, bà Lan nói.

Khó khăn lớn nhất trong chống khai thác IUU là việc tuân thủ pháp luật của các tàu khai thác thủy sản. Giám đốc Cảng cá Tam Quan (Bình Định) Nguyễn Minh Khải cho biết, vẫn còn nhiều tàu ra khơi đánh bắt mà không có giấy tờ hoặc giấy tờ không đầy đủ theo quy định. Dù vậy, theo ông Khải, tàu đánh bắt hợp pháp hay bất hợp pháp thì cập cảng là hải sản được các doanh nghiệp mua hết, lý giải của doanh nghiệp là để xuất sang các thị trường chưa đòi hỏi truy xuất nguồn gốc. Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, nhiều tàu cá dài từ 15 m trở lên chỉ được đánh bắt hải sản vùng khơi nhưng lại tắt thiết bị giám sát hành trình để lén vào vùng lộng khai thác.

Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc kiến nghị, Nhà nước cần có giải pháp mạnh với tàu đánh bắt bất hợp pháp thì mới thuyết phục được EU gỡ bỏ “thẻ vàng”. Bên cạnh, tập trung hoàn thành việc lắp thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá và có hệ thống thông tin quốc gia để truy xuất khi tàu cập bến. Đó là ba việc phải làm nhanh bằng những giải pháp cụ thể, không thể kéo dài chậm trễ thêm nữa.

Một vụ đánh bắt hải sản tận diệt bị xử lý ở Nghệ An – Ảnh: ST

 

Vi phạm vẫn chưa suy giảm

Tỉnh Kiên Giang là điển hình cho ngành khai thác hải sản với tàu cá nhiều, biển rộng và giáp ranh nhiều nước. “Nhiều tàu cá Kiên Giang chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, vẫn cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trọng Thao báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Kiên Giang chiều 23/9. Số liệu của báo cáo, những tháng đầu năm 2019, có 41 tàu cá Kiên Giang với 440 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, so cùng kỳ năm 2018 tăng 10 tàu với 148 ngư dân (tăng 32% tàu và 51% ngư dân). Trong đó, Malaysia bắt 28 tàu với 310 ngư dân, Indonesia 11 tàu với 116 ngư dân, Campuchia 2 tàu với 14 ngư dân.

Cũng theo báo cáo, việc lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đến ngày 25/7/2019 mới được 2.328 tàu, đạt 58% tổng số tàu có chiều dài từ 15 m trở lên. Nhiều tàu đã lắp thiết bị nhưng khi ra biển không mở để kết nối với trạm bờ, hiện mới có 1.801 tàu kết nối, tức là còn gần 23% tàu lắp đặt thiết bị nhưng không kết nối. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã gửi văn bản cảnh báo 72 chủ tàu hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam và tắt thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 7 tàu cảnh báo 2 – 3 lần.

Lực lượng chuyên ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang tổ chức 90 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác hải sản trên biển với 769 tàu, xử phạt 613 tàu với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là hoạt động sai vùng biển, sai nghề, không có sổ nhật ký khai thác, sử dụng ngư cụ cấm. Bộ đội Biên phòng Kiên Giang xử phạt hành chính 41 vụ với 60 tàu cá đi vùng biển nước ngoài trái phép, số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

 

Hủy diệt biển trong nước

Chống khai thác IUU phải chú trọng cả vùng biển trong nước và tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biển. Sở NN&PTNT Nghệ An đã thành lập Tổ công tác liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Cửa Hội, Lạch Quèn, Lạch Vạn (gồm đại diện Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý cảng cá Nghệ An).

Qua kiểm tra 5.595 tàu cập cảng với sản lượng 31.135 tấn hải sản thời gian qua cho thấy, việc chấp hành quy định về ghi nhật ký khai thác, khai báo sản lượng khi cập cảng còn nhiều hạn chế. 

Trong 9 tháng đầu năm, Chi cục Thủy sản Nghệ An tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên biển 155 chuyến với 2.748 lượt tàu, xử phạt 85 tàu tổng số tiền 624 triệu đồng. Tang vật tịch thu có 11 kích điện, 220 m dây điện, 1 bộ lưới kéo và 4 m lưới có mắt lưới nhỏ hơn quy định. Theo Chi cục, việc sử dụng chất nổ, xung điện khai thác tận diệt vẫn tồn tại; còn về phía quản lý nhà nước, việc ban hành quyết định hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản vùng ven bờ, vùng lộng còn chậm, hiệu quả không cao.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng cho biết, từ khi triển khai nhiệm vụ chống khai thác IUU, Ban Quản lý cảng cá của tỉnh chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào về xác nhận nguồn gốc khai thác hải sản trong nước. Đó là những xác nhận việc khai thác hải sản hợp pháp, theo quy định, được quản lý mà Nghệ An đã nỗ lực thực hiện nhưng chưa thấy tổ chức hay cá nhân kinh doanh hải sản nào yêu cầu cung cấp.

 >> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, chuyển biến đáng kể trong thực hiện chống khai thác IUU thời gian qua là tàu cá nước ta không còn vi phạm vùng biển khu vực quốc đảo Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vùng biển các nước trong vùng như Malaysia, Indonesia, Philippines… thì vẫn phức tạp.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!