T2, 06/07/2020 01:59

Chống khai thác IUU: Việt Nam đang đi đúng hướng

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau chuyến công tác tại Việt Nam từ ngày 5 – 14/11/2019, để tiến hành đánh giá lần hai việc thực hiện các khuyến nghị của EC về đánh bắt IUU, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) nhận định, Việt Nam đã đi đúng hướng trong công tác phòng, chống khai thác IUU.

Theo thông tin đăng tải trên Asia Pacific News ngày 3/12, Đoàn kiểm tra đánh giá cụ thể 4 nhóm khuyến nghị mà EC đưa ra vào tháng 5/2018; bao gồm khung pháp lý, giám sát nghề cá, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận hải sản và thực thi pháp luật. Đoàn mong muốn Việt Nam tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh chống lại khai thác IUU đúng cách và EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc này.

Sau khi làm việc với Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT Việt Nam, Đoàn kiểm tra ghi nhận cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn và chống khai thác IUU; sự hỗ trợ và minh bạch trong việc cung cấp thông tin cần thiết cho việc kiểm tra, đánh giá của Đoàn. Đoàn cũng đánh giá cao khi Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý mới toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế; tuy nhiên, tác động thực tế của khung pháp lý vẫn còn hạn chế. Việc chống khai thác IUU của Việt Nam có nhiều chuyển biến tốt hơn năm 2018; tuy nhiên, Việt Nam cần thắt chặt kiểm soát tàu cá Việt Nam và tàu nước ngoài, truy xuất nguồn gốc khai thác thủy sản hiệu quả hơn. Nếu tàu cá Việt Nam không vi phạm vùng biển nước ngoài, “thẻ vàng” có thể được gỡ bỏ. 

Làm việc tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang, Đoàn nhận định thực tế chống khai thác IUU tại các địa phương là đúng hướng, tiến bộ so với lần thanh tra đầu tiên. Đồng thời, đánh giá cao việc vận hành hệ thống thông tin giám sát tàu cá (VMS) và quản lý tàu cá tại cảng ở Kiên Giang. VMS là công cụ hiệu quả về chi phí để theo dõi, kiểm soát và giám sát thành công các hoạt động nghề cá.

Hệ thống thông tin giám sát tàu cá (VMS) – Ảnh: ST

Sau chuyến làm việc tại Việt Nam, Đoàn kiểm tra đề nghị Việt Nam nên hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thực tế, nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc lắp đặt VMS, quản lý tốt hơn hoạt động của các tàu cá, nhất là những tàu có chiều dài từ 24 m trở lên; thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, xác minh nguồn gốc hải sản được đánh bắt ở vùng biển Việt nam và nhập khẩu qua các cảng. Bên cạnh đó, Việt Nam nên xử lý mạnh tay và có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, ban ngành địa phương trong quản lý, kiểm soát và xử lý vi phạm khai thác IUU. Đoàn có kế hoạch quay lại Việt Nam thanh tra lần ba trong 6 tháng tới.

An An

Asia Pacific News

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!