Chủ doanh nghiệp thủy sản biến mất, dân mất đất

Chưa có đánh giá về bài viết

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Bảo Anh (Công ty Bảo Anh) chế biến phụ phẩm thủy sản ở quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), khi ông chủ biến mất, nhiều người đang có nguy cơ mất hết đất. Hiện, 8 người trong một gia đình phải khiếu nại xem xét giám đốc thẩm.

Những căn nhà xây dựng đã lâu nhưng khi thẩm định cho vay, cán bộ ngân hàng không “thấy”

Những căn nhà xây dựng đã lâu nhưng khi thẩm định cho vay, cán bộ ngân hàng không “thấy”  

Ông chủ Công ty Bảo Anh là Nguyễn Đồng Hồ, vay tiền của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đầu năm 2013, đến ngày 20/7/2016, Tòa án Nhân dân (TAND) quận Thốt Nốt xử sơ thẩm, vốn và lãi hơn 3,7 tỷ đồng. Mới đây, ngày 12/5/2017, TAND thành phố Cần Thơ xử phúc thẩm tính thêm lãi chậm trả. Án xử theo đơn kiện của LienVietPostBank đòi nợ sau khi ông Hồ biến mất, tuyên nếu Công ty Bảo Anh không trả nợ thì “xử lý tài sản đảm bảo theo các hợp đồng thế chấp”.

Có 3 hợp đồng thế chấp tài sản bằng quyền sử dụng đất. Trong đó, một khu đất của “hộ Nguyễn Văn Sơn” ở xã Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) rộng gần 1,8 ha. Hộ này đông người, đầu năm 2002, có 7 người trong hộ đã làm thủ tục theo quy định để ông Sơn đứng tên. Hiện, trên khu đất có 4 gia đình là cha mẹ, anh chị em làm nhà sinh sống.

Ông Sơn kể, năm đó, mẹ già bị bệnh nên nhờ ông Hồ là anh họ, giúp vay ngân hàng 400 triệu đồng để chữa bệnh cho mẹ. Ông Hồ hướng dẫn ông Sơn đem khu đất bảo lãnh thế chấp, thủ tục qua Văn phòng Công chứng Thốt Nốt. Ngay sau đó, ông Sơn biết, ông chỉ đại diện “hộ”, không có toàn quyền định đoạt khu đất nên đã đến LienVietPostBank yêu cầu hủy việc bảo lãnh thế chấp. “Nhưng LienVietPostBank không nghe, vẫn cho ông Hồ vay 900 triệu đồng và ông Hồ sử dụng toàn bộ, không đem cho tôi đồng nào”, ông Sơn nói.

Ngày 14/8/2013, ông Sơn khởi kiện ra TAND quận Thốt Nốt yêu cầu hủy hợp đồng bảo lãnh thế chấp trái luật. Vụ kiện kéo dài cho đến ngày 20/1/2015, LienVietPostBank kiện đòi nợ Công ty Bảo Anh thì TAND quận Thốt Nốt nhập hai vụ và “hộ Nguyễn Văn Sơn” thành người liên quan.

Án sơ thẩm phán quyết, nếu Công ty Bảo Anh không trả nợ thì LienVietPostBank có quyền đề nghị thi hành án phát mại khu đất. Nếu thế, các gia đình trong “hộ Nguyễn Văn Sơn” mất đất và cả nhà ở nên kháng án. Bản án phúc thẩm nhận định, LienVietPostBank khi thẩm định cho vay, phát hiện nhiều gia đình có nhà trên đất mà không yêu cầu ký tên vào hợp đồng thế chấp là “chưa làm đúng và đầy đủ theo thủ tục quy định”. Tuy nhiên, án phúc thẩm chỉ “ngoại trừ” diện tích mấy căn nhà hơn 400 m2 để các gia đình sinh sống, còn lại diện tích khu đất vẫn cho LienVietPostBank quyền phát mại, nếu Công ty Bảo Anh không trả nợ.

Như thế, hai bản án không xem xét quyền lợi về đất của những người trong “hộ Nguyễn Văn Sơn”, theo nhiều luật sư, là chưa đúng pháp luật. Luật sư Nguyễn Trường Thành ở Đoàn Luật sư Cần Thơ, khẳng định, quyền lợi của những người ủy quyền cho ông Sơn đứng tên sổ đỏ đám đất vào đầu năm 2002 được pháp luật bảo vệ. Khi ông Sơn tự ý thế chấp khu đất, không thông qua những người có tên trong “hộ” là trái quy định của pháp luật. Và vì thế, Văn phòng Công chứng Thốt Nốt công chứng hợp đồng bảo lãnh thế chấp của ông Sơn, cũng vi phạm pháp luật.

Công chứng viên Ngô Công Minh giải thích, thời điểm công chứng, trong hộ khẩu ông Sơn không có tên cha mẹ, chị em ông Sơn nên “thấy đủ cơ sở công chứng”. Luật sư phản bác, thiếu sót của công chứng không thể là căn cứ để bác bỏ quyền lợi của những người được pháp luật bảo vệ.

Nên 8 người trong “hộ Nguyễn Văn Sơn” đang gửi đơn kiến nghị TAND và Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị Giám đốc thẩm “tuyên hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!