T2, 06/07/2020 02:08

Chủ động ứng phó với hạn mặn

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời tiết nắng nóng, nước bốc hơi nhiều, mực nước đầm tôm nuôi thấp, độ mặn tăng cao, môi trường không ổn định ảnh hưởng tới sức đề kháng của tôm… Để có biện pháp xử lý kịp thời, người nuôi cần có chiến lược thiết kế hệ thống ao hợp lý nhằm chủ động nguồn nước, thích ứng với hạn, mặn.

Thiết kế khu nuôi gồm ao lắng thô, ao xử lý nước, ao sẵn sàng, ao nuôi và ao xử lý nước thải nhằm chủ động nguồn nước góp phần giảm thiểu ảnh hưởng do hạn, mặn gây ra.

Ảnh minh họa

Ao lắng thô

Nước được lấy từ kênh cấp chung vào ao lắng thô, được lọc qua hệ thống lọc ngầm ở giữa ao. Tại ao lắng thô nước được để lắng 1 đến 2 ngày. Sau đó được bơm sang ao xử lý nước. Diện tích ao lắng thô chiếm khoảng 20 – 25% tổng diện tích các ao nuôi. Trong ao lắng nên thả cá rô phi với mật độ 3 – 5 con/m2, cỡ cá không lớn hơn 50 g/con nhằm xử lý nước ao nuôi tôm có hiệu quả để tái sử dụng nguồn nước. Ao lắng giúp chủ động trữ nước mưa, đảm bảo cung cấp nước trong mùa hạn mặn.

Ao xử lý nước

 Nước trước khi cấp vào ao nuôi cần được xử lý đạt tiêu chuẩn nước cấp vào ao nuôi tôm. Ao xử lý được dùng để xử lý các chất hữu cơ, mầm bệnh. Ao được thiết kế cho nước chảy theo đường zíc zắc từ đầu đến cuối ao. Diện tích ao xử lý nước nên chiếm khoảng 20 – 25% tổng diện tích khu nuôi. Tại ao xử lý, sử dụng các hóa chất được phép sử dụng để xử lý diệt mầm bệnh (không được dùng các hóa chất bị cấm). Xử lý nước bằng các loại hóa chất nhằm lắng tụ các chất hữu cơ và diệt mầm bệnh được thực hiện tại đường zíc zắc đầu tiên. Đến đường zíc zắc cuối cùng thì nước đã có độ trong lớn và mầm bệnh cơ bản đã được tiêu diệt, sau đó nước được bơm từ ao xử lý sang ao sẵn sàng.

Ao sẵn sàng

 Ao sẵn sàng được dùng để chứa nước đã sạch mầm bệnh và đã được điều chỉnh chất lượng nước trước khi cấp vào ao nuôi. Tại đây, nước được bổ sung khoáng chất, kiềm và điều chỉnh pH. Khi nước ở ao sẵn sàng đạt tiêu chuẩn thì được cấp vào ao ương và các ao nuôi. Ao sẵn sàng đặt ở vị trí gần ao xử lý nước và các ao nuôi. Diện tích ao sẵn sàng chiếm khoảng 20 – 25% tổng diện tích các ao nuôi.

Ao nuôi

Ao nuôi cần được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, bờ ao phải được đắp chắc chắn và thường được lót bạt bảo đảm không bị rò rỉ, sạt lở và xói mòn. Bờ ao phải cao hơn mức nước cao nhất trong ao (1,5 – 1,8 m) từ 0,3 – 0,5 m. Cần giữ mực nước trong ao nuôi ổn định. Khi nhiệt độ lên cao nước bốc hơi nhiều thì bơm nước từ ao sẵn sàng vào ao nuôi để giảm bớt nhiệt và nâng mực nước trong ao. Bên cạnh đó áp dụng các biện pháp che phủ ao nuôi bằng lưới lan nhằm giảm hiện tượng bốc hơi nước và ổn định nhiệt độ nước ao. Nước thải từ ao nuôi cần được thu gom về ao xử lý nước thải và xử lý trước khi thải ra môi trường.

Ao xử lý chất thải (ao chứa bùn)

 Ao chứa bùn dùng để chứa chất thải từ các ao nuôi xi phông ra. Sau khi bùn được chìm xuống, thì bơm nước cùng chất hữu cơ lơ lửng về ao lắng thô để xử lý.

PGS-TS Kim Văn Vạn

Trưởng khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!