Chú trọng phát triển giống thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Bộ NN&PTNT, đến năm 2025 sẽ có được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực là thủy sản, trái cây, lúa. Trong đó, thủy sản được đặc biệt ưu tiên.


Con giống giữ vai trò quan trọng

Phát triển vượt trội

Thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta, đạt tốc độ tăng trưởng cao; quy mô và giá trị sản xuất lớn; có nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Năm 2018, giá trị sản xuất thủy sản đạt gần 230 nghìn tỷ đồng. Tổng sản lượng đạt hơn 7,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 9 tỷ USD. Ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản là: Tôm thẻ, tôm sú (kim ngạch 3,6 tỷ USD năm 2018) và cá tra (kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD).

Trong thành công này phải kể đến sự đóng góp đáng kể của vùng ĐBSCL. Nơi đậy được mệnh danh là “vựa” thủy sản của cả nước khi cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng nuôi trồng. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đứng trước các biến đổi khó dự đoán nhất trong lịch sử kiến tạo, nhất là các thay đổi về chế độ thủy văn và sụt lún đất. Những biến đổi này được dự báo sẽ tác động sớm và mạnh đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là NTTS.

Cần con giống tốt

Tại Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu trong tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT xác định các ưu tiên tạo đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết 3 khâu là giống, thức ăn và chế biến nông, lâm, thủy sản. ĐBSCL đặt mục tiêu đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực (thủy sản, trái cây, lúa); đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm quốc tế.

Với cá tra, toàn vùng hiện có 230 cơ sở sản xuất giống, khoảng 4.000 hộ ương cá giống với diện tích khoảng 3.500 ha, tập trung chủ yếu tại Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, cơ bản đảm bảo đủ giống cho khoảng 5.200 ha diện tích nuôi cá tra, sản lượng nuôi hàng năm khoảng 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, theo dự báo đến năm 2025, nhu cầu cá tra giống chất lượng cao (tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, kháng bệnh) cần khoảng 2,5 – 3 tỷ con; do vậy, công suất hiện tại mới chỉ đáp ứng khoảng 40 – 45% nhu cầu. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các địa phương đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng đầu mối vùng sản xuất giống cá tra tập trung tại 2 tỉnh An Giang (350 ha) và Đồng Tháp (420 ha) theo hướng đồng bộ, khép kín, ứng dụng công nghệ cao phục vụ ương giống cá tra từ cá bột lên cá giống, cung cấp cho người nuôi vùng ĐBSCL, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào tất cả các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp.

Còn với tôm nước lợ, toàn vùng có 1.278 cơ sở sản xuất tôm giống, đáp ứng được 48,3% nhu cầu thả nuôi, số giống còn thiếu được cung cấp từ các tỉnh Nam Trung bộ. Khó khăn lớn nhất hiện nay là Việt Nam chưa chủ động hoàn toàn về chọn tạo và sản xuất tôm bố mẹ (TTCT và tôm sú). Để có thể cung cấp giống tôm sú bố mẹ cho các cơ sở sản xuất giống tôm sú, thời gian tới, Bộ NN&PTNT tăng cường nguồn lực đầu tư cho các viện nghiên cứu, doanh nghiệp tiếp tục chọn tạo, mở rộng quy mô và sản xuất đủ tôm sú bố mẹ chất lượng cao (tăng trưởng nhanh, có khả năng chống chịu một số loại dịch bệnh nguy hiểm) phục vụ cho sản xuất giống nuôi thương phẩm.

Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu TTCT bố mẹ từ nước ngoài vào Việt Nam, nhằm hạn chế tối đa việc lây lan mầm bệnh từ bên ngoài. Tiếp tục các chương trình chọn giống hiện nay đối với tôm sú và TTCT, để có các thế hệ bố mẹ có chất lượng cao trong những năm tới. Cùng với đó, tập trung, tăng cường nguồn lực đầu tư cho các viện, doanh nghiệp có năng lực thực hiện nghiên cứu, chọn tạo giống tôm tăng trưởng nhanh, sạch một số bệnh nguy hiểm, tiến tới kháng bệnh để chủ động cung cấp cho vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!