Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị… Ðây được xem là đòn bẩy quan trọng để ngành nông nghiệp thành phố phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nuôi tôm công nghệ cao tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

Sau hai năm nghiên cứu và trồng thử nghiệm, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp trực thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (AHTP) vừa hoàn thiện quy trình nhân giống cây sâm cau bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật để trồng lấy củ sâm cau làm dược liệu. Thạc sĩ Phan Thị Hồng Thủy, cán bộ Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp cho biết, cây sâm cau phân bố ở một số tỉnh nam Trung Quốc, Lào, Việt Nam và một vài nước Ðông – Nam Á khác. Từ năm 1996, sâm cau được đưa vào danh mục đỏ cây thuốc Việt Nam do bị khai thác quá nhiều. Việc nhân giống cây sâm cau ngoài tự nhiên chủ yếu từ hạt hoặc bằng thân, tỷ lệ sống thấp. Ứng dụng kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật khắc phục được những hạn chế của phương pháp nhân giống truyền thống, giúp tạo ra một lượng lớn cây giống sạch bệnh trong thời gian ngắn. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý hiếm đang có nguy cơ bị khai thác quá mức dẫn đến tuyệt chủng trong tự nhiên.

Ðây là một trong nhiều nghiên cứu nhân tạo giống mang lại kết quả khả quan của Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp. Phó Trưởng ban Quản lý AHTP Từ Minh Thiện chia sẻ, nhiều tiến bộ kỹ thuật của AHTP đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) công nhận là tiến bộ kỹ thuật quốc gia và được chuyển giao nhân rộng. AHTP đang triển khai quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để chuyển giao các thành tựu mới trong sản xuất. Ðồng thời, đẩy mạnh liên kết với các khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học ở các địa phương tạo thành các chuỗi ngành hàng chủ lực cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo Sở NN-PTNT thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố luôn chú trọng việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; đã hình thành nhiều loại hình và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng dưa lưới cho lợi nhuận mỗi năm hơn một tỷ đồng/ha; trồng ớt ngọt trong nhà màng, trồng trên giá thể, hệ thống tưới nhỏ giọt cho lợi nhuận mỗi năm 1,2 tỷ đồng/ha… Ðây là tiền đề quan trọng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong những năm gần đây, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp ở thành phố liên tục tăng, từ hơn 282 triệu đồng vào năm 2014 lên 502 triệu đồng vào năm 2018, bình quân tăng 12,2%/năm. Thu nhập bình quân của mỗi người nông dân vùng ngoại thành tăng từ 39,7 triệu đồng (năm 2014) lên hơn 50 triệu đồng vào năm 2018… Tuy vậy, ngành nông nghiệp của thành phố vẫn chưa chuyển biến thật rõ nét như kỳ vọng. Sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, do diện tích đất nông nghiệp manh mún dẫn đến khó hình thành những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới…

Để khắc phục những bất cập nêu trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, đến năm 2020, tốc độ tăng GRDP bình quân ngành nông nghiệp đạt 6%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7,5%/năm; lao động nông nghiệp được đào tạo đạt khoảng 90%; phát triển thêm từ hai đến ba khu nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt từ 600 đến 650 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập của cư dân nông thôn đến năm 2020 đạt từ 60 triệu đồng/người/năm trở lên… Ðến năm 2025, tốc độ tăng GRDP bình quân ngành nông nghiệp đạt hơn 6%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 8,5%/năm; lao động nông nghiệp được đào tạo đạt hơn 90%. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân của cư dân nông thôn đạt khoảng 100 triệu đồng/người/năm (hơn 1,5 lần so với năm 2020)…

UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang phát triển sáu loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Giao Sở NN-PTNT thành phố chủ trì, phối hợp các đơn vị rà soát, điều chỉnh, xây dựng chính sách, quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh chuyển dịch nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Mục tiêu của thành phố đến năm 2020 đạt diện tích canh tác rau 4.500 ha; trong đó, diện tích canh tác rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là 700 ha. Ðến năm 2025, diện tích canh tác rau đạt 5.200 ha; trong đó, diện tích canh tác rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là 1.000 ha. Về diện tích canh tác hoa, cây cảnh (kiểng), đến năm 2020 đạt 1.920 ha; đến năm 2025 đạt 2.200 ha. Ðối với vùng chuyên canh nuôi tôm, đến năm 2020 đạt diện tích 5.545 ha với tổng sản lượng tôm nuôi đạt 25.083 tấn. Ðến năm 2025, sản lượng cá cảnh sản xuất 300 triệu con, trong đó, xuất khẩu khoảng 50 triệu con, kim ngạch đạt khoảng 50 triệu USD…

Bài và ảnh: Khánh Duy

Theo Nhandan.org

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!