T2, 06/07/2020 01:13

Chung sức gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Mới đây tại Hội nghị về tìm giải pháp gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đưa ra nhiều cảnh báo xung quanh vấn đề này, đồng thời chỉ đạo sự vào cuộc của các bộ, ngành.


Ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài

Hậu quả nhãn tiền

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc Liên minh châu ÂU (EC) cảnh báo “thẻ vàng” có nguy cơ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU và các thị trường khác, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của ngư dân. Vì vậy, việc nhanh chóng có biện pháp để EC gỡ cảnh báo “thẻ vàng” là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết, các bộ, ban, ngành và địa phương phải tập trung triển khai trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, trước mắt phải triển khai hiệu quả các khuyến nghị để EC gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Về lâu dài phải chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản để phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định về khai thác hải sản của quốc tế.

Để thực hiện được điều này, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành Trung ương, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển phải quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về IUU.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT tập trung tham mưu, sớm trình Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp để tập trung chỉ đạo, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan đến thủy sản nói chung và các quy định về đánh bắt hải sản nói riêng. Xây dựng, ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng mà Việt Nam vừa gia nhập…

Cùng đó, sớm hoàn thành việc gia nhập Hiệp định Đàn cá di cư của Liên hợp quốc; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xây dựng cơ chế kiểm soát tàu và hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam, bảo đảm thực hiện các quy định về biện pháp quốc gia có cảng. Cùng đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm ngư dân, cán bộ, các tổ chức cá nhân có liên quan hoạt động thủy sản phải có đầy đủ thông tin về việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC; cũng như việc kê khai thông tin cần thiết về nguồn gốc đánh bắt…

Tất cả phải vào cuộc

Không chỉ Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành khác cũng cần phải chung tay hợp lực để thực hiện. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền làm nghề thủy sản khi xuất, nhập bến; kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định. Xử lý nghiêm theo quy định các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; trong đó chú trọng phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân vi phạm. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, trong đó tập trung tại các khu vực chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và các nước để kịp thời phát hiện; xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam cũng như ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; hỗ trợ kịp thời tàu cá và ngư dân ta khi gặp sự cố, bị nước ngoài bắt giữ trái phép.

Về xuất khẩu, Phó Thủ tướng nêu rõ, Bộ Công thương tham mưu các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hải sản; cùng các bộ phối hợp, có thông tin với các tổ chức, đối tác thương mại quốc tế hiểu rõ hơn về những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam; tham mưu hoạch định các giải pháp, biện pháp để ứng phó với những rào cản thương mại, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam.

Ngoài ra, để làm tốt được điều này, ngư dân là nhân tố quan trọng, do vậy, theo Phó Thủ tướng, cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống khai thác IUU của Việt Nam tại các nước cũng như trong nước. Một mặt, thông tin để người dân biết về các quy định đánh bắt thủy sản quốc tế; phát hiện, cảnh báo những trường hợp cố tình vi phạm nhưng đồng thời cũng giới thiệu những tấm gương tốt, cách làm hay của các bộ, ngành, địa phương và ngư dân.

Cũng trong hoạt động này, nếu xảy ra vi phạm, không chỉ ngư dân bị xử phạt, mà Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cũng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy, việc thực hiện mới đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

>> “Bên cạnh nhiệm vụ cấp bách trên là nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế mà ngành thủy sản có vai trò quan trọng. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ để phát triển kinh tế ven biển gắn với đào tạo nghề cho người dân vùng ven biển nhằm chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người dân, từ đó giảm áp lực cho việc khai thác hải sản”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!