Chuyên đề Cá rô phi – Bài 1: Để có thể là cá rô phi!

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2004, Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) đã đưa sản phẩm cá rô phi vào đề án phát triển các sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam. Kế hoạch đến 2016, sản lượng đạt 140.000 tấn, sản lượng xuất khẩu 30.000 tấn, kim ngạch 100 triệu USD… Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức không hề nhỏ.

Tăng trưởng nhanh

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, tình hình phát triển nuôi và nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trên thế giới trong vòng 10 năm lại đây có tốc độ tăng trưởng nhanh, lên tới 30 – 40%/năm. Các nước có nhu cầu tiêu thụ phải kể đến là Mỹ khi tại nước này, cá rô phi xếp thứ 8 trong danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất. Đặc biệt, tiêu thụ và nhập khẩu cá rô phi tại nhiều nước không sản xuất cá rô phi cũng tăng cao.

Thị hiếu của người tiêu dùng đang hướng đến tiêu thụ sản phẩm cá rô phi nước lợ với kích thước trung bình. Điều này sẽ kích thích các nước trong khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh phát triển loài cá tiềm năng này.

Mặt khác, cơ hội lại càng rộng mở cho phát triển cá rô phi của Việt Nam khi mà thị trường cá rô phi tại Mỹ đối với cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc co lại, nhất là khoảng chu kỳ từ tháng 11 cho đến tháng 5 hàng năm. Riêng kích cỡ cũng là một yếu tố quan trọng, bởi thông thường như tại thị trường Mỹ, cá fillet cỡ 85,05 – 141,75 g được tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị bán lẻ. Điều này có nghĩa rằng, trọng lượng cá nuôi phải đạt tối thiểu là 357,22 g/con. Còn đối với các nguyên con, 3 kích cỡ phổ biến là 340 – 454 g; 454 – 681 g; 681 – 908 g.

Nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu tiêu thụ và giá sản phẩm cá rô phi trên thế giới tiếp tục tăng trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

 

Kỳ vọng hơn

Theo thống kê, trên thế giới hiện có 80 quốc gia nuôi cá rô phi. Sản lượng cá rô phi nuôi toàn cầu năm 2014 dự báo đạt 4,5 triệu tấn. Thị trường tiêu thụ cá rô phi tại Mỹ đạt 1,1 tỷ USD năm 2013, trong đó, nhập khẩu 1,01 tỷ USD từ Trung Quốc và một số nước Nam Mỹ.

Còn tại Việt Nam, nuôi cá rô phi phát triển nhanh các 3 miền Bắc, Trung, Nam. Năm 2013, diện tích thả nuôi đạt trên 16.000 ha, chiếm 1,41% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản và chiếm 3,38% diện tích nuôi cá nước ngọt cả nước. Đến năm 2014, diện tích nuôi loài này trong ao hồ đạt gần 16.000 ha, lồng bè đạt hơn 410.000 m³, sản lượng đạt 125.000 tấn (tăng 25% so năm 2013).

Nguồn giống cá rô phi chưa đáp ứng đủ nhu cầu – Ảnh: Vũ Mưa

“Cá rô phi vằn được nuôi ở các tỉnh phía Bắc và cá rô phi hồng được nuôi tại các tỉnh phía Nam. Các cơ sở sản xuất giống chủ yếu dùng phương pháp chuyển giới tính để tạo cá đơn tính và thường nhỏ lẻ, năng lực sản xuất giống còn hạn chế” – Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền thông tin.

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam có diện tích tiềm năng cho nuôi cá rô phi nước lợ rất lớn, ước tính hơn 600.000 ha; Ngoài ra, có thể được đưa vào nuôi đơn hoặc ghép, nuôi luân canh trong nước lợ mặn với các đối tượng khác nhằm hạn chế dịch bệnh, đa dạng hóa đối tượng.

 

Bất cập còn nhiều

Một vấn đề hạn chế của ngành thủy sản nói chung và với từng đối tượng chủ lực nói riêng đó chính là giống. Bởi, hiện đàn cá rô phi bố mẹ tại các đơn vị nghiên cứu chưa đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở sản xuất giống về số lượng và chất lượng; nhiều cơ sở phải nhập đàn cá bố mẹ từ Trung Quốc hoặc Đài Loan về để sản xuất giống.

Đến ngay như Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II, các trung tâm và doanh nghiệp chỉ có được đàn cá bố mẹ từ chương trình chọn tạo thế hệ GIFT 12 – 13 cho ra đàn giống nuôi không đạt kích cỡ thương phẩm và chất lượng nên xuất khẩu rất khó. Ấy là chưa kể thế giới hiện nay đã chọn đến thế hệ GIFT 23 – 25.

Đặc biệt, các tỉnh, thành phía Nam, xuất hiện dấu hiệu thoái hóa do khoảng 70% đàn bố mẹ tự chọn từ đàn cá nuôi thương phẩm qua nhiều năm nên chất lượng con giống kém, tốc độ sinh trưởng chậm. Còn các tỉnh phía Bắc, do đặc điểm về thời tiết và mùa vụ nên đầu vụ nuôi các tỉnh cần thả giống tập trung nhưng mới chỉ cung cấp được 50%, còn lại phải nhập từ Trung Quốc, hay từ miền Nam ra.

Không chỉ giống, công nghệ nuôi cũng chưa có quy trình chuẩn, không ổn định cả về chất lượng sản phẩm cũng như sản lượng sản xuất, mang tính chất sản xuất nhỏ, chưa phát triển thành sản xuất hàng hóa, đặc biệt là sản xuất với mục tiêu xuất khẩu. Nhiều địa phương, do phát triển ao, bè nuôi nhiều trong cùng diện tích cũng như nuôi với mật độ cao làm cho nghề nuôi bị thiệt hại nhiều do dịch bệnh. Tổ chức sản xuất đối với cá rô phi cũng chưa liên kết được vùng nuôi với chế biến xuất khẩu. Chưa có chiến lược phát triển nuôi cá rô phi dài hơi.

>> “Vấn đề lớn nhất trong nuôi cá rô phi nước lợ mặn là con giống, vì sinh trưởng rô phi vằn giảm khi độ muối ao nuôi trên 5‰, cá hầu như ngừng sinh trưởng khi độ muối đạt 15‰… Theo đó,  cần giải quyết được hai vấn đề chính là chất lượng giống và tổ chức sản xuất, gắn kết nuôi tập trung với chế biến xuất khẩu” – Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền khẳng định.

Ngọc Thọ - Nguyễn Nhung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!