Chuyên đề: VietGAP cho cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Mục tiêu mà mô hình sản xuất VietGAP hướng đến là nâng cao chuỗi giá trị cho con cá tra từ “trang trại đến bàn ăn”, góp phần để con cá tra phát triển ổn định và bền vững. Song, làm thế nào để xây dựng và nhân rộng mô hình là bước đi đầy chông chênh phía trước. Chuyên đề VietGAP cho cá tra sẽ mang đến cho quý vị bạn đọc một góc nhìn tổng quan về VietGAP dưới đánh giá của các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp và người nuôi trong ngành về những thuận lợi và thách thực phía trước của VietGAP.

Bài 1: Thêm VietGAP, cá tra “được” gì?

Bài 2: Gian nan VietGAP 

Bài 3: VietGAP – Vẫn khó đầu ra

Bài 4: Nuôi cá tra VietGAP khó hay dễ? 

Bài 5: Tương đồng và thiết thực…

(Thủy sản Việt Nam) – Theo nhiều chuyên gia, “chuẩn VietGAP” chỉ có giá trị với thị trường trong nước, nên không thể thay thế tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật, EU… Trong khi đó, 90% cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường thế giới. Vậy thêm VietGAP, cá tra Việt Nam “được” gì?

1 cá tra, 9 bộ tiêu chuẩn

Hiện, nước ta có đến 9 bộ tiêu chuẩn nuôi cá tra theo hướng bền vững. Cả 9 bộ tiêu chuẩn này đều dựa trên cơ sở là tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra với 4 nội dung cơ bản là an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, sức khỏe động vật và an sinh xã hội. Mỗi tổ chức sáng lập hệ thống chứng nhận đi sâu một khía cạnh nào đó để hình thành các bộ tiêu chuẩn khác nhau, sau đó họ thực hiện những biện pháp tác động để các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng yêu cầu sản phẩm đạt được các loại chứng nhận này. Mỗi thị trường lại có yêu cầu chứng nhận khác nhau, ví dụ như người tiêu dùng châu Âu yêu cầu sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP và hiện nay đang đặc biệt quan tâm tiêu chuẩn dán nhãn ASC như các nước Hà Lan, Đức, Thụy Sỹ… Trong khi thị trường Mỹ đang áp dụng GAA. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thị trường không yêu cầu sản phẩm phải đạt được chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững nào, như Đông Âu và châu Phi.

Vấn đề này đã gây nhiều bối rối cho người nuôi cá tra Việt Nam và ngay cả cơ quan quản lý trung ương và địa phương trong việc định hướng cho người nuôi cá áp dụng tiêu chuẩn hiệu quả nhất. Nhằm giải quyết phần nào bối rối trên, Bộ NN&PTNT ban hành VietGAP cho cá tra, trong đó có đầy đủ những yêu cầu nuôi thủy sản bền vững của các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác.

Liệu VietGAP có tạo được chỗ đứng đối với người tiêu dùng và cộng đồng quốc tế hay không? – Ảnh: Duy Khương

Theo nhiều chuyên gia, chuẩn VietGAP sẽ nâng cao chuỗi giá trị cho cá tra từ trang trại đến bàn ăn; góp phần để cá tra – sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL phát triển ổn định và bền vững; giúp nông dân, doanh nghiệp tăng giá trị cho cá tra thương phẩm, đảm bảo lợi ích người nuôi cũng như nhà chế biến xuất khẩu, là cơ sở để người nuôi cá tra trong nước tiến tới thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế khác như GlobalGAP, ASC… Song, làm thế nào để xây dựng và nhân rộng mô hình, vẫn còn là bước đi chông chênh.

 

Băn khoăn về “tấm lệnh bài”

Theo Th.S Nguyễn Thị Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT), “chuẩn VietGAP” hiện chỉ mới có giá trị đối với thị trường trong nước nên không thể thay thế hoàn toàn các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật, EU… Do đó, “chuẩn VietGAP” chỉ là nền tảng cơ sở để người nuôi cá tra trong nước tiến tới thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế khác như GlobalGAP, chứng nhận ASC… Thế nên, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu cá tra đạt giá trị cao thì phải tùy từng thị trường tiêu thụ mà phản ứng cũng như tìm hiểu kỹ các rào cản kỹ thuật của họ để điều chỉnh tiêu chuẩn chất lượng cho phù hợp, theo kiểu nhập gia tùy tục, chứ không thể dựa vào mỗi “tấm lệnh bài” VietGAP.

Thực tế cho thấy, một công ty nhập khẩu tại châu Âu, họ phát triển thị trường thông qua các bên bán lẻ (siêu thị) để giới thiệu một sản phẩm được chứng nhận mới như GlobalGAP hoặc ASC. Như vậy, người mua (khách hàng) cần sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP hoặc ASC. Nghĩa là khi đó nhà nhập khẩu sẽ làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam để mua các sản phẩm GlobalGAP hoặc ASC, nó là mối quan hệ kinh tế dựa trên nhu cầu của người tiêu thụ để làm việc với người sản xuất. Điều này cho thấy, bất kỳ chứng nhận nào nếu không có “khách hàng” thì không có nhu cầu thị trường, đồng nghĩa với việc nếu một sản phẩm được chứng nhận bằng một tiêu chuẩn mà không được chấp nhận ở thị trường đó thì không có giá trị và chẳng ai quan tâm. Vậy nếu nhà nhập khẩu đã quan tâm GlobalGAP hoặc ASC thì liệu họ có quan tâm VietGAP?

Điều này phần nào cho thấy một thách thức rằng, “niềm tin” của người tiêu dùng quan trọng như thế nào đối với sự thành công của VietGAP. Và liệu VietGAP có tạo được chỗ đứng đối với người tiêu dùng và cộng đồng quốc tế hay không?

>>  Ông Tưởng Phi Lai – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài Nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD) cho biết: “Ưu điểm của VietGAP so với những tiêu chuẩn khác chính là sự đơn giản, ít tốn kém, dễ làm hơn đối với một bộ phận không nhỏ nông dân Việt Nam và có thể áp dụng được với chi phí chấp nhận được. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của VietGAP chính là yếu tố thị trường tiêu thụ. Sự thành công của VietGAP phụ thuộc nỗ lực của Tổng cục Thủy sản, VINAFIS, VASEP và các bên liên quan, gồm cả người nuôi và nhà máy chế biến, trong việc thuyết phục người tiêu dùng và cộng đồng quốc tế như thế nào”.

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!