Chuyên đề: VietGAP cho cá tra (bài 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Bài 2: Gian nan VietGAP Bài 1: Thêm VietGAP, cá tra “được” gì? Bài 2: Gian nan VietGAP  Bài 3: VietGAP – Vẫn khó đầu ra Bài 4: Nuôi cá tra VietGAP khó hay dễ?  Bài 5: Tương đồng và thiết thực… (Thủy sản Việt Nam) – Áp dụng VietGAP được coi là giải pháp […]

Bài 2: Gian nan VietGAP

Bài 1: Thêm VietGAP, cá tra “được” gì?

Bài 2: Gian nan VietGAP 

Bài 3: VietGAP – Vẫn khó đầu ra

Bài 4: Nuôi cá tra VietGAP khó hay dễ? 

Bài 5: Tương đồng và thiết thực…

(Thủy sản Việt Nam) – Áp dụng VietGAP được coi là giải pháp giúp các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam “rộng cửa” khi ra thế giới. Tuy nhiên đến nay mô hình này vẫn triển khai rất cầm chừng và hiệu quả chưa thực sự như mong muốn. VietGAP đối với cá tra càng “gian nan” hơn…

Điều kiện cần…

Xu hướng và yêu cầu chung của sản phẩm nông nghiệp trên thế giới là hướng tới sản xuất tốt, bền vững và an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh các tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu đang gây khó cho các nhà nuôi trồng, sản xuất và chế biến thủy sản trong nước thì việc xây dựng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) là rất cần thiết.

Hiện, những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra; để được các nước nhập khẩu chấp nhận, cần phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, SQF 1000, ASC… Tuy nhiên, kinh phí của các tiêu chuẩn này vẫn quá cao, như muốn có chứng nhận MSC thì người nuôi phải trả 100.000 USD ở lần đầu chứng nhận với thời hạn 1 năm và 12.000 USD những lần chứng nhận sau. Đối với GlobalGAP là 8.000 USD cho năm đầu và 2.000 USD các năm sau. Ngoài ra, các tiêu chuẩn này có rất nhiều tiêu chí phức tạp, như GlobalGAP phải đạt hơn 200 tiêu chí…

Ông Dương Tiến Thể – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho rằng, VietGAP được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn GlobalGAP và ASC nên hài hòa với Bộ quy tắc ứng xử về nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (CoC) của FAO và các tiêu chuẩn quốc tế đang được áp dụng; mặt khác, tiêu chí VietGAP đưa ra gọn nhẹ và thuận lợi hơn nhiều và kinh phí chắc chắn thấp hơn các tiêu chuẩn quốc tế khác.

VietGAP tương đương 80% GlobalGAP nhưng vẫn chưa được quốc tế công nhận – Ảnh: Huy Hùng

 

… nhưng chưa đủ

Hiện, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đang bị rối vì đụng đâu khó đó. Khâu tiêu thụ (đầu ra) vẫn nan giải nhất. Việc tiêu thụ sản phẩm áp dụng GAP đang còn bấp bênh, giá bán ở nhiều nơi không cao hơn sản phẩm khác. Trong khi đó, sản xuất theo tiêu chuẩn này đòi hỏi tuân thủ quy trình khá khắt khe và cả tốn kém khoản phí cấp chứng nhận.

Theo TS Nguyễn Văn Sanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, việc áp dụng GAP trong nông nghiệp là đòi hỏi tất yếu để đi đến một nền sản xuất hàng hóa lớn và xây dựng thương hiệu, nhằm gia tăng giá trị lợi nhuận cho nông sản Việt Nam. Vấn đề chính là giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm.

 Hiện, các tiêu chuẩn chứng nhận tự nguyện như BAP, GlobalGAP, ASC đã và đang tạo được uy tín đối với các nhà nhập khẩu và liên tục “áp sát” nông dân và doanh nhiệp, nên ít nhiều cũng khiến người nuôi thủy sản “bối rối” áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Hơn nữa, mặc dù tiêu chuẩn VietGAP tương đương 80% so với GlobalGAP, nhưng vẫn chưa được quốc tế công nhận. Trong khi đó, đối tượng áp dụng của VietGAP chủ yếu là các loại thủy sản nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Áp dụng VietGAP còn đụng khó khăn nữa là cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản yếu kém. Hiện, ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam chủ yếu tồn tại dưới dạng nông hộ nên hệ thống thủy lợi, ao chứa, ao lắng chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, áp dụng VietGAP tức là nuôi trồng theo chuỗi, đòi hỏi con giống, thức ăn và quy trình nuôi đều phải được cấp chứng nhận. Do đó, nếu áp dụng đồng loạt tiêu chuẩn VietGAP, số lượng cơ sở đủ tiêu chuẩn chứng nhận này chưa nhiều.

 

Cá tra gặp khó

>>  Theo bà Trần Hoàng Yến, Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, vấn đề cốt lõi là thị trường nước ngoài công nhận bộ tiêu chí này cũng như các cơ quan chứng nhận thì mới có thể thúc đẩy người nuôi trồng, sản xuất trong nước dùng chứng nhận này.

Theo quy hoạch thì cá tra là một trong 3 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam phải áp dụng VietGAP. Điều này đang gây khó cho cá tra, vì thực tế các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc mở rộng sang các thị trường mới, do VietGAP chưa được thế giới công nhận. 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT): Chuẩn VietGAP hiện chỉ mới có giá trị đối với thị trường trong nước, nên không thể thay thế hoàn toàn các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nhập khẩu lớn. Do đó, chỉ có thể là nền tảng cơ sở để người nuôi cá tra trong nước tiến tới thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế khác như GlobalGAP, ASC…

Bên cạnh đó, nếu chiếu theo các tiêu chí trong VietGAP thì việc áp dụng này hoàn toàn nằm trong tầm tay của các doanh nghiệp, còn đối với nông dân lại là một trở lực lớn, vì họ không đủ vốn để cải tạo hệ thống ao nuôi theo tiêu chuẩn này, dẫn đến tình trạng phát triển sản xuất cá tra theo chuẩn VietGAP trong nông dân còn rất bấp bênh và chưa được nhiều người hưởng ứng.

Do vậy, để VietGAP có thể triển khai được, Nhà nước cần hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP để các địa phương áp dụng rộng rãi quy mô này.

>>  Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính sách hỗ trợ áp dụng VietGAP. Theo đó, ngân sách Nhà nước đầu tư 100% kinh phí điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện dự án. Bộ NN&PTNT xác định, đến năm 2015 ít nhất phải có 30% hộ nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP và sẽ tăng tỷ lệ này lên hơn 80% trong năm 2020.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!