Chuyên đề: VietGAP cho cá tra (bài 4)

Chưa có đánh giá về bài viết

Bài 4: Nuôi cá tra VietGAP khó hay dễ?  Bài 1: Thêm VietGAP, cá tra “được” gì? Bài 2: Gian nan VietGAP  Bài 3: VietGAP – Vẫn khó đầu ra Bài 4: Nuôi cá tra VietGAP khó hay dễ?  Bài 5: Tương đồng và thiết thực… (Thủy sản Việt Nam) – Đang có nhiều ý […]

Bài 4: Nuôi cá tra VietGAP khó hay dễ? 

Bài 1: Thêm VietGAP, cá tra “được” gì?

Bài 2: Gian nan VietGAP 

Bài 3: VietGAP – Vẫn khó đầu ra

Bài 4: Nuôi cá tra VietGAP khó hay dễ? 

Bài 5: Tương đồng và thiết thực…


(Thủy sản Việt Nam) – Đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc phát triển cá tra theo VietGAP giữa các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp và người nuôi.

Doanh nghiệp có khả năng áp dụng chuẩn VietGAP nhưng đây lại là trở lực đối với nông dân – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ông Trần Thanh Hải – Chi cục trưởng chi cục Thủy sản Cần Thơ: VietGAP là trở lực đối với nông dân

Sản xuất sạch, an toàn là xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Áp dụng trong quy trình nuôi cá tra theo VietGAP cũng là hướng đi tất yếu. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm cá tra có giá trị cao thì phải tùy từng thị trường tiêu thụ mà phản ứng cũng như tìm hiểu kỹ rào cản kỹ thuật của họ để điều chỉnh tiêu chuẩn chất lượng cho phù hợp.

 Tuy nhiên, cái khó đối với doanh nghiệp hiện nay là giá cả đầu ra chứ không phải các yêu cầu kỹ thuật bằng tiêu chuẩn khác. Doanh nghiệp có thừa khả năng áp dụng “chuẩn VietGAP” trong nuôi trồng, chế biến cá tra, thì đây lại là trở lực đối với nông dân, bởi việc chuyển đổi từ nuôi cá đơn thuần sang nuôi theo “chuẩn VietGAP” không dễ, do cơ sở vật chất (ao nuôi, hầm xử lý nước thải, tập quán sản xuất…) của người dân đã xây dựng từ nhiều năm trước, nên khi xây dựng lại theo chuẩn VietGAP sẽ tốn kém nhiều, do đó chưa được nhiều người hưởng ứng.

 

Bà Phạm Thị Hòa – Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang: Tốn tiền nhưng nhiều cái lợi

Bộ tiêu chuẩn VietGAP xây dựng cho cá tra dựa trên 4 tiêu chí chính là đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Do đó, sự ra đời của VietGAP là bước cần thiết đưa nghề nuôi trồng thủy sản nước ta vào khuôn khổ, đồng thời từng bước thay thế những tiêu chuẩn quốc tế mà nhiều doanh nghiệp, nhóm hộ nuôi trồng thủy sản trong cả nước đang áp dụng như SQF, GlobalGAP, MSC, ASC… nhằm tiến tới thống nhất theo một quy chuẩn chung.

Muốn đạt chứng nhận MSC của Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế thì phải trả 100.000 USD cho lần chứng nhận đầu với thời hạn 1 năm và 12.000 USD/năm trong những lần chứng nhận sau; hoặc trên 15.000 USD cho việc đạt được chứng nhận GlobalGAP lần đầu và gần 5.000 USD cho mỗi năm tái chứng nhận. Trong khi đó, tuy hiện nay chưa có quy định cụ thể về mức phí cấp chứng nhận VietGAP đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản nhưng chắc chắn mức phí áp dụng sẽ thấp hơn nhiều so với các loại chứng nhận khác. Hơn nữa, những cơ sở đăng ký áp dụng quy chuẩn VietGAP thời gian đầu sẽ được Nhà nước cấp chứng nhận miễn phí.

Lợi ích khác mà người nuôi trồng thủy sản sẽ được thụ hưởng trực tiếp đó là các sản phẩm có nguồn gốc từ vùng nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP sẽ có giá trị cao hơn so với các sản phẩm thông thường và đương nhiên cơ hội xâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, EU… cũng lớn hơn.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hải -Nông dân nuôi cá tra ở Cần Thơ: Nông dân chưa mặn mà

Chưa năm nào người nuôi cá tra khốn khó như năm nay. Cứ mở mắt ra là phải lo tiền lãi ngân hàng, tiền thức ăn, nhân công. Cái gì cũng tăng, chỉ có giá cá là giảm. Mặc dù nhiều lần chúng tôi muốn chuyển sang nuôi cá cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP, chấp nhận giá đầu vào cao hơn 20 – 25% so với các phương pháp truyền thống. Suy cho cùng một số hộ có áp dụng ở An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… đã mạnh dạn thực hiện các dự án thí điểm áp dụng và chứng nhận tiêu chuẩn SQF 1000CM hoặc VietGAP cho vùng nuôi cá tra với diện tích hàng chục hecta, chi phí bỏ ra hàng tỷ đồng, nhưng đều không đem lại kết quả, vì hệ thống chứng nhận này chưa được các thị trường chấp nhận rộng rãi và giá bán chẳng khác gì so với cá nuôi bình thường.

 

 

Ông Trần Văn Hậu – Giám đốc điều hành Cty TNHH Hùng Cá: Doanh nghiệp chấp hành tốt VietGAP

Hùng Cá đang có khoảng 100 ha sản xuất cá tra theo chuẩn VietGAP tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông và TP Cao Lãnh. Nếu tính về chi phí sản xuất thì việc áp dụng “chuẩn VietGAP” không cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thì việc trước mắt là phải đảm bảo sản xuất sạch, an toàn. Đây là xu thế tất yếu của ngành cá tra khi vươn ra thế giới. Ngoài áp dụng quy trình nuôi theo VietGAP, Công ty còn phải đạt thêm nhiều chứng nhận khác như GlobalGAP, SQF, MSC, ASC… để đáp ứng thị trường xuất khẩu,  nâng cao giá bán và được chấp nhận làm ăn lâu dài. Theo đó, việc thực hiện “chuẩn VietGAP” là điều cần thiết khi tham gia “sân chơi” xuất khẩu cá tra, để từ đó dần thay đổi tập quán sản xuất, suy nghĩ của nông dân cũng như doanh nghiệp về sản xuất bền vững.

Lê Hoàng Vũ - Yến Ly

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!