Chuyên đề: VietGAP cho cá tra (bài 5)

Chưa có đánh giá về bài viết

Bài 5: Tương đồng và thiết thực… Bài 1: Thêm VietGAP, cá tra “được” gì? Bài 2: Gian nan VietGAP  Bài 3: VietGAP – Vẫn khó đầu ra Bài 4: Nuôi cá tra VietGAP khó hay dễ?  Bài 5: Tương đồng và thiết thực… (Thủy sản Việt  Nam) – Hướng đến sản xuất sạch hơn, […]

Bài 5: Tương đồng và thiết thực…

Bài 1: Thêm VietGAP, cá tra “được” gì?

Bài 2: Gian nan VietGAP 

Bài 3: VietGAP – Vẫn khó đầu ra

Bài 4: Nuôi cá tra VietGAP khó hay dễ? 

Bài 5: Tương đồng và thiết thực…

(Thủy sản Việt  Nam) – Hướng đến sản xuất sạch hơn, phát triển thủy sản bền vững, người nuôi cá tra ĐBSCL đã áp dụng các tiêu chuẩn SQF – 1000, BAP, AquaGAP, GlobalGAP, ASC và nay thêm VietGAP. Thử bàn thêm về tính tương đồng và thiết thực của “tấm lệnh bài” này.

Thực trạng

Công ty CP Thủy sản Cafatex, Hậu Giang có 15 ha/150 ha nuôi cá tra được cấp chứng nhận GlobalGAP, ASC. Theo ông Lê Văn Công, Giám đốc kỹ thuật của Công ty, chi phí để được cấp chứng nhận hiện nay khá tốn kém, để chứng nhận cho vùng nuôi 5 – 7 ha mất 7.000 – 8.000 USD.

 Bà Nguyễn Thị Kiều Trinh, đang thả nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP 3,5 ha tại Cồn Khương, TP Cần Thơ nói, để thực hiện VietGAP không dễ, chỉ những hộ có kinh nghiệm và vùng nuôi đã được được đầu tư cơ sở vật chất tốt, khi chuyển sang thực hiện mới thuận lợi. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết, diện tích nuôi cá tra của xã viên lên đến 50 ha, nhưng chưa đăng ký thực hiện chứng chỉ nào.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ở ĐBSCL (gần 2.000 ha) đã có chứng nhận GlobalGAP trên 350 ha, còn VietGAP đang thực hiện mô hình mẫu khoảng 3 ha. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, người nuôi cá tra đang phải chịu áp lực với nhiều tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, AquaGAP, ASC… nên quy phạm thực hành VietGAP khó triển khai.

Ao nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP ở Cồn Khương, Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ có diện tích nuôi cá tra đứng thứ hai ĐBSCL, đến nay có 289 ha được cấp chứng nhận SQF 1000, BMP, GlobalGAP; trong đó GlobalGAP chiếm ưu thế (204 ha), còn VietGAP chưa được áp dụng rộng rãi. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ Trần Thanh Hải cho rằng, trở ngại lớn nhất là VietGAP là chưa có thang điểm đánh giá cấp chứng nhận. Đặc biệt tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa có thị trường tiêu thụ, các nhà nhập khẩu cá tra của Việt Nam lại cần đến các chứng nhận khác.

 

Băn khoăn

Tại hội thảo giới thiệu hệ thống các chứng nhận trong nuôi trồng thủy sản, tổ chức tại Cần Thơ ngày 10/8/2012, thống nhất VietGAP và các chứng nhận đều hướng đến tăng cường quản lý để phát triển bền vững, nhưng cũng đặt ra các câu hỏi: Đã cần thiết cho các vùng nuôi? Có là rào cản cho việc nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam?

Ông Ngô Tiến Chương – Điều phối chương trình thủy sản WWF-Việt Nam cho biết, cơ chế hỗ trợ từ WWF, với chương trình hỗ trợ ASC cho các doanh nghiệp, dựa trên thỏa thuận hợp tác 4 bên: Tổng cục Thủy sản, VINAFIS, VASEP, và WWF-Việt Nam. Mục tiêu là cải thiện hoạt động sản xuất cá tra theo hướng bền vững, đưa ngành sản xuất cá tra trở thành có trách nhiệm trên thế giới, thông qua việc áp dụng cơ chế chứng nhận. WWF-Việt Nam sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng ASC lên đến 50% chi phí gồm phân tích lỗ hổng, xây dựng kế hoạch và hỗ trợ nâng cao năng lực…

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Tiểu ban Phát triển bền vững của Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, tiêu chuẩn VietGAP và các loại chứng nhận không nên quá đặt nặng yếu tố sản phẩm sẽ bán được giá cao hơn, vì giá phụ thuộc thị trường và thời điểm. Sự cần thiết ở đây là phải thấy được tiêu chuẩn VietGAP sẽ giảm chi phí đầu tư, ít bệnh dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, một nông dân nuôi cá tra tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho rằng, lúc này bàn đến thực hiện VietGAP thì chưa thiết thực.

 

Kiến nghị

TS Nguyễn Minh Niên (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) cho rằng, thực tế có nhiều trái cây đã làm VietGAP vẫn bán không được, hoặc bán giá không cao, do phân phối lưu thông kém và chưa có chính sách về rủi ro. Nay làm VietGAP phải có lộ trình, không nên kéo dài thời gian, tránh việc làm xong thế giới họ cho ra các tiêu chuẩn khác, chúng ta sẽ lạc hậu. 

 Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Kiên Giang đề xuất, cần có chính sách khuyến khích đi kèm giải pháp tài chính, sản phẩm làm theo VietGAP phải được chia sẻ trong chuỗi giá trị tăng thêm.

Ông Như Văn Cẩn, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết, VietGAP là một nhu cầu xuất phát từ sự phát triển bền vững. Giai đoạn đầu làm thí điểm và khuyến khích áp dụng, sau đó có quy chế bắt buộc thực hiện. Thủy sản hiện nay muốn bán được phải có thương hiệu, đáp ứng quyền lợi người tiêu dùng. Về cơ chế phòng ngừa rủi ro, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ thông qua cơ chế bảo hiểm nuôi trồng.

>> Theo ông Như Văn Cẩn, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, để phát triển ứng dụng VietGAP, phải làm sao cho tiêu chuẩn VietGAP tương đồng các tiêu chuẩn quốc tế và khi cần có thể chuyển từ VietGAP sang các tiêu chuẩn khác dễ dàng. Khi đã có VietGAP thì người nuôi và doanh nghiệp không phải chạy theo các loại chứng nhận khác. Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho cá tra, nếu được chứng nhận miễn phí thì dễ nhân rộng hơn .

Trường Ca

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!