Cơ hội mở cho thủy sản Việt Nam vào Hoa Kỳ

Chưa có đánh giá về bài viết

Liên tiếp trong tuần qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ về thuế chống bán phá giá cá tra và tôm của Việt Nam theo hướng giảm mạnh. Đây sẽ là cơ hội để các DN thủy sản đẩy mạnh XK 2 mặt chủ lực vào Hoa Kỳ.


Nhiều DN chế biến tôm đang sẵn sàng đưa hàng sang Mỹ. Ảnh: T.H.

Giảm thuế chống bán phá giá

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận sơ bộ về thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14), giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017 với mức thuế giảm mạnh so với kết quả cuối cùng của kỳ POR 13. Cụ thể, mức thuế sơ bộ đối với hai bị đơn bắt buộc là 0 và 1,37 USD/kg. Trong khi đó, mức thuế cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg và mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của kỳ POR 13 được công bố trước đó. Cụ thể, mức thuế cuối cùng cao nhất của kỳ POR 13 lên đến 7,74 USD/kg. Còn mức thuế chung của kỳ POR 13 là 3,78 USD/kg. Được biết, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 4 tháng tính từ ngày ra kết luận sơ bộ, tức kết luận cuối cùng của kỳ POR 14 sẽ được DOC công bố trong tháng 1/2019.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra trong 8 tháng năm 2018 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đạt trên 255 triệu USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra dự báo sẽ vượt 2 tỷ USD.

Không chỉ với cá tra, cơ hội cũng mở ra đối với tôm Việt Nam XK vào Hoa Kỳ. Ngày 10/9/2018, DOC đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017), với mức thuế thấp hơn nhiều so với kết quả sơ bộ. Theo đó, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) – bị đơn bắt buộc duy nhất của đợt xem xét hành chính lần này có mức thuế là 4,58% – mức thuế áp dụng cho hơn 30 doanh nghiệp tôm Việt Nam còn lại là bị đơn của vụ kiện. Như vậy, mức thuế cuối cùng 4,58% đã thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà DOC Hoa Kỳ thông báo ngày 8/3/2018. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11.

Năm 2017, trong khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh với giá XK tăng cao hơn so với những năm trước, XK sang thị trường Mỹ đã giảm 7% còn 659 triệu USD do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá. Việc áp thuế trên đã ảnh hưởng đến XK tôm của Việt Nam. Thị trường Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu, trở thành thị trường đứng thứ 4 trong các thị trường NK tôm từ Việt Nam. XK tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ 8 tháng đầu năm 2018 tiếp tục giảm 10,5% xuống còn khoảng 372 triệu USD. Với kết quả cuối cùng POR12 thấp hơn so với kết quả sơ bộ và kết quả POR11, XK tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ trong những tháng tới dự kiến sẽ hồi phục, đưa kết quả XK tôm cả năm 2018 sang thị trường này lên khoảng 615 triệu USD, giảm nhẹ 6,5% so với năm 2017.

Cơ hội cho thủy sản vào Hoa Kỳ

Theo VASEP, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung được cho là sẽ có tác động trực tiếp đến các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thủy sản Việt Nam trong đó có mặt hàng chủ lực tôm cũng sẽ chịu những tác động nhất định. Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với các sản phẩm tôm của Trung Quốc với các mã HS 03061700, 16052105, 16052110, 16052905, 16052910. Đây cũng là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ, nhà NK Mỹ sẽ chọn tôm Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Những sản phẩm này có khả năng cạnh tranh về giá và thuế suất với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Nên đây có thể được coi là lợi thế cho Việt Nam tăng XK những mặt hàng này sang Mỹ. Hơn nữa, tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà NK Mỹ sẽ chọn tôm Việt Nam là nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, VASEP cho biết, do phải chịu thuế cao khi XK sang Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ giảm NK tôm nguyên liệu để chế biến và tái XK. Điều này có thể ảnh hưởng tới XK tôm nguyên liệu Việt Nam sang Trung Quốc. Trong khi, NK tôm nguyên liệu tươi, sống, đông lạnh chiếm tới 94% tổng XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc năm 2017.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi XK sang cả hai thị trường này. Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ tôm từ Việt Nam. VASEP cho rằng, cũng có khả năng DN tôm Trung Quốc sẽ “mượn” đường Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất khẩu đi Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam khẳng định vị trí của mình, nâng cao chất lượng và minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm để có thể giành được thị phần từ Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Hiện các DN thủy sản đang có nhiều cơ hội XK thủy sản vào Mỹ khi tăng số lượng trại nuôi, nhà máy được chứng nhận các biện pháp thực hành nuôi tốt, an toàn thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, xã hội. Tăng số lượng nhà máy được nâng cấp dây chuyền chế biến đáp ứng tiêu chuẩn bán lẻ của châu Âu. Đầu tư lớn vào các trại nuôi tôm siêu thâm canh được đảm bảo và kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, các DN cũng lưu ý các thách thức, khi nhà  chức trách EU kiểm soát chặt chẽ kháng sinh. Cùng với đó, chi phí sản xuất tăng liên tục, không tỷ lệ thuận với giá tôm XK.

Lê Thu

Báo Hải Quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!