Cơ hội tăng trưởng từ các hiệp định thương mại

Chưa có đánh giá về bài viết

Cùng với việc phát huy thế mạnh nội lực, ngành thủy sản cũng đang tận dụng những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các đối tác để tăng trưởng; đặc biệt là với những sản phẩm chủ lực.


Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam hiện vẫn bị coi là chưa xứng với tiềm năng

Cơ hội lớn

Theo Bộ Công thương, tính đến năm 2018, Việt Nam đã đàm phán 16 FTA, trong đó có 10 hiệp định đang thực thi, tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản có cơ hội tiếp cận và thâm nhập tốt hơn. Những FTA này đặt Việt Nam trước một sân chơi kinh tế mới với những thay đổi mang tính chiến lược. Trong đó, ngành thủy sản năm 2019 hứa hẹn sẽ có những bùng nổ mới khi nhiều FTA giữa Việt Nam với các nước chính thức có hiệu lực hay hoàn tất lộ trình.

Theo các chuyên gia, thuận lợi nhìn thấy trước tiên là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Cụ thể, ngay khi có hiệu lực, Australia, Canada, Chilê, New Zealand xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu với tất cả sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Còn tại Mexico, một số sản phẩm thủy sản xuất sang thị trường này cũng sẽ về 0%, trừ các mặt hàng như cá hồi, cá rô phi, cá thu, tôm… được giảm thuế theo lộ trình 5 – 10 năm.

Sau CPTPP, phải kể đến là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Theo đó, cuối tháng 10/2018, Ủy ban châu Âu trình lên Hội đồng châu Âu để chấp thuận ký chính thức EVFTA và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019. Nếu Hiệp định này có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%, 50% còn lại sẽ được xóa bỏ trong 3 – 7 năm tiếp theo. Tuy nhiên, mặt hàng cá ngừ đóng hộp và surimi, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Tại thị trường Nhật Bản, phần lớn sản phẩm chế biến đang chịu thuế cơ bản từ 4,8 – 10,5%, nhưng khi CPTPP có hiệu lực, thuế được giảm về 0%, trừ một số mặt hàng có lộ trình dài hơn… Cùng đó, năm 2019, Nhật Bản hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế về 0% đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam (với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản), 100%, thủy sản vào Nhật Bản sẽ được miễn thuế. Đây là những lợi thế rất lớn để sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất hiện nhiều hơn nữa tại thị trường khó tính này.

Tôm và cá ngừ chiếm thế thượng phong

Theo các chuyên gia, lợi thế từ các hiệp định còn được nhìn thấy nhiều hơn nữa. Cụ thể nhất là với cá ngừ. Mặt hàng này hiện vẫn thuộc về hai “ông lớn” là Thái Lan, Trung Quốc khi họ nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn, tuy vậy, mọi việc sẽ thay đổi khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực, bởi cả hai quốc gia này đều chưa ký hiệp định thương mại tự do với EU và không phải là thành viên của CPTPP, nên chắc chắn cá ngừ của Việt Nam sẽ có lợi thế tuyệt đối về thuế trên hai khu vực thị trường lớn là EU và CPTPP.

Với con tôm, hiện tôm Việt Nam chiếm 14% thị phần (sau Ấn Độ với 15%), khi EVFTA và CPTPP có hiệu lực, thuế với con tôm và sản phầm tôm Việt Nam sẽ được cắt giảm, tạo ra lợi thế cực lớn để mở rộng thị trường, chiếm lĩnh thêm nhiều thị phần. Cùng đó, tạo sự cạnh tranh lớn về giá với tôm Ấn Độ, nhất là khi Ấn Độ không phải thành viên CPTPP và quá trình đàm phán FTA giữa Ấn Độ và EU cũng đang bị tạm ngưng.

Đây là một lợi thế lớn để cá ngừ và tôm Việt Nam “bùng nổ”. Vậy nhưng, đó chỉ là lý thuyết, bởi thực tế cạnh tranh lại rất khác khi nó phụ thuộc lớn và chất lượng sản phẩm. Với con tôm có thể dễ dàng hơn khi chất lượng mặt hàng này ngày càng được cải thiện, vấn đề khó chỉ còn là giá thành sản xuất cao. Áp chế được điều này thì sức bật của tôm sẽ mạnh hơn. Thế nhưng, với cá ngừ lại khác. Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam hiện vẫn bị coi là chưa xứng với tiềm năng, bởi sản lượng khai thác lớn, nhưng giá trị thu về lại không cao, nguyên nhân xuất phát từ chất lượng sản phẩm, bởi vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Đây cũng là bài toán khó cho ngành thủy sản và các doanh nghiệp chế biến mặt hàng này khi đầu mối là từ ngư dân.

Tuân thủ nguyên tắc

Miễn giảm hay cắt giảm thuế là một chuyện, nhưng để có thể “thuận buồm xuôi gió” các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần phải làm rất nhiều việc.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh những lợi thế, EVFTA và CPTPP cũng đem đến một số thách thức nhất định. Để được hưởng các ưu đãi về thuế quan, các doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ quy tắc xuất xứ kèm theo trong mỗi FTA. Điển hình, EVFTA chỉ chấp nhận hàng hóa có xuất xứ thuần túy từ các nước thành viên hoặc các nước đã ký FTA với EU. Trong khi, CPTPP có phần linh hoạt hơn khi chấp nhận xuất xứ cộng gộp có tổng giá trị khu vực từ 40% trở lên.

Theo TS Nguyễn Trí Thành, nguyên Viện trưởng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, CPTPP tạo ra một không gian thương mại, đầu tư, dịch vụ cao. Các rào chắn đối với thương mại, đầu tư, dịch vụ được gỡ bỏ gần như hoàn toàn; tuy vậy, CPTPP không chỉ là một FTA thông thường, mà mang những đòi hỏi, tiêu chuẩn chất lượng cao. Tham gia vào các FTA, doanh nghiệp phải chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng và cạnh tranh. Bước đầu, điều này có thể gây những khó khăn nhất định, thế nhưng về lâu dài sẽ rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam.

Mặt khác, để tận dụng những lợi thế của Hiệp định CPTPP, cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, xây dựng chiến lược bài bản. Tiếp tục đổi mới, tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực…

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, cơ hội trong CPTPP là rõ ràng nhưng thách thức cũng tồn tại, đó là khả năng cạnh tranh. Việt Nam cần phải tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nếu muốn thụ hưởng thuận lợi, cơ hội mở ra của CPTPP cũng như EVFTA. Nếu chúng ta tận dụng được thì mới có các lợi thế.

Box: Theo TS Nguyễn Trí Thành, nguyên Viện trưởng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, tham gia vào các FTA, doanh nghiệp phải chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng và cạnh tranh. Bước đầu, điều này có thể gây những khó khăn nhất định, thế nhưng về lâu dài sẽ rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!