T2, 06/07/2020 12:11

Có một Châu Sơn đau đáu giữ nghề

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một trong 6 thương hiệu nổi tiếng nhất xứ sở nước mắm Nha Trang được ghi nhận bởi Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, Nước mắm Châu Sơn tuy không lớn về sản lượng nhưng lại nức tiếng gần xa với chất lượng sản phẩm, hương vị đậm đà (Bởi sản phẩm được chế biến theo phương pháp cổ truyền trăm năm truyền lại). Thế mới biết, sau bao năm đau đáu giữ nghề, công của Giám đốc Nguyễn Hoài Sơn không hề nhỏ.

Tình yêu nghề cháy bỏng

Cuối năm 1974, rời quân ngũ vì thương tật, Nguyễn Hoài Sơn được chuyển ngành về Bộ Nông nghiệp và đi học. Năm 1979 ra trường, ông được phân công về Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa công tác. Năm 1992, ông xin nghỉ hưu sớm do mất sức theo Nghị định 176/CP. Cơ duyên với nghề sản xuất nước mắm bén với ông từ đây. Thiết tha với nghề, mê đắm cùng nghề, trải bao gian nan vất vả, Nước mắm Châu Sơn do ông làm Giám đốc đã dần khẳng định chỗ đứng trên thương trường, thương hiệu Nước mắm Châu Sơn được khách hàng gần xa biết đến như là một trong các “sứ giả” đến từ xứ sở nước mắm cổ truyền trầm hương Nha Trang.

Giám đốc DNTN Châu Sơn trên xứ sở nước mắm Nha Trang

Giám đốc DNTN Châu Sơn trên xứ sở nước mắm Nha Trang

Khu phố Bình Tân, TP. Nha Trang, Khánh Hòa là nơi có hàng trăm hộ gia đình đang sinh sống bằng nghề sản xuất – kinh doanh nước mắm lâu đời, theo phương thức cha truyền con nối. Sở dĩ nước mắm Nha Trang có hương vị thơm, ngon đặc biệt là do có bí quyết làm nước mắm tích lũy hàng trăm năm, được kết hợp hài hòa với sự chắt lọc tinh túy của con cá cơm – nguồn nguyên liệu chất lượng cao có nhiều trên vùng biển Nha Trang. Thương hiệu nước mắm Châu Sơn đã kết tinh, định hình rồi lặng lẽ lan xa giữa trời biển Khánh Hòa bao la, mặn mòi hương cá… Từ những hành động cụ thể, những hiệu quả trông thấy, hiện, ông đang giữ một trọng trách hết sức quan trọng: Phó Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Nha Trang.

>> Bảo tồn thương hiệu truyền thống và bảo chứng

– Giải Vàng chất lượng An toàn thực phẩm 2006 – VFS do Mạng truyền thông điện tử bình chọn.

– Cup Vàng Thương hiệu Việt Uy tín Chất lượng 2007 – Mạng thương hiệu Việt lần thứ 3 bình chọn.

– Huy chương Vàng Thực phẩm Chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng – Best Food 2008.

– Cup Bông sen Vàng 2009 – Thương hiệu mạnh và Phát triển bền vững do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam bình chọn.

– Top 100 “Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam” năm 2009 – 2011 – 2014. 

– Bằng khen năm 2014, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam trao tặng.

– Top 100 – Vinasats 2013 “Sản phẩm thực phẩm do người tiêu dùng bình chọn” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát.

– Giải thưởng Doanh nhân – Doanh nghiệp xuất sắc ASEAN 2014.

Dẫn chúng tôi về thăm cơ sở, ngoằn nghoèo qua vô số ngõ ngách của con đường làng nghề ven sông Cửa Bé, không khí trầm mình đậm đặc hương nước mắm, ngằn ngặt mùi cá như bết vào tóc tai quần áo mới phần nào thấu hiểu tấm lòng đau đáu yêu nghề của chủ thương hiệu Nước mắm Nha Trang Châu Sơn. Dáng người đậm chắc, làn da ngăm ngăm sương gió và dấu vết thời gian như hằn in trên gương mặt thâm trầm của ông. Mới tiếp xúc với Nguyễn Hoài Sơn, điều dễ khiến chúng tôi nghĩ rằng ông ít nói, khó gần nhưng khi dợm hỏi sang chủ đề nước mắm thì ông trở nên hồ hởi, phấn khởi tâm sự cả ngày như không biết chán. Càng nói, ông càng đam mê và tâm huyết. Từ mảnh đất và sản nghiệp thừa kế, ông luôn khắc khoải trong tâm một khao khát cháy bỏng việc gìn giữ hương vị mắm cổ truyền sao cho tốt nhất, làm ra được nước mắm ngon nhất… và nhân rộng, quảng bá cho dòng nước mắm cổ truyền Nha Trang ngày một lan tỏa  để bà con xa gần biết đến và thưởng thức. “Trước kia chưa có các nhãn hiệu mắm như: Chinsu, Nam Ngư…, lượng mắm Châu Sơn sản xuất ra còn không đủ bán. Nhưng với thời buổi khó khăn, việc cạnh tranh từ những thương hiệu lớn và sản xuất theo kiểu công nghiệp khiến những doanh nghiệp sản xuất mắm truyền thống nổi tiếng của Nha Trang gặp khó khăn rất lớn. Thường người tiêu dùng ít phân biệt được sự khác nhau giữa nước chấm công nghiệp (NCCN) và nước mắm cổ truyền (NMCT). NCCN thường có độ đạm thấp, thậm chỉ có loại chỉ đạt 2,7 độ đạm.  Độ đạm < 10 thì không được gọi là nước mắm (Theo Quy định của TCVN 5107:2003) nên nhà sản xuất đã đưa các chất điều vị và hóa chất đi kèm khiến người ăn thấy ngon, đánh lừa vị giác nhưng chất lượng và giá trị dinh dưỡng như mắm cổ truyền thì không bao giờ có được. Bởi, NMCT ít nhất cũng phải mất 8 tháng trời đằng đẵng mưa nắng kéo rút sớm khuya mới cho ra thành phẩm. Chỉ có cá và muối, không hề có hóa chất, ông Sơn trầm ngâm chia sẻ.

 

Mắm truyền thống liệu giữ được bao lâu?

Thiên nhiên ban tặng cho Nha Trang nguồn cá cơm tuyệt hảo, hột muối Hòn Khói mặn mòi nắng gió… Nghề sản xuất nước mắm truyền thống được đúc rút qua hàng trăm năm do cha ông để lại là một tài sản quý giá. Có người nói vui: “Chưa cảm nhận nước mắm nhỉ cá cơm Nha Trang. Coi như bạn chưa trọn vẹn đến với Nha Trang”.

“Vì mắm truyền thống cho ra sản phẩm sau thời gian dài (ít nhất là 8 tháng) nên tỷ lệ quay vòng vốn chậm, rủi ro lớn, lãi không cao. Cá cơm, nguồn nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, cạnh tranh trên thương trường ngày một khốc liệt, nhất là giữa dòng NMCT và NCCN… Vì vậy, các cơ sở nhỏ lẻ không đủ sức cạnh tranh phải tự đóng cửa hoặc bán cơ sở lại cho người khác”, ông Sơn cho biết thêm.

Thương hiệu nước mắm Châu Sơn ngày càng lan xa

Thương hiệu nước mắm Châu Sơn ngày càng lan xa

“Nhưng, như bạn thấy đấy. Với Châu Sơn, dù thị trường có cạnh tranh khốc liệt như thế nào, khó khăn cho Doanh nghiệp ra sao thì tôi vẫn bám trụ với nghề, với di sản mà ông cha để lại. Hiện, Châu Sơn đang hoạt động theo hai hình thức: sản xuất mắm, đóng chai thương hiệu Châu Sơn rồi xuất bán cho bà con và gia công cho thương hiệu mạnh. Những năm trước, tôi cung cấp cho Tập đoàn Masan cả triệu lít một năm. Nhưng giờ, ngoài sản phẩm thương hiệu riêng, Châu Sơn chỉ gia công cho Công ty 584 Nha Trang, mỗi năm khoảng 300 – 400 nghìn lít. Tổng sản lượng hàng năm của Doanh nghiệp khoảng 500 nghìn lít, cho doanh số xấp xỉ 3 tỷ đồng/năm.”

Chúng tôi nhìn ông. Nhìn vẻ khắc khổ của vị giám đốc chuyên ngành nước mắm tài năng mà thấy lửa nhiệt huyết vẫn chưa vơi trong đáy mắt. Trong “cuộc chiến” cạnh tranh không cân sức và có phần thiếu công bằng giữa sản phẩm nước mắm truyền thống và các “đại gia” trong ngành công nghiệp nước chấm, tâm và sức của những người chủ cơ sở nước mắm truyền thống như Nguyễn Hoài Sơn càng trở nên quý hiếm. Vốn thiếu, sức cạnh tranh không lớn, trong khi đó, quy chuẩn cho sản phẩm chấm công nghiệp cụ thể ra sao để mắm truyền thống có được sự cạnh tranh công bằng vẫn còn là câu hỏi ngổn ngang chưa có lời đáp. Những mong họ không nản lòng…

>> Cần một sự cạnh tranh lành mạnh

Các hãng nước mắm công nghiệp thu lợi nhiều từ sản phẩm của đơn vị sản xuất mắm truyền thống, sau khi pha loãng, đóng chai, phân phối, quảng bá thương hiệu. Sản phẩm bán ra với số lượng lớn, thu lợi cao nhưng đồng nghĩa với việc nước mắm truyền thống sản xuất với tôn chỉ mục đích: chất lượng sản phẩm tốt và lợi ích của người tiêu dùng được đặt lên hàng đầu đang bị giảm thị phần. Điều này khiến thương hiệu mắm Nha Trang bị ảnh hưởng lớn, thậm chí là có thể mai một hoặc biến mất.

Nguyệt Nga

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!