Con giống trong nuôi thủy sản lồng bè

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, các mô hình nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông, hồ chứa trên cả nước nói chung và đặc biệt, là ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, chủ động cung cấp và đảm bảo con giống chất lượng vẫn đang là bài toán khó để thúc đẩy sự phát triển mô hình này.

Cá chiên là loài đặc sản có giá trị kinh tế cao   Ảnh: Lại Cường

Cá chiên là loài đặc sản có giá trị kinh tế cao Ảnh: Lại Cường

Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, khu vực trung du, miền núi phía Bắc có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng trên các sông, hồ chứa, hồ thủy điện rất lớn. Bởi, nuôi cá lồng bè trong sông suối và hồ chứa có ưu thế nước sạch, hàm lượng ôxy cao nên cá lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, rất dễ chăm sóc, quản lý và thu hoạch, cho hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với nuôi cá ở ao hồ tự nhiên. Năm 2015, các tỉnh trong vùng đã nuôi được 5.800 lồng, sản lượng đạt gần 7.700 tấn. Đến tháng 8/2016, phát triển khoảng 8.760 lồng, sản lượng ước đạt gần 17.500 tấn. Trong đó, các đối tượng nuôi lồng chính chủ yếu là cá truyền thống: trắm cỏ, chép, rô phi. Ngoài ra, còn một vài đối tượng nuôi khác, có giá trị kinh tế (như cá tầm, lăng, nheo…).

Mặc dù, có lợi thế với hệ thống sông ngòi, hồ chứa dày đặc, thế nhưng hiện tại nuôi cá lồng, bè chưa chủ động được nguồn giống, quy mô nuôi nhỏ lẻ, chưa được đầu tư tương xứng; việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Mặt khác, sản phẩm cá chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có sự liên kết trong sản xuất nên chưa phát huy hết tiềm năng và nguồn lực của vùng. Thách thức lớn nhất trong việc nuôi cá lồng bè là do chất lượng con giống chưa đảm bảo dẫn đến việc cá thả nuôi dễ bị nhiễm bệnh gây khó khăn trong quản lý dịch bệnh. Hiện, các trung tâm sản xuất giống tại các địa phương đang có mô hình nuôi cá lồng bè nhưng cũng chưa thực sự phát triển; số lượng con giống chưa đủ để đáp ứng cho nhu cầu của người nuôi. Hầu hết, con giống đều phải nhập từ các địa phương khác về nuôi nhưng công tác kiểm dịch giống nhập tỉnh chưa được các địa phương chú ý quan tâm cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến chất lượng con giống chưa đảm bảo.

Giải pháp

Bên cạnh các giải pháp về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các chuỗi sản xuất, vấn đề thị trường… thì với nguồn giống, cần tăng cường năng lực cho các trung tâm sản xuất giống thủy sản các tỉnh, quản lý tốt chất lượng con giống, thức ăn, quan trắc môi trường; Tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những giống mới chất lượng, năng suất cao, sức đề kháng tốt, nhanh lớn, kháng bệnh. Các cơ quan chức năng địa phương cùng cần tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống, đặc biệt công tác kiểm dịch cá giống nhập tỉnh; Từng bước khai thác hợp lý và đưa vào nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá nheo, cá tầm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên, trong tương lai không xa ngành nuôi trồng thủy sản lồng bè sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng hàng hóa và trở thành mô hình thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp làm giàu bền vững cho những người dân vùng núi và trung du miền Bắc nói chung cũng như các vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi về sông hồ ở nước ta.

Hà Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!