T2, 06/07/2020 11:20

Cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Nguồn lợi thủy sản đang đứng trước tình trạng khai thác quá mức, nhiều đối tượng có nguy cơ tuyệt chủng do việc dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác… Theo đó, cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng nhằm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách hợp lý, hiệu quả.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Sau khi có Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 2/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản (Chỉ thị 01), Bộ Thủy sản nay là Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Văn hóa – Thông tin thành lập Ban chỉ đạo Trung ương chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và ban hành quy chế làm việc.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo Trung ương đã làm được nhiều việc, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị… Trong 3 năm, từ năm 1998 đến năm 2001, Ban chỉ đạo đã tổ chức được 5 hội nghị và 8 lớp tập huấn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cho cán bộ chủ chốt các tỉnh để bàn triển khai thực hiện Chỉ thị và định kỳ sơ kết 5 năm, 10 năm  thực hiện Chỉ thị.

Về tuyên truyền, in ấn, Ban chỉ đạo in 95.000 tờ rơi, 20.500 áp phích và 3.750 cuốn; Ban chỉ đạo địa phương đã in 1.132.709 tờ rơi, 114.631 pano, áp phích; tổ chức 6.223 lớp tấp huấn, 48.358 lượt tuyên truyền cổ động về nội dung liên quan đến thực hiện Chỉ thị.

Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm cũng được thực thi từ Trung ương đến địa phương, thông qua việc thành lập các tổ công tác liên ngành có sự tham gia của Công an, Bộ đội Biên phòng.

Nông dân sử dụng cào tay có gắn điện để đánh bắt thủy sản trên sông rạch – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

Thiếu đồng bộ

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Trưởng phòng Bảo vệ nguồn lợi, Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Tổng cục Thủy sản, bên cạnh những việc làm được, cũng còn tồn tại những hạn chế. Cụ thể, do Chỉ thị được ban hành từ năm 1998 đến nay đã 15 năm nên lãnh đạo các địa phương thay đổi nhiều do vậy công tác chỉ đạo không được thường xuyên liên tục, khiến công tác tuyên truyền giáo dục triển khai còn thiếu đồng bộ, chưa tạo nên sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của nhân dân và các ngành, các cấp; để mọi người hiểu rằng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của toàn dân và của tất cả các ngành, các cấp.

Mặt khác, một số địa phương không duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo, đặc biệt một số nơi không có cơ quan thường trực tổ chức việc triển khai Chỉ thị trong khi lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh, huyện, phường xã chưa thực sự quan tâm, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị 01. Hay một số địa phương triển khai thực hiện còn chậm, thậm chí còn coi nhẹ, một số ban ngành coi đây là trách nhiệm của ngành thủy sản. Một số tỉnh còn nhiều đối tượng vi phạm là Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu…

 

Trách nhiệm cộng đồng

Thực tế cho thấy, các đối tượng sử dụng chất cấm trong khai thác hải sản như xung điện, chất nổ… ngày càng tinh vi, tìm đủ mọi thủ đoạn để trốn tránh các cơ quan chức năng trong khi kiểm tra, kiểm soát. Các hành vi trên phần nào gây cản trở cho việc thực thi pháp luật của cơ quan chức năng trên địa bàn. Để giải quyết vấn đề trên, cần có sự phối hợp tốt của các cơ quan chức năng liên ngành; đặc biệt là sự tố giác của cộng đồng, xã hội, sự lên án các hành vi trên của cộng đồng xã hội.

Ngoài ra, cũng chưa có nhưng chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngư dân trong việc chuyển đổi nghề; chưa có chính sách khuyến khích cộng đồng dân cư trong việc xây dựng các mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

“Để thực hiện tốt Chỉ thị 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì biện pháp thực hiện đồng bộ là rất quan trọng và lấy lực lượng cơ sở xã, phường làm nòng cốt, sự tham gia nhiệt tình của người dân để họ tự nguyện phát hiện, tố giác tham gia cùng chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương mình ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật…” – ông Nguyễn Việt Cường khẳng định.

>> Thời gian qua, đã bắt và xử lý 898 vụ sử dụng chất nổ để khai thác hải sản, gồm 1.505 đối tượng vi phạm, tịch thu được 7.845 kg thuốc nổ, 7.983 m dây cháy chậm, 20.916 kíp nổ, tịch thu 4.364 kg hải sản, đưa ra truy tố 130 vụ và phạt 1.853.260.000 đồng; Phát hiện 72.248 vụ sử dụng xung điện để đánh bắt hải, tịch thu 40.854 bình ắc quy, 62.139 bộ kích điện, 59.689 công cụ khai thác, đưa ra truy tố 27 vụ.

Ngọc Thọ - Thu Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!