Công nghệ mới hỗ trợ nuôi cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó chính là ứng dụng công cụ E-MAP và IoT được giới thiệu tại một hội thảo vừa diễn ra tại TP Cần Thơ do Hiệp hội Cá tra và WWF Việt Nam tổ chức mới đây.

Nuôi cá tra tại ĐBSCL

Nuôi cá tra tại ĐBSCL

Trước tình trạng diện tích và sản lượng nuôi cá tra đã tăng mạnh nhưng năng suất trung bình tăng không tương xứng, nhiều người nuôi đã và đang áp dụng các công nghệ hiện đại trong nuôi cá tra. Cụ thể, công cụ Bản đồ vùng nuôi cá tra (E-MAP) và sử dụng công nghệ IoT (Internet of Things) kiểm soát tự động môi trường nước ao nuôi cá tra thâm canh. Trong đó, với E-MAP, Hiệp hội Cá tra Việt Nam hiện đã cập nhật 300 vùng nuôi cá tra thuộc 6 tỉnh, thành như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, với tổng số 1.805 ao nuôi, diện tích 1.800 ha.

Theo ông Trần Thanh Phong, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam thì “Sử dụng công cụ E-MAP, người nuôi, doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm thông tin và xác định chính xác vị trí vùng nuôi trên hệ thống như: diện tích, sản lượng, tình trạng chứng nhận, dự báo sản lượng thu hoạch…” . Cùng đó, ứng dụng IoT vào quản lý chất lượng nguồn nước ao nuôi cũng được đánh giá là giải pháp có tính ứng dụng cao, phù hợp với thực tiễn nuôi cá tra tại ĐBSCL. Hơn nữa, việc sử dụng công nghệ IoT kiểm soát tự động môi trường nước ao nuôi thông qua điện thoại thông minh cũng sẽ giúp người nuôi giám sát ao nuôi mọi lúc mọi nơi, quản lý tăng trưởng, mùa vụ; kiểm soát quá trình sản xuất cũng như lập dự toán và quản lý chi phí toàn mùa vụ…

Mặc dù nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng cần phải bổ sung và điều chỉnh một số vấn đề và thông tin khi áp dụng các công nghệ này để đạt hiệu quả cao hơn nữa, nhưng theo các chuyên gia đầu ngành, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào nuôi cá tra là xu thế tất yếu. Ban đầu có thể gặp nhiều khó khăn nhưng về lâu dài sẽ mang lại lợi ích kinh tế tương xứng cho người nuôi, doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp khả thi để phát triển ngành sản xuất cá tra bền vững.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!