Công nghệ tiên tiến nuôi cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 20/5, tại Trường Đại học Cần Thơ, tổng kết dự án “Xây dựng trang trại nuôi cá tra trình diễn công nghệ tiên tiến bền vững tại Việt Nam” mở ra một hướng hiện đại hóa ngành nuôi trồng để nâng cao chất lượng và cải thiện môi trường nuôi cá tra.

Dự án được Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ 850.000 USD, VASEP quản lý và do Trung tâm Công nghệ nuôi trồng thủy sản Việt Nam – Đan Mạch (VIDATEX) thực hiện từ tháng 7/2013. Có hai địa điểm triển khai: nuôi thử nghiệm cá tra tại ao của Công ty TNHH Thuận Hưng ở tỉnh Hậu Giang và nuôi tuần hoàn nước trong bể xi măng tại Khoa Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ.

công nghệ tiên tiến nuôi cá tra

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (chỉ tay) xem nước thải từ bể nuôi ở Khoa Thủy sản Trường ĐH Cần Thơ đảm bảo an toàn môi trường – Ảnh: Sáu Nghệ

Kết quả

Tại trại cá của Công ty Thuận Hưng, nuôi 4 ao, trong đó 1 ao nuôi theo cách thông thường của người dân Việt Nam để làm đối chứng. Còn 3 ao được lắp máy nén khí hoặc thổi khí, máy phun thức ăn hoặc cho cá ăn bằng phễu, kèm theo bể lọc sinh học và thiết bị giám sát chất lượng nước. Mật độ thả giống 100 – 120 con/m2.

Kết quả, tỷ lệ cá giống sống và tăng trưởng hàng ngày trong các ao có lắp thiết bị tiên tiến cao hơn ao đối chứng; năng suất cũng cao hơn 20 – 31%. Sử dụng thuốc và hóa chất trong các ao có thiết bị tiên tiến ít hơn ao đối chứng 8,79 – 18%, còn tỷ lệ cá thịt trắng cao hơn 6 – 11%. Chi phí tiền điện trong các ao có thiết bị cao hơn ao đối chứng, tuy nhiên, giá thành lại thấp hơn. Giá thành cá trong ao nuôi có thiết bị là 22.083 – 22.826 đồng/kg, còn ao đối chứng 23.254 đồng/kg.

Đại diện Công ty Thuận Hưng, ông Trần Ngọc Hòa, giải thích giá thành cá nuôi trong các ao có thiết bị giảm là nhờ giảm hệ số thức ăn, chỉ 1,62 – 1,68 so với ao đối chứng 1,7. Bên cạnh, tỷ lệ cá sống cũng cao hơn. 

Thí nghiệm nuôi trong bể xi măng rộng 320 m2, ở Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, nước được sử dụng tuần hoàn. Bể gồm nhiều ngăn, bên cạnh ngăn nuôi cá là ngăn chứa nước, sục khí kéo nước (tạo dòng chảy qua ngăn nuôi cá), lắng chất thải, lọc sinh học. Trong bể có máy nén khí, thổi khí, các thiết bị đo đạc và ghi nhận thông số môi trường.

Cá nuôi trong bể lớn nhanh hơn cả cá trong ao có máy sục khí ở Công ty Thuận Hưng. Ở đây không sử dụng kháng sinh, chỉ bổ sung khoáng, vitamin tăng sức đề kháng, nước tuần hoàn nên môi trường xung quanh được bảo vệ rất tốt.

 

Tin tưởng

Đại diện một doanh nghiệp của Đan Mạch phân tích, chỉ số ôxy hòa tan trong nước rất quan trọng với con cá. Chỉ số này nếu duy trì thích hợp với từng giai đoạn phát triển thì cá lớn nhanh, ít bệnh còn nếu không thích hợp sẽ cho kết quả ngược lại. Những thiết bị sục khí của Đan Mạch hoạt động hoàn toàn tự động theo chương trình cài đặt của người nuôi cá. Đặc biệt, các thiết bị này không chỉ bán mà còn có thể cho thuê.

Đại diện Khoa Thủy sản nói thêm, các thiết bị làm tăng lượng hòa tan ôxy trong nước hoạt động có hiệu quả ở mực nước sâu 2 m, còn sâu hơn là chưa có hiệu quả. Hệ thống cho cá ăn tự động chỉ thích hợp khi cá nhỏ còn khi cá lớn thì chưa. Bể lọc sinh học để khử CO2 và làm giảm NO2 trong ao nuôi chỉ cải thiện được chất lượng nước khi ao nuôi không lớn. Tóm lại, cần nghiên cứu thêm để hoàn thiện thiết bị đạt hiệu quả cao hơn.

>> Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam Charlotte Laursen cho biết, đây là dự án nhằm chuyển tiếp giai đoạn hỗ trợ một chiều từ Đan Mạch cho Việt Nam trước đây, sang giai đoạn hợp tác thương mại, hai bên cùng có lợi. Có 6 doanh nghiệp Đan Mạch đã thành công trong việc chuyển nuôi cá từ ao đất sang nuôi theo công nghệ tiên tiến, cùng tham gia để phát triển công nghệ nuôi cá tra ở Việt Nam.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!