Công nghiệp “bức tử” thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Là vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản của cả nước, ĐBSCL đang đối diện nhiều thách thức mà trong đó, nghiêm trọng nhất là sự phát triển công nghiệp thiếu đầu tư bảo vệ môi trường đã “bức tử” nhiều dòng sông, vùng ven biển. Hai trường hợp sau đây chỉ là dẫn chứng, có thể chưa phải điển hình giữa nhiều điểm nóng ở ĐBSCL.

Bãi tro xỉ than ở Trung tâm Điện lực Duyên Hải đã gần đầy tràn   Ảnh: Thanh Hải

Bãi tro xỉ than ở Trung tâm Điện lực Duyên Hải đã gần đầy tràn Ảnh: Thanh Hải

Kêu cứu quanh khu công nghiệp

Khoảng 20 km của 7 con kênh ở xã Phú Tân (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) đang bị ô nhiễm nặng nề vì nước thải từ khu công nghiệp An Nghiệp. Phải thuyết phục mãi, ông Liêu Phô và ông Lâm Hiệp ở ấp Phước Hòa, xã Phú Tân mới miễn cưỡng chạy vỏ lãi vào kênh 25. Gọi là kênh 25 vì rộng 25 m, một đầu giáp Quốc lộ 1A, một đầu nối ra kênh 30/4, dài khoảng 5 km. Kênh 25 chạy bên khu công nghiệp An Nghiệp nên hứng trọn nước thải từ các nhà máy đang hoạt động nơi đây thải ra. Không thể tượng tưởng con kênh rộng một thời trong xanh, nhiều cá tôm mà nay đen kịt với đầy bọt khí, bốc mùi hôi thối kinh khủng.

Từ kênh 25 nối ra kênh 30/4 và lan tỏa những kênh khác: kênh 20, kênh 6 thước, Huỳnh Văn Lợi, Trại Giam, Vành Đai, Xây Chô… Ông Lý Sil ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân kể: “Trước đây, những con kênh này nhiều cá, tép lắm. Mấy năm qua ô nhiễm ngày càng trầm trọng, không con gì còn sống được. Bây giờ, làm lúa hay màu đều không xong”. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, ông Lâm Huỳnh Minh Thoại cho biết, sót vài con kênh, mấy năm trước còn khá trong sạch thì bây giờ cũng đen ngòm, ô nhiễm đang ảnh hưởng tới hơn 1.000 ha đất sản xuất và khoảng 250 hộ dân.

Tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu công nghiệp An Nghiệp diễn ra từ nhiều năm trước, hồi mới chỉ có 3 – 4 nhà máy. Dần dần, ô nhiễm càng nặng nề với sự mọc lên nhiều nhà máy chế biến nông thủy sản, đến nay đã hơn chục cái. Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, ông Lâm Hùng Kiện cho biết: “Khu công nghiệp An Nghiệp đi vào hoạt động từ năm 2009. Sau đó, xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 4.000 m3/ngày đêm nhưng không xử lý hết nước thải của các nhà máy, phần thừa ra mỗi ngày dăm ba ngàn mét khối được trút xuống kênh 25 để lưu chứa”. Thế là con kênh 25 bị “bức tử”. Gần đây, khu công nghiệp đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước thải lên 10.000 m3 để xử lý hết nước thải của các nhà máy, đi vào hoạt động từ ngày 26/5/2017. Thế nhưng, ô nhiễm lại trầm trọng hơn và còn lan rộng.

“Do việc nạo vét kênh 25 làm không đúng cách”, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, ông Phan Đức Kháng khẳng định. Ông Kháng giải thích, qua nhiều năm chứa nước thải của các nhà máy đã đóng một lớp bùn cặn ô nhiễm ở đáy kênh 25. Khi nhà máy xử lý nước thải được nâng cấp, khu công nghiệp không còn đổ nước thải xuống kênh 25 thì có dự án nạo vét kênh 25. Thế nhưng, thay vì phải thận trọng hút hết nước rồi mới vét bùn thì đơn vị thi công cho xáng vào múc như nạo vét kênh thủy lợi thông thường, thế là khuấy làm ô nhiễm trầm trọng lan rộng ra. Tình trạng này diễn ra hai tháng qua và chưa biết hậu quả còn kéo dài tới bao giờ.

Thủy sản cạn kiệt bên nhà máy điện than

Ông Nguyễn Văn Gò, 55 tuổi, ở ấp Mù U, xã Dân Thành (thị xã Duyên Hải, Trà Vinh) sống bằng nghề đặt lú trên biển từ nhỏ, cách nhà máy nhiệt điện Duyên Hải khoảng cây số. “Từ khi nhà máy điện hoạt động, cá chết lai rai hoài à. Nhất là tình trạng cá bị ghẻ lở đầy mình, bắt lên nhìn thấy ghê nên chúng tôi không dám ăn, cũng không dám đem về bán mà bỏ luôn”, ông Gò nói.

Trên mé biển, ông Phan Văn Trần, 51 tuổi, ở ấp Mù U đang cùng hai thợ sửa ghe. Dừng tay, ông nói: “Từ tháng 8 âm lịch đến tháng giêng gió chướng về là bụi từ nhà máy bay vào nhà mịt mù đóng có lớp, đen ngòm. Bụi khói, bụi than và cả nước làm mát nhà máy xả xuống biển, cá ghẻ lở và chết dần là chuyện có gì ngạc nhiên đâu. Tôi sửa ghe vì nghề mà làm chớ không biết còn kiếm sống được không”.

Xa nhà máy về phía đồng muối bỏ hoang, ông Lý Văn Ngoan, 55 tuổi, kể nhà ông có gần 1 ha đất, trước đây làm muối, nay bỏ hoang vì bụi, muối làm ra không ai mua. Ông bộc bạch, trước đây, khi rảnh rỗi, ông ra biển theo ghe thuyền đánh bắt cá tôm; nhưng từ ngày có nhà máy điện, cá tôm 10 phần chỉ còn khoảng 3 phần nên ông cũng đã bỏ biển.

Báo cáo của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, Trung tâm Điện lực Duyên Hải ở ấp Mù U, xã Dân Thành, quy hoạch 4 nhà máy với tổng công suất khoảng 4.415 MW. Tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, trên diện tích 878,91 ha.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 có 2 tổ máy, Tổng thầu EPC là Tập đoàn Điện khí Đông Phương (Trung Quốc), phát điện thương mại từ tháng 1/2016. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 có 2 tổ máy, tổng thầu EPC là Công ty Chenda (Trung Quốc), phát điện thương mại từ tháng 3/2017. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng có 1 tổ máy, tổng thầu EPC là Công ty SUMITOMO (Nhật Bản), đang xây dựng. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 có 2 tổ máy, chưa khởi công. Các tổ máy đều có công suất 622,5 MW, trừ tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện 3 mở rộng có 680 MW.

Trung tâm có cảng biển với cầu dẫn dài 900 m, gồm bến cảng dầu cho tàu 1.000 tấn và bến cảng than cho tàu 30.000 tấn. Than từ tàu được bốc dỡ bằng gàu xích, theo băng chuyền vào bãi. Thủy sản quanh khu vực các nhà máy đang cạn kiệt do nước làm mát có nhiệt độ cao (chừng 700C) thải ra và bụi khói. Tuy nhiên, nguy cơ lớn hơn là tro xỉ than.

Đang quản lý vận hành 2 nhà máy phát điện thương mại là Công ty Nhiệt diện Duyên Hải và Phó Giám đốc Nguyễn Đình Thảo cho biết, nếu chạy hết tải, mỗi ngày đốt hơn 14.000 tấn than, thải ra hơn 4.000 tấn tro xỉ. Hiện, mới khoảng 10% lượng tro xỉ được vài doanh nghiệp dùng sản xuất gạch xây dựng. Cho nên, bãi tro xỉ rộng mấy chục ha đã gần đầy.

Tro xỉ theo ống từ nhà máy, đổ xuống bãi thải được san ra, đầm nền, tưới nước để chống bay bụi ra xung quanh. Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi, hơn một năm nữa, bãi tro xỉ sẽ đầy tràn mà nơi đây là bờ biển nên chưa biết mức độ “bức tử” vùng ven biển sẽ như thế nào? “Một cơ sở nghiên cứu của Bộ Xây dựng đang thí nghiệm dùng tro xỉ đúc bê tông, nếu thành công thì mới giải quyết được vấn nạn”, ông Thảo nói với niềm hy vọng khá mong manh.

>> Hệ thống nhà máy nhiệt điện chính ở Việt Nam
– Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng (Hà Tĩnh): Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1; Vũng Áng 2, Vũng Áng 3 
– Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận): Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4
– Dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau (Cà Mau)
– Nhiệt điện Sông Hậu (Hậu Giang)
– Nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang)
– Nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng)
– Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh): Nhiệt điện Phú Mỹ; Nhiệt điện Ô Môn; Nhiệt điện Quỳnh Lập

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!