T2, 06/07/2020 12:54

Công ty Phát Tiến: Phát triển bền vững – Hướng tới tương lai

Chưa có đánh giá về bài viết

Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến là một điểm sáng về chế biến và xuất khẩu cá tra không chỉ ở tỉnh Đồng Tháp. Sản phẩm cá tra của Công ty có mặt ở hầu khắp các thị trường chính trên thế giới. Ông Lê Nhã (ảnh), Phụ trách Kinh doanh Công ty Phát Tiến đã có cuộc trò chuyện cởi mở với PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam, bên lề Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Công ty Phát Tiến có nhà máy chế biến cá tra hiện đại

Công ty Phát Tiến có nhà máy chế biến cá tra hiện đại

Ông có thể chia sẻ vài nét về Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến?

Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu cá tra. Được thành lập năm 2009, sau các giai đoạn phát triển, đến nay, thị trường mà Phát Tiến phủ sóng trải rộng từ châu Á, châu Âu, sang châu Phi, châu Mỹ. Công suất sản xuất của Công ty là 120 tấn/ngày, trên tổng công suất thiết kế 150 tấn/ngày. Nguyên liệu cá tra của Công ty đến từ hai nguồn: Tự sản xuất và thu mua bên ngoài nhưng chủ yếu là chúng tôi tự sản xuất. Thức ăn thường dùng cho farm nuôi của Phát Tiến được nhập từ: Công ty Cỏ May, Công ty Vinafish…

Sau giai đoạn hoàng kim của ngành cá tra, Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều những khó khăn, Phát Tiến đã có chiến lược gì để giúp Công ty phát triển, thưa ông?

Như mọi người đều biết, hiện việc xuất khẩu cá tra gặp muôn vàn khó khăn. Các nhà đầu tư đã từng bước chuyển hướng tới các khâu giá trị gia tăng khác để mang lại lợi nhuận chứ không chỉ chăm chăm vào việc xuất khẩu fillet cá tra. Rất nhiều công ty lớn đã xây dựng được nguồn tài chính và nguyên liệu sản xuất một cách chủ động và từng bước tính tới chủ động nguồn thức ăn nuôi cá. Phát Tiến cũng hướng tới những bước đi vững chắc như vậy. Chúng tôi cũng tính đến xây nhà máy thức ăn chăn nuôi cho riêng mình. Tôi tin rằng, nếu mỗi công ty chế biến xuất khẩu cá tra đều có những bước tiến rõ rệt thì ngành cá tra Việt Nam sẽ ngày càng phát triển bền vững. Và như vậy, vai trò “bà đỡ” cho sự phát triển doanh nghiệp của những tổ chức trong nước như Hội Nghề cá, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, Hiệp hội Cá tra Việt Nam là rất quan trọng.

Tham gia Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam lần đầu tiên tại Hà Nội, Phát Tiến muốn hướng tới mục tiêu gì?

Khi tham gia Hội chợ cùng 11 thương hiệu chế biến xuất khẩu cá tra khác, chúng tôi có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình với khách hàng trong nước, đặc biệt ở thị trường phía Bắc. Chính vì vậy, Công ty cử hẳn một đội ngũ nhân viên kinh doanh hùng hậu cùng đi. Đa dạng hóa thị trường và xây dựng thương hiệu chính là mục đích hướng tới của Phát Tiến khi tham gia Hội chợ lần này.

Vậy cơ cấu thị trường của Công ty như thế nào? Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Phát Tiến năm 2016 là bao nhiêu, thưa ông?

Hiện, Phát Tiến vẫn chưa triển khai tiếp cận thị trường nội địa. Còn về xuất khẩu, trước năm 2014, Công ty chú trọng đầu tư thị trường chính ở châu Âu, sau này dịch chuyển, đẩy mạnh phát triển thị trường châu Á: Ấn Độ, Philippines, rồi tới Trung Đông và Nam Mỹ, Brasil, Cộng hòa Dominica…

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi đạt 40 triệu USD, năm 2015 con số còn cao hơn. Trong năm 2016, tuy sản lượng cá tra của Phát Tiến tăng nhưng giá xuất khẩu chưa như mong muốn.

Là người phụ trách kinh doanh, ông nghĩ sao về việc đặt ra giá sàn xuất khẩu cá tra và việc doanh nghiệp Việt tự hạ giá để cạnh tranh nhau?

Tôi thấy không có cách nào quản lý được giá sàn  cá tra. Thời buổi kinh tế thị trường, việc các doanh nghiệp dùng các biện pháp để có thể gia tăng hiệu quả kinh doanh cho công ty thì cũng khó tránh được cạnh tranh về giá. Nhưng quan trọng nhất vẫn là người mua, họ chấp nhận được mức giá như thế nào? Nếu bên mua đặt ra những yêu cầu như tính định lượng về kháng sinh, vi sinh… một cách nghiêm ngặt trong từng sản phẩm, thì tôi tin cá tra sẽ đạt giá trị tương xứng, “tiền nào của ấy”. Bên cạnh đó, cá tra còn đối mặt cạnh tranh với một số sản phẩm cá khác nên người tiêu dùng chỉ có thể chấp nhận mức giá đó chứ cao hơn họ sẽ không mua cá tra. Còn nếu các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam có cơ hội cùng hợp tác, hỗ trợ để nâng nhau lên thì chắc chắn Phát Tiến sẽ hoan hỉ tham gia.

Vừa Phát vừa Tiến, ông hình dung thế nào về vị thế của Công ty trong tương lai?


Đúng như tên gọi và slogan mà Phát Tiến đã đặt ra cho thương hiệu của mình: Phát Tiến, có nghĩa là Phát triển bền vững – Hướng tới tương lai. Kể từ khi thành lập, chúng tôi đã đi lên theo lộ trình cụ thể nhưng cực kỳ vững chắc. Tuy không quá nổi nhưng Phát Tiến đã chứng tỏ được vị thế và chỗ đứng của mình. Từng bước một, chúng tôi đã đóng góp một phần không nhỏ vào tiến trình vực lại thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới; Giúp đời sống kinh tế của bà con hoạt động trong ngành cá tra nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung ngày một ấm no, đất nước ngày một phát triển giàu mạnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Nga (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!