T2, 06/07/2020 11:13

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long: Vượt gian khó tìm hướng đi

Chưa có đánh giá về bài viết

Ít ai biết, để có sự ổn định như hôm nay, Công ty Thịnh Long đã phải trải qua rất nhiều gian khó. Trò chuyện với Tổng Giám đốc Nguyễn Khánh Tường, càng hiểu thêm về những ngày vừa qua và hướng đi sắp tới của công ty này.

Không nợ thứ gì của người lao động

Ông có thể giới thiệu đôi nét về quá trình hình thành và phát triển Công ty ?

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long được thành lập từ tháng 12/2011, tiền thân là Công ty CP Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Anh. Khi mới được chuyển giao, Công ty gặp rất nhiều khó khăn; nhưng khi được Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) nay là Tổng Công ty công nghiệp Tàu thủy (SBIC) giao về để tiếp quản thì toàn bộ hệ thống tổ chức quản lý, quy chế hoạt động… mới được xây dựng lại.

Vượt qua nhiều khó khăn, Thịnh Long đã hoàn thành được con tàu tải trọng 12.500 tấn, tiếp đến là tàu 4.300 tấn và đóng loạt tàu kiểm ngư. Hiện nay, Thịnh Long duy trì được hoạt động ổn định; đảm bảo việc làm và đời sống cho hơn 400 lao động với thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng. Hằng năm, Công ty tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi du lịch; các kỳ nghỉ lễ đều có thưởng; duy trì chế độ bảo hộ lao động cho công nhân… 

Vậy kinh nghiệm vượt qua khó khăn trong buổi đầu thành lập là gì, thưa ông?

Thời gian đầu, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính; tiếp đến là đội ngũ cán bộ, nhân viên quá mỏng. Công ty phải tuyển dụng, sàng lọc, đào tạo lại đội ngũ nhân viên để họ làm được việc. Thứ hai là uy tín của Vinashin bị suy giảm sau thời gian dài khủng hoảng nên việc mua vật tư đầu vào cũng gặp nhiều trở ngại, hầu như đối tác nào cũng không chấp nhận bán nợ cho Công ty.

Để giải quyết khó khăn, Thịnh Long đề ra quy chế tiết kiệm triệt để bằng cách giao khoán vật tư cho công nhân. Ai làm hụt vật tư thì Công ty vẫn cấp thêm nhưng người ấy phải tự bỏ tiền ra trả. Ai tiết kiệm được vật tư nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng thì hưởng phần tiền đúng bằng phần vật tư thừa. Điều này đã thúc đẩy công nhân không ngừng nâng cao tay nghề để thực hiện đúng, đủ, không thừa thao tác nào; từ đó Công ty cũng được lợi.

 

Thịnh Long đang đóng một loạt tàu kiểm ngư. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Công ty đang đóng 17 tàu kiểm ngư  cỡ nhỏ, đến nay đã bàn giao 14 tàu. Nhìn chung, công việc năm 2014 tương đối ổn định, nhưng vẫn phải lo cho những năm tiếp theo. Sắp tới, có dự án đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67, Công ty đang tiếp cận khách hàng theo đường riêng, nỗ lực chinh phục khách hàng bằng thương hiệu, chất lượng, tiến độ, có tâm với nghề và trách nhiệm với ngư dân.

Hai trong số 17 tàu kiểm ngư cỡ nhỏ mà Công ty Thịnh Long đang triển khai

 

Lắng nghe ngư dân     

Theo ông, đâu là thuận lợi và khó khăn trong triển khai đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67?

Việc đóng tàu cho ngư dân có nhiều thuận lợi, bởi đây là chính sách rất hợp với ngư dân, được Chính phủ hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn; ngư dân chỉ có kinh nghiệm khai thác chứ không có kinh nghiệm đóng tàu, vì vậy, Công ty đóng tàu phải tư vấn cho họ.

Sắp tới, chúng tôi sẽ mời khách hàng đến thăm Công ty Đóng tàu Thịnh Long, tọa đàm với họ về những thứ họ cần, thỏa thuận hợp tác thực sự vì người dân. Tàu đóng ở các nhà máy tuy to nhưng khi ra biển lớn lại rất bé, lúc ấy mới thấy tính năng và sự cẩn thận của người đóng tàu có giá trị lớn với người đi biển. Cần lắng nghe, hợp tác giữa người đóng tàu với người đi biển, sao cho con tàu đó mang lại tính năng khai thác cao nhất.

Chính vì vậy, Thịnh Long luôn cam kết về chất lượng, tiến độ; đồng thời cam kết bảo trì, bảo dưỡng tàu sau một thời gian sử dụng.

 

Thịnh Long có gặp khó khăn trong việc mua vật tư đầu vào để đóng tàu vỏ thép cho ngư dân?

Nghị định 67 đã quy định rõ về các loại thiết bị, máy móc, vật tư, tôn thép, tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu mã thiết kế… Với công ty đóng tàu chuyên nghiệp như Thịnh Long, việc mua vật tư được thuận lợi hơn. Quan trọng ở đây là ý ngư dân. Ngư dân không hiểu hết các thiết bị, máy móc của tàu; do đó, người đóng tàu cần phải thật sự có “tâm” với nghề để tư vấn lại cho ngư dân, giúp họ chọn được các thiết bị, máy móc phù hợp nhất.

 

Vậy đâu là lợi thế của Thịnh Long?

Thịnh Long có nhiều lợi thế. Thứ nhất, được thừa hưởng kinh nghiệm tổ chức quản lý của một tổng công ty lớn. Thứ hai, biết khắc phục những điểm yếu trước đây của Công ty Hoàng Anh, kể cả cơ chế quản lý để áp dụng cho Công ty hiện nay. Thứ ba, hiện nay Thịnh Long đã đưa một loạt cán bộ quản lý có kinh nghiệm đóng tàu xuất khẩu cho Đức, Anh… từ Hải Phòng về làm nòng cốt cho đội ngũ kỹ thuật. Thứ tư, Thịnh Long luôn tích cực nâng cao tay nghề cho cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, Công ty được quản lý theo tiêu chuẩn ISO; trong đó, thợ hàn được cấp đăng kiểm nước ngoài; cơ sở chế tạo được cấp đăng kiểm Việt Nam và được chứng nhận đủ điều kiện đóng tàu.

 

Đảm bảo môi trường và an toàn lao động

Việc đóng tàu ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, Thịnh Long đã làm gì để khắc phục?

Công ty rất quan tâm vấn đề đảm bảo môi trường, nhất là phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. Công ty có các hệ thống được thiết kế riêng biệt và phù hợp cho ngành đóng tàu như: Hệ thống phòng, chữa cháy, xử lý vệ sinh công nghiệp tương đối hoàn thiện. Đồng thời, Công ty còn có đội vệ sinh chuyên nghiệp; có chế tài xử lý nghiêm đối với các vi phạm liên quan môi trường vệ sinh công nghiệp; có các thùng phi, két chuyên dụng để bơm chất thải; ký hợp đồng với công ty xử lý rác thải chuyên nghiệp để xử lý rác thải nguy hại; có lò đốt rác riêng đối với rác thải thông thường; xây dựng hầm biogas lọc nước thải… Bên cạnh đó, việc chế tạo các con tàu hoàn toàn nằm trong nhà xưởng có mái che, kể cả khâu hàn và sơn (khâu độc hại nhất), hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với môi trường.

 

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân


Còn đối với vấn đề an toàn lao động?

Với đặc thù ngành công nghiệp đóng tàu là lao động nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ) nên ngay từ những ngày đầu hoạt động, Công ty đã chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), thường xuyên cải thiện điều kiện làm việc, nhằm đảm bảo an toàn sản xuất và sức khỏe người lao động.

Công ty liên tục tổ chức các đợt tập huấn ATVSLĐ, qua đó đã xây dựng ý thức, kỹ năng ATVSLĐ cho người lao động. Bên cạnh đó, đầu tư thiết bị, máy móc cải thiện điều kiện lao động, giảm sức lao động nặng nhọc, tăng năng suất, bảo đảm độ chính xác cao, tiết kiệm vật tư và giảm thiểu nguy cơ mất ATLĐ… Trong các xưởng khép kín đều trang bị hệ thống quạt, ống thông khí, hút bụi, bình cứu hỏa. Trước mỗi ca sản xuất, bộ phận an toàn của Công ty đều đi kiểm tra toàn diện và giám sát chặt đến hết ca, nếu thấy có nguy cơ mất ATLĐ thì kiên quyết cho dừng sản xuất.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> “Trước mắt, Công ty sẽ tận dụng cơ hội để đóng tàu vỏ thép cho ngư dân theo Nghị định 67. Thời gian tới, ngoài việc đóng mới, Thịnh Long sẽ tập trung phát triển lĩnh vực sửa chữa tàu” – Ông Nguyễn Khánh Tường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long cho biết.

Hồng Thắm (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!