T2, 06/07/2020 01:15

Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa: Phát triển công nghệ cao trong thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Sáng 10/8, tại TP Cần Thơ, diễn ra Hội nghị Xúc tiến Đầu tư năm 2018 có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự cùng gần 600 đại biểu từ trung ương, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Khoa học công nghệ là nội dung được quan tâm và đại diện cho doanh nghiệp dịch vụ thủy sản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa có bài tham luận nêu những kiến nghị khá cụ thể.


Thành tựu

Ông Ngô Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa lược qua quá trình phát triển của việc ứng dụng công nghệ sinh học cho thủy sản, ban đầu chỉ gia công sản phẩm với các tập đoàn lớn, dần dần xây dựng thương hiệu công nghệ sinh học Việt Nam. Doanh nghiệp nay có đội ngũ kỹ sư làm chủ nhiều quy trình công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao trong công nghệ sinh học như sản xuất được toàn bộ các hóa chất, vật liệu và thiết bị sinh học phân tử.

Theo ông Nam, Công ty đã thành công trong việc sản xuất ra các máy PCR và Máy điện di (Made in Vietnam) với giá rẻ nhằm đưa công nghệ sinh học đến tận cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Hiện nay, Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm công nghệ sinh học như: Oligo (Oligo tube với độ tinh khiết cao, Oligo plate, Modified Oligo), hóa chất sinh học phân tử (DNA Taq polymerase, dNTPs, Master mix 2X EZ PCR mix, DNA Ladder, DNA staining/Gel electrophoresis). 

Đặc biệt, Công ty sản xuất được Kit chẩn đoán bệnh trên thủy sản và trên người như: Kit chuẩn đoán virus gây bệnh đốm trắng (WSSV), Kit chuẩn đoán virus HPV, MBV, EHP, NHP, IHHNV, TSV, IMNV, YHV… Về sinh học tổng hợp đã sản xuất G-Block, Gene Cloned,  eClone.  Bên cạnh là dịch vụ giải trình tự DNA; thiết bị – máy móc PCR, Điện di.

Kiến nghị


Phương án phát triển của Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa được ông Nam giới thiệu khá cụ thể, đáp ứng nhu cầu ngành thủy sản. Đó là xây dựng hệ thống dịch vụ chuẩn đoán sớm các bệnh trên đối tượng nuôi: Phusa Diagnostic System. Hệ thống này cho phép các hộ và các công ty nuôi trồng thủy sản được xét nghiệm mầm bệnh một cách nhanh chóng trong tôm, cá con, môi trường nước nuôi, bùn đáy ao trước khi thả nuôi và kiểm soát mầm bệnh theo định kỳ trong quá trình nuôi và trước khi xuất bán. Dịch bệnh được phát hiện sớm sẽ ít gây thiệt hại và quá trình xử lý dễ dàng hơn cũng như ít sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh. 

Đồng thời xây dựng hệ thống Phusa Biommark, hệ thống các phòng thí nghiệm sinh học phân tử (máy móc và hóa chất) cho các trường đại học (ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Kiên Giang, ĐH Cửu Long và CĐ Y tế Đồng Tháp…). Mục đích để các sinh viên được thực hành nhiều hơn, tiếp cận với máy móc sinh học phân tử và các công nghệ mới trong công nghệ sinh học, được đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật xét nghiệm và chuẩn đoán bệnh bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Bên cạnh, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ trong công nghệ sinh học với các giảng viên từ các viện trường trong hệ thống. Hệ thống này giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL.  

“Là một doanh nghiệp khoa học công nghệ vừa nghiên cứu ứng dụng và triển khai sản xuất kinh doanh chúng tôi rất cần các nguồn hỗ trợ của chính phủ về khoa học công nghệ, các dự án phát triển và các nguồn vốn ưu đãi trong đầu tư và phát triển nông lâm thủy sản”, ông Nam thẳng thắn kiến nghị. Theo ông, lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao như là một ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, rất cần được tiếp cận các nguồn lực của Chính phủ dành cho thủy sản để không ngừng góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững như lời kêu gọi của Thủ tướng.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!