T2, 06/07/2020 10:05

Công ty Trúc Anh: Thế mạnh nuôi tôm bằng công nghệ sinh học

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước các thách thức: Dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, dư lượng kháng sinh trong tôm quá mức cho phép; môi trường nuôi bị ô nhiễm; tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh…, thì nuôi tôm bằng vi sinh, công nghệ sinh học (CNSH) được cho là giải pháp cứu nghề nuôi tôm hiện nay. Kỹ sư Lê Anh Xuân – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Trúc Anh (ảnh bên) đã chia sẻ với PV Thủy sản Việt Nam về công nghệ đặc biệt này.

Nuôi tôm bằng CNSH đang được coi là “cứu cánh” của ngành tôm, ông có thể giới thiệu về quy trình này?

Nuôi tôm bằng vi sinh, CNSH là việc ứng dụng các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn, virus, vi tảo, vi nấm…  trong xử lý môi trường. Nhằm tăng sức đề kháng phòng và trị bệnh tôm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế được ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng tôm.

 

Theo ông, có cấp thiết phải thực hiện quy trình này?

Thời gian gần đây, nuôi tôm công nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL bộc lộ nhiều khó khăn: Tôm nuôi chậm lớn hơn so với những năm đầu chuyển đổi; bệnh tôm xuất hiện nhiều và diễn biến phức tạp; thời tiết thay đổi thất thường… Trong khi đó, các giải pháp nuôi tôm bằng quy trình hóa chất, kháng sinh trước đây chưa mang lại hiệu quả ổn định mà ngược lại, do áp dụng lâu ngày đã làm cho nghề nuôi tôm đứng trước những thách thức lớn về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khiến nhiều hộ nuôi tôm lâm cảnh khó khăn. Hiện nay, một số hộ nuôi vẫn còn thiếu ý thức: xả nước thải, nước tôm nhiễm bệnh trực tiếp ra kênh rạch công cộng, ảnh hưởng chung đến vùng nuôi. Tình trạng bồi lắng quá nhanh của các tuyến kênh dẫn đến thiếu nước cục bộ ở một số khu vực; dịch bệnh có xu hướng lây lan mạnh, khó kiểm soát. Ngoài nguyên nhân khách quan (thời tiết biến đổi, con giống kém chất lượng, nguồn nước ô nhiễm trầm trọng…), sự chủ quan trong quy trình nuôi (nhất là việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh) đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi tôm ở ĐBSCL.

Vì vậy, giải pháp nuôi tôm bằng vi sinh, chế phẩm sinh học là vấn đề cấp thiết để phát triển bền vững.

 

Quy trình này hiện nay được áp dụng ở Bạc Liêu như thế nào, thưa ông?

Ở Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm công nghiệp sử dụng các chế phẩm vi sinh bắt đầu xuất hiện từ năm 2003 và ngày càng mở rộng về quy mô. Mô hình nuôi này đã nâng cao hiệu quả, giảm rủi ro so với sử dụng hóa chất, kháng sinh như trước đây.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bạc Liêu, diện tích nuôi tôm công nghiệp hàng năm khoảng 12.000 ha; đến nay số hộ sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ hoặc không định kỳ chiếm khoảng 90%, trong đó hơn 65% hộ nuôi đạt hiệu quả. Thực tế cho thấy, phần lớn hộ nuôi tôm công nghiệp sử dụng chế phẩm vi sinh đạt hiệu quả cao so với đơn thuần sử dụng hóa chất.


Nghiên cứu sản phẩm sinh học trong nuôi tôm tại phòng thí nghiệm của Công ty Trúc Anh – Ảnh: Phan Thanh Cường

Vậy nếu áp dụng quy trình CNSH trong nuôi tôm sẽ đem lại lợi ích gì?

Thực hiện quy trình nuôi tôm sạch sử dụng chế phẩm vi sinh hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì nó tạo nên môi trường sạch, giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, cho năng suất và lợi nhuận cao, chất lượng đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu. Ngoài ra, môi trường nhờ đó không bị phá hoại, tạo thuận lợi cho người nuôi có thể khai thác lâu dài, vòng quay nhanh, với chi phí thấp nhất.

 

Thực hiện quy trình nuôi tôm bằng CNSH có khó khăn nhiều không?

 Khi các sản phẩm thuốc thú y thủy sản xuất hiện tràn lan trên thị trường, kiểm soát được là điều không dễ, càng đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của nhà nước và ý thức của người nuôi. Điều cần nhất là phải phân tích sao cho bà con nuôi tôm hiểu về quy trình. Khi người nuôi hiểu được lợi ích của thực hiện quy trình nuôi tôm bằng CNSH thì việc lựa chọn là điều tất yếu. Đến nay vẫn chưa có quy trình nào được gọi là chuẩn, nhưng so với quy trình cũ (hóa chất) thì ưu điểm của nuôi tôm bằng CNSH hơn hẳn; quy trình cũ rủi ro hơn nhiều và ảnh hưởng đến môi trường lớn.

Khó khăn nữa là trong quy trình nuôi, nhất thiết phải có ao lắng trước khi đưa nước vào sử dụng. Tại đây, nước sẽ được xử lý, diệt tạp, giáp xác… Với diện tích lớn thì điều này không khó, song những hộ nhỏ lẻ thì rất khó có ao lắng riêng. Vì vậy, để đảm bảo cho việc xử lý nguồn nước vào, bà con nên “mượn tạm” ao lắng trong số những ao nuôi.

         

Đến nay, Công ty Trúc Anh áp dụng quy trình này như thế nào và hiệu quả ra sao, thưa ông?

Năm 2003, Công ty Trúc Anh đã áp dụng quy trình nuôi tôm bằng vi sinh, CNSH. Với diện tích 70.000m2 (20 ao nuôi), quy trình nuôi tôm sạch của Công ty chỉ sử dụng các sản phẩm vi sinh do Công ty sản xuất.

Để tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm, gần đây Trúc Anh mạnh dạn đầu tư, mở rộng thêm 9 ha (24 ao). Cùng đó, chúng tôi thường xuyên tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ quy trình nuôi cho các hộ, thông qua các buổi hội thảo, tham quan khu nuôi tôm của Công ty. Qua đó, nhiều hộ dân từ nuôi tôm thua lỗ, nợ nần, nay nuôi tôm hiệu quả và ổn định hơn. Hiện, quy trình nuôi tôm sạch của Trúc Anh đã được nhiều hộ dân ĐBSCL ứng dụng, hiệu quả khả quan.

>> “Công ty Trúc Anh thành công nhờ áp dụng quy trình nuôi tôm sạch từ ngày thả giống đến lúc thu hoạch. Để nguồn nước trong ao không bị ô nhiễm trong thời gian dài, chỉ áp dụng quy trình nuôi tôm hoàn toàn bằng các chế phẩm vi sinh. Áp dụng quy trình này tôm rất mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi, vừa giảm được chi phí vừa bán được giá cao, nhất là sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu”.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!