T2, 06/07/2020 10:52

Công ty Trúc Anh: Tiên phong nuôi tôm theo công nghệ sinh học

Chưa có đánh giá về bài viết

Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh (Bạc Liêu) tiên phong áp dụng công nghệ sinh học, đã mang lại hiệu quả khả quan, tạo được uy tín trên thị trường và được người nuôi tôm tin tưởng.

Tìm hướng mới

Với việc sử dụng chế phẩm sinh học của Công ty Trúc Anh, rủi ro đã giảm nhiều, thành công theo đó cũng lớn hơn.

Phương pháp nuôi là để nguồn nước trong ao không bị ô nhiễm trong suốt thời gian dài, áp dụng quy trình nuôi tôm hoàn toàn bằng chế phẩm vi sinh: T-Apondpro, T-Biowast… do Công ty sản xuất kết hợp với việc xử lý nước, môi trường, đáy ao theo định kỳ.

Từ năm 2004 – 2006, Thạc sĩ Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty Trúc Anh đã ứng dụng kết quả thực nghiệm tại toàn bộ ao nuôi của mình. Năm 2007 anh nhân rộng ra các hộ nuôi tôm ở ĐBSCL. Việc bổ sung định kỳ chế phẩm Ta-pondpro giúp tăng cường lượng vi khuẩn phân hủy mùn, bã hữu cơ, làm giảm độc tố NH3 và H2S trong ao nuôi. Vi khuẩn bacillus subtilis và lactobacillus giúp duy trì mật độ vi khuẩn có lợi, giúp cạnh tranh chất dinh dưỡng, ức chế vi khuẩn gây bệnh. Khi xuất hiện bệnh thì dùng vi sinh kết hợp đánh khoáng tạt, trị bệnh đóng khói đèn, đen mang, sâu râu, mòn đuôi.

Năm 2007 – 2008, anh đã xây dựng được quy trình nuôi tôm sạch sử dụng chế phẩm sinh học. Với mật độ 15 con/m2, sau 170 ngày nuôi, tôm đạt 22 con/kg, lãi trên 1 tỷ đồng/ao.

 

Thạc sĩ Lê Anh Xuân và mô hình nuôi tôm sạch

Đồng hành cùng người nuôi

Với kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức cơ bản của một kỹ sư thủy sản, anh Xuân từng mở hàng chục lớp tập huấn kỹ năng nuôi tôm cho nông dân ĐBSCL, cứu sống những đầm tôm tiền tỷ đối mặt nguy cơ mất trắng. Ông Tạ Minh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bạc Liêu, nhận xét: Quy trình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học của Giám đốc Lê Anh Xuân đã rút ngắn được thời gian nuôi, vì tôm rất mau lớn, làm giảm chi phí sản xuất… nên rất cần được nhân rộng.

Một số sản phẩm khoa học công nghệ của Công ty Trúc Anh

Không chỉ vậy, Lê Anh Xuân còn nổi tiếng trong tỉnh về sự quan tâm, hỗ trợ người nghèo. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo Thanh Hóa, nên càng hiểu nỗi khổ và nguyện vọng của người nghèo. Năm 2011, Công ty Trúc Anh góp hơn 1,8 tỷ đồng vào Quỹ an sinh xã hội và giúp đỡ nhiều hộ nghèo ở địa phương. Nhiều năm trước đó, mỗi năm Công ty ủng hộ Quỹ và giúp hộ nghèo trong tỉnh 1,2 – 1,5 tỷ đồng. Ðặc biệt, từ năm 2010 đến nay, quỹ “Trúc Anh Vàng” của Công ty đã giúp 10 học sinh nghèo học giỏi, mỗi em 5 triệu đồng/năm. Năm 2012, Công ty Trúc Anh còn trao tặng hai căn nhà tình thương cho các hộ Sơn Minh và Nguyễn Tấn Kiêm, người Khmer ở xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu), mỗi căn trị giá 15 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty còn giúp đỡ tiền vốn, phương tiện, hướng dẫn cách làm ăn cho hàng chục hộ Khmer nghèo trong thành phố. Bí thư Thành ủy Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết, Lê Anh Xuân là chủ doanh nghiệp tư nhân làm ăn giỏi, thành đạt của tỉnh, có nhiều đóng góp tích cực vào Quỹ an sinh xã hội, giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả cao.

 

Nhiều thành công

Khởi đầu lập nghiệp đầy khó khăn, nhưng với những nỗ lực không ngừng đến nay, anh Xuân cùng Công ty Trúc Anh đã tạo ra hướng đi hiệu quả cho người nuôi tôm; với dây chuyền sản xuất hiện đại, cùng hàng chục đại lý tại các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung. Chính dòng sản phẩm vi sinh, hướng nuôi tôm sạch nên người tiêu dùng rất tin cậy.

Anh còn tạo việc làm ổn định cho 60 lao động, thu nhập 2,5 – 7 triệu đồng/tháng. Trong số họ, phần lớn là kỹ sư trực tiếp nuôi tôm, phụ trách kinh doanh ở đại lý, đồng thời thường xuyên tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm miễn phí. Lao động tại Công ty được mua đầy đủ các bảo hiểm xã hội, y tế, tai nạn, thất nghiệp. Đời sống vật chất, tinh thần người lao động ngày một nâng cao.

Anh còn kết hợp với Đài PT-TH Bạc Liêu xây dựng chuyên mục “Đồng hành cùng nhà nông” mỗi tháng. Cùng đó là hàng trăm hội thảo, chuyên đề nhằm chia sẻ thông tin nuôi tôm với ngư dân, giải quyết thắc mắc, giúp nuôi tôm ngày càng hiệu quả hơn; phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh tổ chức nhiều hội thảo tư vấn, giới thiệu về mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, thay thế hoàn toàn kháng sinh, hóa chất tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…

Với những thành tích xuất sắc, Thạc sĩ Lê Anh Xuân đã được nhận nhiều phần thưởng. Năm 2008 và 2009, được trao tặng Cúp vàng Bộ Thủy sản và Bộ Khoa học và Công nghệ về sản phẩm chất lượng cao. Năm 2010, anh được Bộ NN&PTNT trao giải “Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; được Trung ương Ðoàn tặng “Giải thưởng Lương Ðịnh Của”… Cũng trong năm 2010, Lê Anh Xuân được đi dự Hội nghị toàn quốc “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” và tổng kết 5 năm cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, do Trung ương Ðoàn tổ chức. Năm 2013, Công ty Trúc Anh được Sở Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu cấp chứng nhận Doanh nghiệp khoa học – công nghệ…

Ngành tôm ngày càng phát triển, nhưng nuôi tôm cũng ngày càng khó khăn khi điều kiện môi trường, dịch bệnh tác động lớn, do vậy, việc tìm hiểu và nghiên cứu nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, hiệu quả cao là điều Lê Anh Xuân luôn trăn trở. Theo anh, muốn sản xuất bền lâu phải gắn với nghiên cứu khoa học, trau dồi tri thức… Anh cho biết thêm, Công ty sẽ tích cực hợp tác với các nhà khoa học nhằm tạo ra những sản phẩm công nghệ cao, hiệu quả tốt giúp Công ty ngày càng phát triển và người nuôi có thêm sản phẩm chất lượng tốt.

>> Theo Thạc sĩ Lê Anh Xuân, trở thành doanh nghiệp khoa học – công nghệ sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó, hoạt động thương mại hóa sản phẩm hàng hóa công nghệ ngày càng được đẩy mạnh; người tiêu dùng tiếp cận được nhiều hơn những sản phẩm công nghệ cao, sử dụng được những sản phẩm chất lượng; doanh nghiệp mở rộng được thị trường và gắn kết hơn với người tiêu dùng.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!