COVID-19 tác động đến ngành cá hồi, tôm thế nào?

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Gorjan Nikolik, nhà phân tích thủy sản cao cấp tại Rabobank, ngành cá hồi và tôm đã bị ảnh hưởng rất khác nhau bởi sự bùng nổ của đại dịch corona virus.

Nikolik cho rằng, cá hồi là “nơi trú ẩn” an toàn của ngành thủy sản và bị ảnh hưởng ít hơn so với các ngành khác. Tại Na Uy, nước này dự báo ngành cá hồi sẽ tăng trưởng khá hạn chế, khoảng 3 – 4% trong năm 2020. Giá rất cao trong quý 1/2020, ở mức trên 70 NOK/kg và các nhà sản xuất được hưởng lợi từ nhiều năm giá cao như vậy.

Tại châu Âu, nơi chiếm 50% lượng tiêu thụ cá hồi trên toàn cầu, hầu hết các doanh nghiệp đã chuyển sang dịch vụ thực phẩm bán lẻ. Tuy nhiên, sự sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ từ đại dịch đã dẫn đến tình trạng dư cung ở châu Âu và giá giảm tương ứng từ gần 80 NOK/kg trong tháng 1 xuống còn khoảng 54 NOK/kg vào tuần từ 14/4/2020. Nhưng về mặt lịch sử, đây vẫn là một mức giá hợp lý và quan trọng là nó vẫn bao gồm các chi phí sản xuất, Nikolik giải thích. Theo Nikolik, cá hồi là một lĩnh vực được đầu tư tốt, có nhiều năm phát triển mạnh mẽ, vì vậy đại dịch khó có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài.


Ngành tôm bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng hy vọng sẽ tăng giá vào cuối năm 2020

Tuy nhiên, với ngành tôm, Nikolik lưu ý rằng, COVID-19 đã có những tác động khắc nghiệt hơn đối với cả cung và cầu. Nikolik cho rằng, ngành tôm đã phải chịu đựng 2 năm qua với đặc điểm là cung vượt cầu và giá giảm, điều đó nghĩa là không có nhiều bước đệm cho nó.

Nikolik cho biết, đầu năm nay, nhu cầu tôm từ Trung Quốc giảm đáng kể do dịch COVID-19 trùng với Tết Nguyên đán, khiến các nhà sản xuất phải tìm thị trường khác ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu. Hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sang Mỹ từ Ấn Độ, Indonesia và Ecuador tăng lần lượt 30%, 25% và 54%.

Nhu cầu của Trung Quốc giảm cũng dẫn đến việc các nhà sản xuất bị ảnh hưởng lớn về giá cả trong tháng 1, 2 và điều này được kết hợp bởi sự điều chỉnh giá lần thứ hai vào tháng 3, 4 – từ dưới giá trị sản xuất, thậm chí thấp hơn giá trị sản xuất – khi nhu cầu ở châu Âu và Mỹ sụt giảm do các vấn đề với COVID ở các khu vực này, ông Nikolik giải thích.

Ông Nikolik cũng chỉ ra sự gián đoạn trong sản xuất gây ra bởi lệnh phong tỏa. Ví dụ, tại Ấn Độ, các nhà sản xuất phải chật vật về nguồn giống và thức ăn nuôi tôm trong khi các vấn đề tại các cảng cũng gây khó khăn cho các đơn hàng xuất khẩu. Trong khi đó, Ecuador phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công khi các nhà máy chế biến phải giảm 50% công suất chế biến. Mặc dù là ngành sản xuất thiết yếu, không phải tuân thủ lệnh phong tỏa nhưng công nhân lo sợ mắc COVID-19 mà không dám quay trở lại nhà máy.

Mặc dù tỷ lệ thả nuôi tăng hàng năm vào tháng 1, 2 ở cả Việt Nam và Ấn Độ, nhưng đến tháng 4, tỷ lệ thả nuôi đã giảm trên toàn thế giới, thậm chí ở một số quốc gia, việc thả nuôi gần như không diễn ra trong nhiều tuần liền. Theo ông Nikolik, nếu các nhà sản xuất không thả nuôi sớm, họ có thể bị lỡ vụ nuôi chính vào thời điểm từ tháng 6 – 8 (thời điểm sản xuất sôi động trong năm) và một số nhà sản xuất tôm dự đoán rằng, sản lượng tôm hàng năm tại Đông Nam Á có thể giảm 20 – 50% so năm 2019.

Mặt khác, tại Ecuador, những nhà sản xuất tôm lớn đang có kế hoạch thả nuôi như bình thường với hy vọng có thể đạt được giá cao, bất chấp nguy cơ nhu cầu thấp tiếp tục nếu các hạn chế liên quan đến COVID-19 vẫn diễn ra ở các thị trường chính.

Nikolik dự đoán, nguồn cung giảm và nguồn dự trữ tôm đông lạnh hiện có tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ được tiêu thụ hết, người dân sẽ có thể được phép quay trở lại các nhà hàng trước cuối năm nay và sẽ có một sự phục hồi lớn về giá trong thời gian tới.

Hải Băng

Thefishite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!