T2, 06/07/2020 01:24

“Cung phụng” chủ tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Mỗi chiếc tàu đánh cá chuẩn bị ra khơi đều phải bỏ ra mấy trăm triệu đồng mua sắm phí tổn: dầu, nước đá, lương thực… Khi tàu quay về cập cảng có hàng chục tấn hải sản bán ra. Các chủ kinh doanh, từ ông bán dầu đến bà bán rau ở chợ thường xuyên hỏi han, chiều chuộng, chăm sóc, có thái độ “cung phụng” tốt nhất. Đó gọi là “dịch vụ hậu cần nghề cá”.


Tàu bán dầu của ông Nguyễn Quốc Cường đang bơm dầu sang chiếc tàu tỉnh Bình Thuận tại cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang, Khánh Hòa.

Kỳ 1: CHẠY THEO ĐUÔI CON CÁ BÁN DẦU, SỬA MÁY

Trong chuyến đi biển, tiền mua dầu chiếm khoảng 80% tổng chi phí. Cả chủ tàu đánh cá và chủ cửa hàng bán dầu lưu động trên sông, biển đều luôn “bám nhau” và “hiểu nhau” giải quyết tốt vấn đề cung – cầu thị trường.

Làm “hoa tiêu” từ cửa biển

Thời điểm sáng trăng, có rất nhiều tàu lớn từ Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… ghé vào Hòn Rớ bán cá. Vì tàu mới nơi khác đến không biết luồng lạch, chủ tàu bán dầu hiểu ý và “lấy lòng” thuyền trưởng. “Doanh nghiệp em mới thành lập, ít khách hàng, buộc phải đi tìm và chăm sóc khách từ xa. Tàu mấy anh tỉnh khác đến đây em phải chạy thuyền ra ngoài cửa đón, giống như “hoa tiêu” dẫn tàu vào cập cảng, trên cầu cảng có người của mình đứng túc trực phụ kéo dây, buộc tàu với họ. Thuyền trưởng cần gì bọn em sẵn sàng giúp vô điều kiện, chở mấy anh lên trạm biên phòng trình sổ hình trình, bơm nước ngọt miễn phí, đôi khi mời nhậu chút đỉnh để hiểu lòng nhau hơn. Nếu mà cho tàu dầu neo một chỗ, ngồi chờ họ cặp tàu đến mua thì có nước sập tiệm sớm” – ông Nguyễn Quốc Cường, chủ tàu dầu xởi lởi.

Những chiếc tàu đánh bắt xa bờ hành nghề mành chụp, mỗi chuyến đi biển họ mua từ 10.000 – 25.000 lít dầu, gặp những chiếc tàu đánh cá ở Thanh Hóa, Nghệ An… đôi khi họ yêu cầu chở cả một xe bồn xuống cảng bơm trực tiếp vào tàu. Riêng tiền dầu đã ngốn từ 100 – 300 triệu đồng. Giống như luật bất thành văn, một chiếc “tàu lạ” đã mua dầu một lần, thì lần thứ 2, 3… trở thành “mối ruột”. Việc mua bán dầu phải “tiền trao cháo múc” không có nợ nần dây dưa.

Ngư dân “chỉ điểm” thị trường cho doanh nghiệp

Câu chuyện chăm sóc, đeo bám của chủ tàu bán dầu với chủ tàu đánh cá biểu hiện thị trường vô cùng sôi động, cạnh tranh khốc liệt trên bến dưới thuyền. Ngược thời gian những năm về trước, tàu đánh cá nhỏ ra vào đánh bắt giống như đi “chợ xóm”, chiều đi – sáng về, mỗi tàu mua 1 – 3 can dầu/chuyến biển. Không có những chiếc tàu lớn đổ mấy ngàn lít dầu như bây giờ. Ông Nguyễn Huy Giới, Giám đốc Công ty TNHH Huy Giới nhớ lại: “Cả vùng Cửa Bé toàn ghe (tàu nhỏ) giã cào ven bờ, lưới rút nhỏ… dưới nước chưa ai mở cửa hàng dầu cơ động. Tôi thuê lại cái kho của Xí nghiệp Đóng tàu Nha Trang làm chỗ chứa dầu, hàng ngày bơm vào từng can, chở xe ba gác đi giao từng chủ ghe. Được một thời gian, tôi rước đội thợ ngoài miền Bắc vào đúc chiếc xà lan bằng lưới thép, xi măng, trọng tải 20 tấn, các loại ghe cập vào bơm dầu tấp nập. Sau 3 năm, tôi lại đóng chiếc xà lan xi măng thứ 2 có gắn động cơ, dễ dàng di chuyển trên sông và cửa biển. Thời thế thay đổi, tôi chuyển sang đóng 6 chiếc tàu sắt, tàu composite hoạt động ở Khánh Hòa, Bình Thuận, Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu)”.

– Anh là người đóng tàu bán dầu đầu tiên, đã có lượng khách hàng lớn, ổn định tại Nha Trang, tại sao phải vượt sóng gió đi xa mở thị trường? – tôi hỏi.

– Tôi đi theo mấy ông chủ tàu đánh cá, họ đi đánh bắt theo mùa, theo đuôi con cá. Thuyền trưởng đưa tàu từ Khánh Hòa vào vùng biển Bình Thuận đánh bắt, rồi ghé vào Mũi Né bán cá, mua dầu đi biển tiếp. Cả vùng Mũi Né không có tàu bán dầu dưới biển, phải mua từng can trên bờ chở xuống thúng chai, chèo ra xa mới đưa được lên tàu. Quá cực.

– Đến khai phá vùng đất mới ông gặp những rào cản nào khó gỡ nhất?

– Năm đó, tỉnh Bình Thuận cấp giấy thép kinh doanh cho tôi. Tôi đưa tàu vào bán dầu cho ngư dân, chính quyền bắt phạt và yêu cầu dừng bán. Họ bảo vùng này chưa có “quy hoạch” nên không được phép bán dầu. Tôi chạy ra Hà Nội gặp ông Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trình bày đầu đuôi, ông chỉ đường: “Anh vào hợp đồng với mấy ông chủ tàu đánh cá mua bán dầu, tàu của anh có quyền đi khắp vùng biển Việt Nam, họ mua thì anh bán, không vi phạm điều luật nào hết”. Tôi về soạn thảo công văn thông báo gửi đến rất nhiều cơ quan, đơn vị tỉnh Bình Thuận về việc tàu của tôi sẽ bán dầu cho ngư dân trong vùng. Sau vụ đó, tỉnh đã bổ sung quy hoạch và giúp tôi kinh doanh ngon lành.

Thời gian sau, nhiều ngư dân gặp ông Giới lại nói: “Bây giờ cá nó chạy ra Côn Đảo rồi, bọn tui phải chạy theo đuôi nó ra đó đánh bắt, ông đi xuống đó bán dầu cho bọn tui”. Rồi ông Giới chủ động hỏi dò la tình hình ở Côn Đảo, mấy ông ngư dân kể: “Cả vùng chỉ có một cây dầu bán ở trên bờ, can nhựa chờ mua dầu chất cao như núi, họ chỉ bán theo giờ hành chính”. Ông Giới thuật lại: “Chỉ nghe họ nói can nhựa chất như núi, tôi đã sướng rồi. Lập tức bay ra Côn Đảo xem địa hình, thấy cả một bãi tàu ghe đậu san sát nhau, hai bên có hai quả đồi bao bọc, tạo nên một cái vịnh kín gió. Tôi quay về bờ và xuống Long An tìm mua chiếc tàu sắt có tải trọng 300 tấn làm cửa hàng bán dầu ở Côn Đảo. Đến nay gần như thị phần dầu dưới biển là của tôi”.                                                                                              

Chăm “mạch máu” biển khơi


Phần ánh sáng điện rất quan trọng trong khai thác hải sản, công việc chăm sóc hệ thống điện trên tàu đánh cá đặc biệt chú ý.

Ra biển khơi rộng mênh mông, mạng người như “treo” đầu ngọn sóng. Cả đoàn người trên tàu và cuộc sống mưu sinh no – đói như thế nào đều trong chờ vào cái máy tàu. Máy được ví như “trái tim” của tàu đánh cá. Tàu cá giống như “mạch máu” biển khơi. Những ông chủ dày dặn kinh nghiệm họ chăm máy như chăm con.

 Ông Võ Văn Phúc, thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá dài gần 30 m, đang hướng dẫn các thuyền viên sắp xếp đồ đạc chuẩn bị cho tàu rời cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang. Thế nhưng hai ông thợ sửa chữa máy vẫn cứ chạy lên xuống hầm máy như con thoi. “Phải chăm sóc mấy cái máy cho thật kỹ, ra biển lỡ có mệnh hệ gì coi như họ bỏ chuyến biển, tổn (chi phí) mấy trăm triệu đồng, tội nghiệp họ. Rồi nguy cơ đến tính mạng con người nữa” – Tiến, thợ sửa máy nói to như át cả tiềng máy nổ.

Tôi theo Tiến xuống hầm máy xem mấy cái máy (1 máy chính 800 mã lực và 3 máy phát điện công suất lớn) đang nổ ầm ầm. Hoàng – thợ máy của tàu nói như hét: “Tiến, mày coi cái bơm dầu tốt chưa? Ra biển nó bị tắc, ông chủ cạo đầu tao đó. Hai cái máy phát điện mày cho tăng ga hết cỡ xem nó có lòi ra bệnh gì không, “xử” nó luôn. Cả Tiến và Hoàng cứ cầm đèn pin chiếu soi chỗ này, chỗ kia thăm khám tỉ mỉ từng chi tiết của mấy cái máy. Chưa yên tâm, thuyền trưởng Phúc chui đầu vào cửa hầm máy nói to: “Mấy cha kiểm tra giúp tui cái mô tơ phát điện đấu nối với máy nổ cho ngon lành. “Nồi cơm” đang nằm ở đó. Tháng trước chiếc tàu tỉnh Nghệ An đã ra đến Trường Sa rồi mà phải bỏ cả chuyến biển quay vào bờ, vì bị hỏng bộ phận điện”.

 Gặp những loại tàu đời mới đóng theo dự án Nghị định 67 buộc phải đặt máy mới 100%, hoặc những gia đình có tiềm lực tài chính tốt họ cũng sắm máy mới. Đối với các loại tàu này, ông thuyền trưởng biết nghề, thường xuyên chăm sóc dầu nhớt, bơm nước làm mát máy tốt, ra biển chạy yên tâm, gần như ít có bị hư hỏng lặt vặt. TP Nha Trang được mệnh danh là “bá đạo” dùng máy mới, nhưng chỉ chiếm 20%. Số còn lại đa số họ dùng loại máy cũ, với công suất máy 400 – 500 mã lực. Dân đi biển có mật hiệu “máy cũ quốc tế” là có nguồn gốc từ Nhật Bản thải ra từ tàu đánh cá, mấy tay lái buôn của Việt Nam sang mua về để thành từng bãi ở TP Hồ Chí Minh (gọi là “máy bãi”), dạng này coi như “hàng xịn” của dân biển. Từ “máy bãi” về độ chế bỏ xuống tàu chạy khoảng 5 – 15 năm thải ra, mấy ông thợ máy mua về tân trang lại thành “máy già”. “Tội nghiệp cho mấy anh vớ phải mấy cái “máy già” nó rệu rạo giống như ông cụ 70 tuổi, hỏng máy ngoài biển như cơm bữa. Máy là “trái tim” của tàu đánh cá, mà tàu là “mạch máu” biển khơi. Tim có vấn đề coi chừng bị tai biến ở đầu ngọn sóng. Bó tay cứu chữa” – ông Khổng Văn Lượng, thợ sửa máy tàu đánh cá lâu năm ở TP Nha Trang so sánh ví von.

Sửa máy tàu qua điện thoại

Ông Lượng, có cả cửa hàng bán máy mới 100%, ngoài ra ông có dịch vụ bán “máy bãi” và “máy già”. Số lượng khách hàng lên cả mấy trăm chiếc tàu đánh cá, ông Lượng nuôi 10 tay thợ chuyên đi bảo dưỡng, chăm sóc máy tàu đánh cá.

– Tối trăng người ta đi biển, trăng sáng họ về bờ. Gặp những chiếc tàu có trục trặc máy, ông thuyền trưởng đã gọi mình khi tàu đang ở ngoài biển “đặt lịch” xuống bảo dưỡng. Tàu cách bờ mấy hải lý, mấy ông gọi liên tục, nhắc chừng mình. Đắt xô lắm – ông Lượng giải bày.

– Chắc máy tàu bị hỏng nặng họ mới gọi điện nhiều như vậy? – tôi hỏi.

– Nặng hay không nặng họ cũng gọi nhiều, vì cùng một lúc có rất nhiều tàu vào cập cảng, họ sợ mình đi làm cho tàu khác. Có nhiều chiếc tàu họ vào bán cá xong, bơm dầu, lấy đá quay ra biển đánh bắt ngay. Họ muốn tàu vừa cập cảng, thợ máy phải xuống hầm “thăm khám” máy liền. Nếu có thay thế linh kiện nào nhanh chóng làm tức thì. Nên lớp thuyền trưởng điện nhắc mình, lớp ông chủ đến cửa tiệm chờ mình kéo xuống tàu luôn.

Nhiều khi ông chủ đưa tàu vào Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau… đánh bắt, bị hỏng máy cũng gọi ông Lượng vào bằng được để sửa máy. Ông Lượng tâm sự: “Nhiều lần tàu của họ bị banh máy ngoài biển, điện về bờ, chủ tàu thuê chiếc tàu nhỏ chở tôi đi với thời gian 2 ngày 2 đêm mới tới chỗ tàu hỏng. Sửa chữa, thay thế phụ tùng mất hết 1 ngày, cho tàu chạy đi đánh bắt bình thường, tôi mới quay trở về bờ lại”.

– Máy hỏng ở ngoài biển khơi, thợ máy ở trong bờ, làm cách nào biết hỏng bộ phận nào để mua thiết bị thay thế?

– Mình phải “khám” từ xa qua bộ đàm, họ mô tả, mình có kinh nghiệm biết nó hỏng ở chỗ nào. Khi mua thiết bị thay thế lúc nào cũng phải dư 2 – 3 cái. Nếu chỉ mua 1 cái, lỡ bị cái gì đó lắp vào không được, thế là thiệt hại kép luôn.

Thông thường nếu tàu cá bị hỏng máy ngoài biển, các tay thợ trên tàu khắc phục không được, thuyền trưởng điện về cho ông Lượng hỏi và hướng dẫn cách sửa chữa, gần như tuần nào cũng có tàu hư máy. Có đêm 4 tàu bị hỏng máy, ông Lượng phải thức trắng để sửa chữa máy tàu qua điện thoại. Qua điện thoại mình đâu có nhìn thấy họ làm như thế nào, nên phải vừa hỏi, vừa hướng dẫn từng động tác một.

Đa số thợ máy ở trên các tàu đánh cá đều là “thợ ngang” trưởng thành từ thuyền viên kéo lưới, có nhiều tàu ông thuyền trưởng kiêm luôn phần máy móc. Theo ông Lượng, muốn “trái tim” của tàu hoạt động tốt, người thuyền trưởng phải có tâm, có trách nhiệm, kiểm tra máy thường xuyên. “Cái máy nổ cũng giống như con người vậy, phải biết chữa trị khi nó vừa mới chớm phát bệnh. Hàng ngày phải lo bảo dưỡng dầu nhớt, bộ phận bơm nước làm mát máy…” – ông Lượng chốt chắc nịnh.

Phóng sự của Hải Luận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!