Đa canh để phát triển kinh tế gia đình

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, nông dân huyện Ðầm Dơi chú trọng phát triển các mô hình sản xuất đa cây, con trên cùng một đơn vị diện tích. Ðây là mô hình mang lại hiệu quả, bền vững trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh, giá cả lúc lên, lúc xuống.

Dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Ðầm Dơi đang tập trung phát động nông dân tăng đa canh và đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 03 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về tăng cường chỉ đạo phát huy sáng kiến của cán bộ và Nhân dân, tổ chức các mô hình, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, chú trọng các loại hình sản xuất kết hợp như: nuôi tôm kết hợp cua, cá, sò huyết… trên bờ trồng cây ăn trái, hoa màu.

Ðáng chú ý là, nhiều nông dân còn phát triển nuôi các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế trên diện tích nhỏ như: cá bống tượng, rắn ri tượng, nuôi các loại cá nước ngọt, nuôi tôm nước tĩnh…

Phó Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Thái Hoàng Bo (áo trắng) tham quan mô hình nuôi sò huyết của hộ anh Lê Quốc Khải, ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Thái Hoàng Bo (áo trắng) tham quan mô hình nuôi sò huyết của hộ anh Lê Quốc Khải, ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến.

Ông Nguyễn Văn Dữ, ấp Tân Ðiền A, xã Thanh Tùng, trước đây cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Với diện tích 2 ha, ông quyết định nuôi sò, tôm, cua kết hợp. Năm đầu thực hiện mô hình, ông thả nuôi 50 kg sò giống; 3.000 con cua giống; tôm mỗi tháng thả 1 lần từ 40.000 con trở lên.

Sau 6-7 tháng nuôi, sò đạt trọng lượng khoảng 50 con/kg, ông tiến hành thu hoạch. Với giá bán 80.000-90.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, ông còn lợi nhuận trên 20 triệu đồng tiền bán sò. Diện tích đất xung quanh nhà ông trồng nhiều loại rau màu, cây ăn trái. Mô hình có hiệu quả, hiện ông đang tiếp tục duy trì để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Dữ bộc bạch: “Là nông dân, không chỉ làm vuông, mà nhất thiết phải có vườn rau, ao cá, cây ăn trái để vừa có cái để tiêu dùng, vừa không bỏ phí đất đai”.

Thấy mô hình nuôi sò huyết đem lại hiệu quả cao, lại gần biển, nguồn nước thuận lợi, anh Lê Quốc Khải, ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến đã bao ví 3.000 m2 đất thả nuôi sò huyết. Anh thả 200 kg sò giống, mật độ thả nuôi 100 con/m2. Sau 3 tháng nuôi, sò đạt trọng lượng khoảng 80 con/kg, giá bán dao động trên dưới 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lãi trên 25 triệu đồng. Xung quanh nhà anh trồng màu, nuôi cá nước ngọt để tạo nguồn thu nhập tổng hợp cho gia đình.

Anh Lê Quốc Khải bày tỏ: “Trong lúc sản xuất khó khăn như hiện nay thì việc chuyển đổi cây, con cho phù hợp với thực tế yêu cầu cuộc sống là cần thiết. Vì vậy, nông dân phải biết thay đổi cách nghĩ, cách làm, có như thế mới phát huy hết được hiệu quả đất đai đem lại”.

Ông Lê Hoàng Ngỡi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến, cho biết: “Hiện nay, mô hình sản xuất đa cây, đa con được Hội Nông dân xã triển khai thực hiện, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân. Qua đó, giúp nông dân phát huy được sáng kiến mới, cách làm hay, áp dụng vào thực tế của gia đình để phát triển kinh tế”.

Cùng với đa cây, đa con, trong điều kiện sản xuất khó khăn, nông dân trong huyện kịp thời chuyển đổi sang những mô hình phù hợp để thích ứng và sản xuất hiệu quả. Nuôi tôm công nghiệp gặp khó khăn, một số hộ dân đã kịp thời chuyển sang nuôi tôm nước tĩnh, nuôi cua, nuôi cá kèo, bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Với diện tích 5 ha, gia đình ông Huỳnh Văn Nam, ấp Mỹ Phú, xã Tạ An Khương đang phát triển mô hình nuôi tôm nước tĩnh. Mỗi năm ông nuôi 2 vụ tôm, mỗi vụ ông thả 150.000 con tôm sú giống, mật độ từ 10-15 con/m2, sau 4 tháng nuôi, tôm đạt 18-20 con/kg, ông đặt lú bắt tôm qua từng con nước. Ngoài ra, ông Nam còn kết hợp nuôi cua trong vuông. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí ông còn lãi trên 250 triệu đồng/năm.

Với ông Trần Văn Bé, ấp Tân Lợi A, xã Tạ An Khương Nam lại phát huy hiệu quả của mô hình nuôi cá chình. Với diện tích nuôi tôm công nghiệp hiện có, ông tận dụng 5 ao, mỗi ao 1.000 m2 thả nuôi cá chình. Ông thả 150 kg cá chình, trọng lượng 1 kg khoảng 50 con. Sau 15-16 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 0,5-2 kg/con. Ông cho biết, sẽ nuôi tiếp 24 tháng để cá đạt trọng lượng khoảng 4 kg. Với 5 ao nuôi, theo dự tính, ông sẽ thu về khoảng 4 tấn cá.

Ông Trần Văn Bé cho biết: “Bước đầu, việc nuôi cá chình tôi thấy hiệu quả cao, cá phát triển tốt, việc cho cá ăn không tốn nhiều chi phí vì tận dụng được lượng cá tạp trong vuông. Hiện nay giá cá cũng đang tăng lên nên vụ nuôi này hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Thái Hoàng Bo đã có nhiều chuyến kiểm tra thực tế việc sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn huyện, yêu cầu các xã cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong việc phát triển kinh tế. Các xã cũng cần phân công kỹ thuật sản xuất xuống cùng làm với người dân để tìm ra những mô hình, cách làm mới; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; cần rà soát lại diện tích sản xuất hiện nay, cụ thể từng loại cây, con để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong sản xuất./.

Bài và ảnh: Thuỳ Mỵ

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!