T2, 06/07/2020 10:16

Đà Nẵng: Chuyến biển cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

Hết mùa trăng tháng Chạp, nhiều tàu cá lại khẩn trương ra khơi cho chuyến biển cuối năm với hy vọng bội thu.

Chuyến biển sắm Tết

Nghỉ ở nhà gần nửa tháng trời động, hôm nay tàu cá ông Phạm Văn Hoa (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) lại tất bật chuẩn bị cho chuyến biển cuối năm. Suốt hơn 30 năm “hồn treo cột buồm”, những chuyến biển mong đợi cuối năm này lúc nào cũng đem lại cho ông những cảm xúc thật đặc biệt.

“Chuyến biển cuối năm rất quan trọng với ngư dân chúng tôi. Chuyến đi này sẽ giúp nhiều tàu cá trang trải các khoản chi phí “tồn đọng” trong năm và giúp họ mua sắm Tết. Hiện tại thời tiết đã qua những ngày biển động nên chúng tôi rất mừng”, ông Hoa chia sẻ. Tại Sơn Trà, những ngày giữa tháng Chạp này, hàng chục tàu cá lớn nhỏ đang hối hả thu dọn ngư lưới cụ và thu mua thực phẩm sẵn sàng cho chuyến biển dài ngày. Nhiều người đi “bạn” cũng khẩn trương chuẩn bị “đồ nghề” theo các chủ tàu bám biển. Anh Nguyễn Văn Ánh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), người đi “bạn” hơn chục năm nay có vẻ háo hức: “Nếu chuyến biển này được mùa, mỗi người đi “bạn” chúng tôi kiếm chừng trên dưới 5 triệu đồng, có khi lại được chủ tàu biếu thêm vài trăm để mua sắm được nhiều thứ cho ngày Tết”.

Chuyến biển cuối năm thường đem lại thu nhập cao cho ngư dân.                             Ảnh:  NGUYỄN CẦU 

Chuyến biển cuối năm thường đem lại thu nhập cao cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Cầu

Thông thường, mỗi chuyến biển xa bờ của ngư dân mất khoảng 10 ngày đến nửa tháng. Theo ông Hoa, vào dịp giáp Tết, giá chi phí cho mỗi chuyến biển bao giờ cũng tăng từ 5-10% so với các chuyến biển khác trong năm, nhưng bù lại giá cá lại cao hơn so với ngày thường. Thường chuyến biển cuối năm các tàu Đà Nẵng đi lưới cản, lưới rê, giã đôi đánh bắt các loại hải sản chủ yếu như cá thu, cá ngừ, cá mú, cá chim, cá lạc…

Chuyến biển cuối năm thường đem lại thu nhập cao cho những người đi biển do thời điểm Tết và những ngày đầu năm, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. “Nhiều năm qua, chuyến biển cuối năm của chúng tôi đều thắng lớn như vậy”, chủ tàu cá Mai Đăng Nhiều (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) chia sẻ. Theo ông Nhiều, với chuyến biển kéo dài 20 ngày, có 10 người đi “bạn”, thường tàu cá của ông thu gần 250 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tiền lãi khoảng 120 triệu đồng. Theo cách chia chủ tàu 50% tiền lãi, gia đình ông có khoản thu về 60 triệu đồng; mỗi người đi “bạn” cũng thu được khoảng 6 triệu đồng. Với khoản tiền này, tàu cá ông Nhiều có thể sắm thêm ngư lưới cụ cho năm tới và trang trải chi phí cho gia đình vào dịp Tết. Còn bạn tàu thì khấp khởi vui mừng vì có số tiền kha khá đưa vợ con sắm sửa cái Tết được ấm no.

Còn đó những nỗi lo

Trò chuyện với chúng tôi khi vừa cùng số bạn chài chuyển xong dầu, ngư lưới cụ và thực phẩm xuống tàu, ngư dân Lê Văn Xin, chủ tàu cá ĐNa 90026 TS công suất 380 CV (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) bộc bạch: “Biển giã năm ni làm ăn khó khăn hơn so với mọi năm. Phần thì do chi phí cao, thời tiết diễn biến thất thường, phần thì số tàu thuyền nơi khác vào ngư trường hoạt động quá nhiều ảnh hưởng đến đánh bắt của ngư dân chúng tôi”. Mùa biển năm rồi, tàu ông Xin ra khơi tổng cộng 7 chuyến tại ngư trường Hoàng Sa. Mỗi chuyến vươn khơi tại ngư trường này thường kéo dài nửa tháng, nên trước khi rời bến, tàu của ông phải đầu tư chi phí trên dưới cả trăm triệu đồng. Mỗi chuyến ra khơi tàu phải khai thác được trên 10 tấn hải sản thì mới có lãi, có chia cho bạn tàu, còn không thì lỗ. Đặc biệt chuyến đi cuối năm, chi phí càng tăng nên các tàu cá càng phải cố gắng bám ngư trường dài ngày để kiếm thêm nguồn thu nhập.

Chuẩn bị ra khơi. 

Chuẩn bị ra khơi.

Mấy năm nay, biển giã cũng bấp bênh nên nhiều người đi “bạn” không còn mấy thiết tha với nghề biển. Họ chọn cách làm ăn trên bờ để kiếm nguồn thu nhập ổn định và đỡ vất vả hơn. Vì vậy, vào những ngày giáp Tết, việc tìm người đi “bạn” của các chủ tàu rất khó khăn. “Nhiều người vì nể tình nghĩa nên còn đi “bạn” cho tàu chúng tôi. Xong chuyến biển cuối năm, chúng tôi cũng phải có chút quà Tết cảm ơn để sang năm họ tiếp tục làm với tàu. Cũng mong chuyến biển cuối năm được mùa cho anh em có đồng ra đồng vào sắm Tết”, ông Xin tâm sự.

Dù biển giã vẫn còn đó những nỗi lo nhưng ngư dân vẫn kiên trì bám biển. Chuyến đi biển cuối năm không chỉ có mục đích khai thác mà với họ “quăng lưới là để giữ yên vùng biển nước nhà”. Họ chỉ cầu mong sao cho trời êm biển lặng, nguồn hải sản dồi dào để mỗi chuyến tàu ra khơi sẽ chở Tết, chở đầy niềm vui khi cập bến.

Hoàng Hân

Báo Đà Nẵng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!