T2, 06/07/2020 12:49

Đại gia chuỗi cá tra biến mất: Thất bại xử lý nợ

Chưa có đánh giá về bài viết

Phương án mới nhất xử lý nợ cá tra chuỗi liên kết dọc Tafishco (Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An) ở tỉnh An Giang không được các hộ nuôi cá chấp nhận. Tất cả đề nghị điều tra vào cuộc và coi như đã thất bại việc xử lý nợ suốt những tháng đầu năm 2017, sau khi ông bà chủ Tafishco biến mất.

Các hộ dân nuôi cá không chấp nhận phương án mới   Ảnh: SN

Các hộ dân nuôi cá không chấp nhận phương án mới Ảnh: SN

Thay đổi phương án xử lý nợ

Trước đây, phương án xử lý nợ được UBND tỉnh An Giang kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 31/3/2017 là “cấn trừ”. Tuy nhiên, đầu tháng 6, đoàn công tác của UBND tỉnh An Giang làm việc với Ngân hàng Nhà nước và giữa tháng 7, Ngân hàng Nhà nước có công văn chỉ đạo 5 nội dung. Dựa vào đó, tỉnh An Giang xây dựng lại phương án xử lý nợ với hai hướng: Các khoản nợ Agribank An Giang được “cơ cấu lại nợ gốc và lãi” hoặc “khoanh lại nợ gốc và lãi” trong 5 năm, nông dân phải trả.

Theo đó, tính đến ngày 30/6/2017, tổng nợ Agribank An Giang của 12 hộ nuôi cá hơn 129 tỷ đồng, gồm nợ gốc quá hạn gần 110 tỷ và nợ lãi. Có 2 hộ “nợ riêng với Tafishco” nên được tách ra, còn 10 hộ đưa vào phương án xử lý nợ chuỗi Tafishco. Tổng cộng 10 hộ nợ Agribank An Giang hơn 78 tỷ đồng và bị Tafishco nợ tiền cá tra gần 82 tỷ đồng.

Trong 10 hộ, có 4 hộ nợ Agribank An Giang ít hơn 5,206 tỷ đồng so với tiền cá đã giao cho Tafishco. Những hộ này được nhận lại 5,206 tỷ, từ tiền hoàn thuế VAT trong tài khoản Tafishco (đang bị phong tỏa). Còn 6 hộ nợ Agribank An Giang nhiều hơn 15,526 tỷ đồng so với tiền cá đã giao cho Tafishco. Những hộ này phải trả Agribank An Giang 15,526 tỷ đồng.

Sau khi thanh toán chênh lệch, số tiền nợ Agribank An Giang của các hộ dân đúng bằng số tiền cá bị Tafishco nợ. Lúc này, các hộ dân với Agribank An Giang bàn việc “xử lý nợ”, bằng cách “cơ cấu nợ” hoặc “khoanh nợ”, đều thời hạn 5 năm và tính cả lãi. Các hộ dân phải cam kết thời gian trả nợ; hoàn tất những thủ tục trên, các hộ dân mới được Agribank An Giang cho vay mới để tiếp tục nuôi cá.

Đề nghị điều tra vào cuộc

Cả 10 hộ dân không chấp nhận phương án mới. Ông Nguyễn Văn Tấn còn bị Tafishco nợ gần 12 tỷ đồng tiền cá, phát biểu: “Khi tham gia chuỗi liên kết, các ngành các cấp xuống tận ao động viên chúng tôi tham gia. Chúng tôi tin tưởng và chấp hành, dù luật chơi do Agribank An Giang và Tafishco đưa ra, nhập giống phải báo cáo, có người tới kiểm tra, đặt mua thức ăn đều phải thông qua chuỗi, cá bán chúng tôi không được giữ tiền. Nay cơ cấu hay khoanh nợ thì nông dân cũng phải trả nợ lần thứ hai, hết sức vô lý, không chấp nhận được”.

Ông Thái Văn Minh đang bị Tafishco nợ gần 2,5 tỷ tiền cá, nói: “Chuỗi liên kết là do nhà nước chỉ đạo Tafishco làm, rồi Tafishco mới tìm tới tôi. Gần hai năm, theo quy định, tôi vay tiền nhưng không nhận tiền mà nhận bằng thức ăn. Sau đó, tôi phải giao cá cho Tafishco để Tafishco trực tiếp trả tiền cho Agribank An Giang. Bằng cách đó, tổng cộng tôi vay Agribank An Giang 10 tỷ, đã trừ bằng tiền cá gần 8 tỷ ở Tafishco chứ tôi không trực tiếp trả, nay còn hơn 2 tỷ tiền cá sao không cấn trừ luôn nợ cho tôi? Trong khi tôi bán cá đã hơn 7 tháng rồi, Tafishco bỏ đi, nay bắt tôi trả tiền thì tôi lấy đâu ra tiền để trả?”.

Theo các hộ dân, nguyên nhân chính dẫn tới nợ nần hiện nay là Agribank An Giang không giám sát, kiểm tra, để Tafishco chiếm đoạt tiền của nông dân, bỏ trốn. Trong lúc, các hộ dân tham gia chuỗi đều có kinh nghiệm nuôi cá, là những hộ nuôi cá tra còn lại của tỉnh An Giang. Cho nên, để xử lý nợ rút được bài học xây dựng chuỗi liên kết cá tra “đề nghị mời công an vào cuộc làm rõ đúng sai”.

>> Ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương An Giang, Tổ trưởng Tổ xử lý nợ cho biết: “Bộ Công an đã vào cuộc, xem xét toàn bộ các hợp đồng liên kết, tiêu thụ, hợp đồng tín dụng, hợp đồng nguyên tắc để có hướng xử lý, khắc phục tốt nhất”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!